Nguyệt Áng - Làng hiếu học...

Đinh Hồng| 31/03/2023 06:31

(HNM) - Là làng quê chiêm trũng, dân số ít nhưng Nguyệt Áng (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam xưa, với 11 tiến sĩ, 30 hương cống, cử nhân… Nhiều người nổi tiếng trong các triều đại phong kiến, được sử sách ghi nhận, nhân dân tôn vinh… Tiếp nối truyền thống đó, người dân làng Nguyệt Áng hôm nay vẫn giữ tinh thần hiếu học, đóng góp xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.

Giới thiệu với khách tham quan về truyền thống hiếu học tại khu Văn chỉ của làng Nguyệt Áng (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì).

Chính sách khuyến học thỏa đáng

Theo Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Nguyệt Áng Nguyễn Đình Kiểm, làng Nguyệt Áng là nơi sinh cơ lập nghiệp của 13 dòng họ: Bùi, Lê, Lưu, Trần và 9 họ Nguyễn được phân biệt bằng tên đệm: Nguyễn Danh, Nguyễn Đình, Nguyễn Xuân, Nguyễn Trọng… Thời phong kiến, Nguyệt Áng nổi tiếng là ngôi làng có truyền thống học hành thành đạt, với lượng lớn người đỗ đại khoa, trung khoa và tiểu khoa qua các kỳ thi. Tấm bia đặt ở Văn chỉ của làng Nguyệt Áng hôm nay còn ghi: Làng có 11 người đỗ đại khoa, gồm 1 trạng nguyên, 1 thám hoa, 9 đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Kiểm, làng Nguyệt Áng nằm trong vùng chiêm trũng, vào mùa mưa nước từ các nơi khác dồn về đây để tiêu ra sông Nhuệ…, nên mỗi năm người dân chỉ cấy được một vụ lúa, vì thế mà quanh năm nghèo khó. Do đó, người dân của làng luôn có ý chí vươn lên thoát nghèo bằng con đường đi học, đi thi để đỗ đạt làm quan.

Tiếp sức cho việc học, từ xa xưa làng Nguyệt Áng đã có chính sách khuyến học thỏa đáng. Bản hương ước của làng lập năm Bảo Đại thứ 11 (1936) ghi rõ các điều, trong đó điều 25: Người đang đi học các trường được miễn tuần phòng; điều 67: Làng có người nào đỗ Tú tài tân học thì làng cắt lý trưởng, lềnh trưởng biện 1 buồng cau, đôi câu đối giấy tây đỏ đến mừng nhà viên cùng 1 đồng lộ phí; nếu đỗ Cử nhân thì làng cắt hương lão, lý dịch, lềnh trưởng biện 1 buồng cau, 1 đôi câu đối bọc đai hồng đến nhà mừng cùng 2 đồng lộ phí…

Ở làng Nguyệt Áng, Nguyễn Đình là họ nổi tiếng thành đạt về mặt học hành, khoa cử với nhiều người đỗ đạt nhất (5 người) và tập trung trong vòng 4 đời, đó là các cụ: Nguyễn Đình Trụ, Nguyễn Đình Bách, Nguyễn Đình Ý, Nguyễn Đình Quý. Họ Lưu có 3 người trong cùng 1 gia đình, là: Lưu Tiệp, Lưu Định, Lưu Quỹ…

Tiếp tục phát huy truyền thống

Để ghi danh tài năng, công đức của các vị tiến sĩ, cách đây gần 400 năm, người dân Nguyệt Áng đã "chung tay" xây dựng khu Văn chỉ. Hiện khu Văn chỉ của làng còn lưu giữ 2 bia đá ghi tên tuổi, năm đỗ, chức quan của những người đỗ đạt. Hằng năm, đến ngày Xuân Tế và Thu Tế, Hội Tư văn của làng lại ra đây làm lễ. Truyền thống khoa bảng chính là động lực để các sĩ tử trong làng gắng công đèn sách, quyết tâm thi đỗ cũng như để các gia đình khích lệ, động viên và tạo điều kiện cho con em ăn học.

Theo cán bộ văn hóa xã hội xã Đại Áng Nguyễn Trọng Trường, Nguyệt Áng là làng nhỏ nhất so với 4 làng cổ của xã Đại Áng. Làng có diện tích đất tự nhiên hơn 44ha, gần 1.000 nhân khẩu và có nhiều công trình văn hóa tâm linh, như: Đình, chùa, văn chỉ, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh, nhà thờ Tiến sĩ Lưu Quỹ… Tiếp nối truyền thống hiếu học, người dân Nguyệt Áng hôm nay vẫn không ngừng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Danh Truy có 6 người con và nhiều cháu, chắt học hành thành đạt, công tác khắp các vùng miền cả nước.

Theo Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Nguyệt Áng Nguyễn Đình Kiểm, do người dân Nguyệt Áng học hành thành đạt, thoát ly nhiều nên đến nay làng vẫn là một làng nhỏ chưa đến 1.000 dân. Người dân Nguyệt Áng làm việc, sinh sống ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều người có đóng góp công lao vào thành tựu phát triển của đất nước, như kỹ sư Nguyễn Xuân Mận công tác ở Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã tham gia những công trình nghiên cứu máy tuốt lúa đạp chân, máy gặt lúa rải hàng, máy gặt đập lúa liên hợp, máy chặt mía rải hàng, công cụ tẽ ngô… được nông dân ứng dụng rộng rãi.

Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Thanh Toàn cho biết, tuy là làng nhỏ nhất xã, song các phong trào ở Nguyệt Áng không thua kém các làng khác. “Xã Đại Áng đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, tôn tạo khu Văn chỉ của làng Nguyệt Áng, gồm các hạng mục: Khu nhà 3 gian, tả mạc, hữu mạc, tường rào, sân..., với tổng mức đầu tư dự kiến 14,5 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đề xuất huyện Thanh Trì cho mở rộng khu Văn chỉ sang phần diện tích của khuôn viên nhà văn hóa gần đó và di chuyển nhà văn hóa sang vị trí khác. Nếu được Hội đồng nhân dân huyện thông qua tại kỳ họp tháng 4 tới, công trình sẽ nhanh chóng được triển khai để Văn chỉ trở thành địa chỉ tôn vinh tinh thần hiếu học của quê hương, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau và xa hơn là khai thác giá trị văn hóa, lịch sử gắn kết với phát triển du lịch”, Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Thanh Toàn thông tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguyệt Áng - Làng hiếu học...