Bên hai bờ sông Đuống

Nguyễn Ngọc Tiến| 31/03/2023 18:10

(HNMCT) - Sông Đuống là chi lưu của sông Hồng, xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh. Tháng 5-1961, Nhà nước chia lại địa giới hành chính nên nhiều xã ở hai bờ đoạn đầu sông Đuống thuộc về Hà Nội.

Một góc đê hữu Đuống thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Internet

Khi nhà Lý lập ra nước Đại Việt đã đổi châu Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức, vì vậy, sông Đuống còn gọi là sông Thiên Đức. Sông Đuống được chú trọng vì vừa là đường giao thông thủy vừa là nguồn nước tưới cho đồng ruộng. Vì thế, vào thời Lý - Trần, năm nào sông cũng được nạo vét phù sa, khơi thông dòng chảy. Thời nhà Lý, vua Lý Thánh Tông đặc biệt yêu thích con sông này, thường cưỡi thuyền rồng về quê ngoại ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh. 

Từ đời Lý đến đời Lê, các triều vua rất quan tâm đến đê sông Đuống, hằng năm cho tu sửa để ngăn nước lũ tràn vào ruộng đồng hai bên. Nhưng khi nước sông Hồng liên tục gây úng ngập cho nhiều vùng đất mà nó chảy qua thì các quan trình tấu lên vua Minh Mạng cho phá đê, vừa tiết kiệm ngân khố mà ruộng đồng lại có phù sa, ao hồ đầy tôm cá, nhưng ông gạt đi. Minh Mạng sợ không có đê, Bắc Hà sẽ lụt lội. Rồi quan Lê Đại Cương dâng tấu, bày kế nạo vét sông Đuống để mùa lũ, nước sông Hồng chảy vào sông này nhằm giảm áp lực cho các đoạn đê qua Thăng Long. Ý kiến này được Minh Mạng chấp thuận. Từ đó, hằng năm, các vua Nguyễn lại cho nạo vét phù sa trên sông Đuống.

“Em ơi buồn làm chi/ Anh đưa em về bên kia sông Đuống...”. Đó là hai câu mở đầu bài thơ “Bên kia sông Đuống” của thi sĩ Hoàng Cầm gây tò mò cho người đọc. Có chuyện gì xảy ra ở bên kia sông Đuống? Phía nam sông xưa gọi là vùng Dâu, còn ngày nay là các huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài thuộc tỉnh Bắc Ninh. Khi nhà Hán xâm lược An Nam, vùng Dâu được chọn để xây thành Luy Lâu. Đây cũng là trung tâm kinh tế, tôn giáo, chính trị của nước ta thời ấy. Hai bên bờ sông chảy qua phong cảnh đẹp có làng Đông Hồ làm tranh dân gian nổi tiếng. Cảnh đẹp đã dệt cho nơi đây biết bao huyền  thoại. Thời vua Lê chúa Trịnh đã cho xây chùa Tĩnh Lự trên đỉnh núi An Quang (nay thuộc xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) làm một đại danh lam cho muôn đời. 

Tuy sông Đuống thuộc Hà Nội và Bắc Ninh nhưng văn hóa lại không có địa giới. Trong vùng văn hóa Kinh Bắc mà nay thuộc Hà Nội có những ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Đuống như làng Sủi, địa bàn cư trú của người Việt cổ thời Hùng Vương. Làng Sủi tên Nôm là Kẻ Sủi, đây cũng là quê hương của nguyên phi Ỷ Lan, vợ vua Lý Thánh Tông. Năm 1068, Lý Thánh Tông đổi tên thành làng Siêu Loại (nay là thôn Phú Thị, huyện Gia Lâm). Dưới thời phong kiến, làng Kim Sơn nổi tiếng có truyền thống hiếu học và khoa bảng nên mới có câu ngạn ngữ: “Phú Thị chi nhất hạng tứ thượng thư, Kim Sơn chi ngũ hiền nhị vị tể tướng” (nghĩa là: Làng Phú Thị đứng hàng đầu với 4 thượng thư, làng Kim Sơn có 5 người hiền, 2 tể tướng). Phú Thị cũng là quê của danh nhân Cao Bá Quát - người nổi tiếng với tài văn thơ khiến vua Tự Đức phải thốt lên: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”. Cao Bá Quát cũng là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương chống lại triều đình nhà Nguyễn. Làng Sủi có 2 đặc sản nổi tiếng xa gần, đó là tương và bánh đa vừng.

Xã Phú Thị ngày nay có thôn Trân Tảo, xưa gọi là làng Táo vì có loại táo quý, còn làng Giao Tất (nay thuộc xã Kim Sơn) xưa chuyên nấu keo da trâu nên có tên là làng Keo. Hai làng này thuộc tổng Kim Sơn. Có câu chuyện vui liên quan đến địa danh Táo và Keo như sau: Một viên quan phủ đi kinh lý vùng Thuận Thành, khi đến chợ Chì (nay thuộc xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) thì dừng chân. Viên quan phủ hay chữ đã ra vế đối: “Chị chờ em ở chợ Chì”. Câu đối chơi chữ khá hay vì “chị chờ” nói ngược lại là “chợ Chì”. Viên quan phủ chờ mãi, cuối cùng có người kéo xe tay xin đối là: “Tao kéo mày về Keo Táo”. “Tao kéo” nói ngược thành vùng “Keo Táo”, vế đối hoàn chỉnh khiến viên quan phủ phải ban lời khen.

Hiện ở Kim Sơn vẫn còn chùa Keo và đền Keo. Chùa Keo là ngôi cổ tự nằm trong vùng đất Phật giáo. Còn nghè Keo (hay đền Keo) thờ Thành hoàng làng Đào Phúc - người có công lớn trong việc đánh tan quân xâm lược nhà Tống và quân Chiêm Thành, được vua Lý phong làm Bộ trưởng đạo Sơn Nam. Vị thần thứ ba được thờ ở nghè Keo là tổ của nghề hát ca trù. Đó là hai ông bà Đinh Dự và Mãn Đường Hoa. Tương truyền khi còn sống, ông bà đã chọn làng Keo làm nơi truyền nghề. Nhờ đó, nghề hát ca trù ở vùng này rất phát triển. Hằng năm, vào ngày 6 tháng Tư, ngoài nghi thức tế lễ rước Phật, nhân dân các nơi lập phường mở hội hát ca trù tưởng nhớ công ơn của tổ nghề hát ca trù ở vùng này. Bên kia sông Đuống còn có xã Phù Đổng - nơi có lễ hội Gióng nổi tiếng được UNESCO xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  

Đoạn đầu hai bên bờ sông Đuống ngày nay không còn “cát trắng phẳng lỳ” như trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, cũng không còn ruộng dâu bát ngát như thế kỷ XX. Thay vào đó, phố thị đã mọc lên. Nhưng những huyền tích, câu chuyện xưa và các di tích lịch sử, văn hóa vẫn còn mãi với thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bên hai bờ sông Đuống