Đê làng, đê phố

Phạm Kim Thanh| 17/03/2023 06:27

(HNMCT) - “Nhớ những con đê thành lối xe, bước chân năm tháng đi về...”. Con đê đã và vẫn luôn gắn bó thân thiết với nhiều thế hệ, cùng biết bao kỷ niệm ẩn lặng lẽ dưới cỏ chân đê, để có một ngày, như mầm xanh bật lên những nhớ thương da diết...

Một đoạn đê sông Hồng chạy qua địa bàn phường Ngọc Thụy. Ảnh: Mỹ An

Kỷ niệm tuổi thơ tôi gắn với đê sông Hồng chạy qua những làng từ Dạ Trạch - Mễ Sở lên Phú Thị - Phụng Công đẹp như dải lụa. Xóm làng trù phú dưới chân đê, vào mùa lễ hội thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân ngày 9, 10 tháng Hai hằng năm lại rực rỡ cờ hội ở ven đê chào đón khách thập phương. Ngoài đê là những cánh bãi ngút tầm mắt, xanh đậm, xanh non, xanh tươi, xanh lá mạ... khiến tôi thường theo anh chị lên đê chơi, để thỏa thuê ngắm thiên nhiên.

Vậy mà có một ngày, từ nơi sơ tán, mẹ cho đi bộ lên đê Chèm, chợ Chèm. Tôi vô cùng ngạc nhiên bởi dưới chân con đê sừng sững là củi và củi. Từ bờ sông vào đến chợ, đủ các loại củi gộc, củi cành... Đứng dưới chợ nhìn lên, chân đê như bức tường thành, nhưng ấn tượng nhất là hai cột điện cao vút hai bên bờ sông. Mãi đến khi học cấp ba, tôi hay nghe các bạn trêu nhau: "Đứng đắn như cột điện Chèm". 

Từ Chèm, con đê uốn theo dòng chảy, bao quanh phía đông của kinh thành xưa, từ thời nhà Lý (năm 1108) đã có tên là đê Cơ Xá. Thời chúng tôi, khi đi sơ tán đã thấy mặt đê trải nhựa, suốt từ Chèm xuôi xuống Mễ Sở nối với Vân La, ra đường quốc lộ 1. Con đê bao quanh phía đông thành phố trở thành tuyến giao thông quan trọng để xe quân sự, xe tải sang sông, qua phà Chèm, vào quốc lộ 32 và quốc lộ 6; qua phà Khuyến Lương vào quốc lộ 1 ở phía nam. Dưới chân đê là những làng lúa, làng hoa cổ Nhật Tân, Quảng Bá, Quảng An, Nghi Tàm. 

Thời hòa bình, phố đê Yên Phụ rực rỡ hoa tươi khi Tết đến xuân về. Chúng tôi tha hồ ngắm hoa từ Nhật Tân, Nghi Tàm tụ hội đầu ô Yên Phụ. Hôm nào hứng khởi thì đạp xe tuốt lên Quảng Bá, Phú Thượng ngắm những ruộng hoa ven chân đê. Đủ cả đào, violet, thược dược, cosmos, magic... làm nên bức tranh ngày giáp Tết nên thơ tuyệt đẹp mà chợ hoa Hàng Lược thiếu nét thiên nhiên tươi mát đó. Đi trên đê ngắm mới thấy ruộng hoa trong đê, ruộng lúa ngoài đê quả là thắng cảnh trời ban. Tiếc rằng đến nay hình ảnh này không còn giữ được.

Nhiều tập thể của công nhân viên chức và trường học đã mọc lên ở ngoài đê từ những năm 1960 - 1970, và có cả nhà máy gạch ở An Dương, nhà máy gỗ ở phố Bạch Đằng. Vậy mà phố ngoài đê, đối với dân trong đê vẫn còn bao điều lạ. Mãi đến năm 1987 tôi đi theo bạn ra thăm ông cậu của bạn ở ngoài đê mới biết có khu tập thể quân đội rất rộng và khang trang ở gần cầu Long Biên. Ngay cả đê Nguyễn Khoái, mỗi đoạn đê có nét riêng khác nhau. Quãng đê Lương Yên - Vĩnh Tuy xuôi Lĩnh Nam chỉ cách khu tập thể 8/3 chúng tôi hơn 1km. Nếu không có những lần đến chơi nhà bạn cùng lớp, tôi không thể hình dung được ngoài đê có cảng sông Hồng và khu tập thể công nhân viên cùng phố Lãng Yên đều nằm trên đất làng Lãng Yên xưa, ở cuối đường Bạch Đằng. 

Đến cuối thế kỷ XX, trên khu đất Đầm Trấu lầy lội đã mọc lên nhà cửa được xây dựng khang trang theo quy hoạch của thành phố. Vật đổi sao dời, bây giờ ngày ngày chen chân trong dòng xe cộ ùn tắc từ chân cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Lãng Yên - Nguyễn Khoái, mấy ai còn nhớ con đê cao ngất đã chia cắt làng Lãng Yên. Chùa Hộ Quốc - một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở đông nam thành Thăng Long cũng thuộc đất làng Lãng Yên - lại nép ở trong đê (nay là số 130 đường Nguyễn Khoái). Chùa còn giữ nhiều hiện vật cổ với hơn 30 pho tượng, 3 bia đá, 3 chuông đồng và đã được xếp hạng từ năm 1990. 

Từ Vĩnh Tuy xuôi xuống 2km có nhà máy sứ Thanh Trì ở trong chân đê Vĩnh Tuy, xưa kia chuyên cung cấp sứ cách điện cho hệ thống điện - đèn thành phố, nhưng cạnh nhà máy còn nhiều ao hồ nối tiếp nhau, trông nhà máy nổi lên như bán đảo và ruộng rau xanh chạy xa tít tắp xuống Nam Dư. Con đê như một vòng cung ôm lấy xóm làng bình yên, Lĩnh Nam - Trần Phú ở trong đê; Thúy Lĩnh - Khuyến Lương ở ngoài đê chuyên cung cấp rau xanh và cá cho nội thành suốt thời bao cấp. Còn nhớ như in kỷ niệm thời bao cấp thiếu đói, năm 1987, tôi cầm giấy giới thiệu của công đoàn cơ quan, đạp xe xuống Hợp tác xã Yên Sở, ra tận hồ cá giáp đê mới mang được cá rô phi thau tháu về cho mọi người. Giờ thì xe buýt chạy trên đê, vào nội đô; chung cư mọc lên sừng sững dưới chân đê, ruộng hoa, ruộng rau, ao cá... đã biến đổi sau những bể dâu, được - mất. 

Dẫu gắn với nhiều ký ức buồn vui của Hà Nội nhưng con đê vẫn là lối đi về quê nhà thân thương của bao người và của chính tôi. Mỗi mùa hoa cỏ may phơ phất triền đê, thì thầm trong tôi câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Cát vắng sông đầy, cây ngẩn ngơ/ Không gian xao xuyến chuyển sang mùa/ Tên mình ai gọi sau vòm lá...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đê làng, đê phố