Rộn ràng hội chùa Láng

Thủy Hương| 20/03/2023 11:30

(HNMCT) - Chùa Láng (hay còn gọi là chùa Cả, Chiêu Thiền tự) được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Chùa ở trên phần đất số 112 phố Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội). Ngoài thờ Phật, chùa còn là nơi thờ vị thiền sư nổi tiếng Từ Đạo Hạnh và hiện thân của ngài là vua Lý Thần Tông.

Theo sách “Lĩnh nam chích quái” và “Thiền uyển tập anh”, Từ Đạo Hạnh vốn sinh ra và tu luyện đắc đạo ở chùa Láng, hóa tại chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Sau khi mất, Từ Đạo Hạnh đầu thai và được vua Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi, lập làm thái tử, sau này trở thành vua Lý Thần Tông. Khi lên ngôi, vua Lý Thần Tông đã dựng chùa Nền (Đản Cơ tự) tại làng Láng, nơi ngài sinh để thờ cha mẹ. Sau này, con trai của Lý Thần Tông là vua Lý Anh Tông cho xây chùa Láng (Chiêu Thiền tự) để thờ cha và hiện thân của ngài là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Hằng năm, nhân dân chọn ngày hóa của ngài (mùng 7 tháng Ba) để tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ vị thiền sư tài giỏi.

Hội Láng xưa là lễ hội lớn nhất kinh thành Thăng Long, thường diễn ra trong 10 ngày. Đặc biệt, vào những năm đại hội “phong đăng, hỏa cốc” (10 - 15 năm) mới rước Thánh một lần. Ngày nay, hội Láng chỉ tổ chức trong 3 ngày (từ mùng 6 - 8 tháng Ba) nhưng chỉ là hội lệ.

Chiều mùng 6 tháng Ba, ba thôn làng Láng xưa gồm Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ mang lễ lên chùa và đặt lên kiệu để bắt đầu đoàn rước với đội múa lân, rồng náo nhiệt. Nghi thức quan trọng nhất là lễ mộc dục diễn ra vào đúng 0 giờ mùng 7 tháng Ba. Sau khóa cúng Thánh, 5 bậc cao niên vào cung để bao sái đức Thánh và phong áo long bào, đội mũ miện, đi hia rồng nhằm tái hiện sự tái sinh của thiền sư Từ Đạo Hạnh thành vua Lý Thần Tông. Đây được coi là nghi lễ đặc sắc nhất của hội Láng. Ngày mùng 7 chính hội, hậu cung được mở để người dân dâng hương lên đức Thánh. Sau đó là lễ tế với nghi thức đọc chúc văn nêu công của đức Thánh đối với dân làng và cầu mong ngài phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân khang, vật thịnh. Tối mùng 7, các pháp sư thực hiện nghi thức Dẫn lục cúng.

Hội Láng có nhiều trò vui, đặc biệt là tục thổi cơm thi. Người chơi được chuẩn bị một nồi đất và một bếp củi nhỏ. Họ phải vừa đi vừa múa quanh nhà Bát giác, vừa nấu cơm chín đúng thời gian quy định. Những người tham gia đều cố gắng nấu cơm ngon nhất dâng lên đức Thánh. Những nồi cơm đạt giải cao được chia đều cho người dự hội để lấy may mắn.

Với những giá trị tiêu biểu, năm 2019, Lễ hội chùa Láng đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rộn ràng hội chùa Láng