Bến Nứa một thời

Việt Cường| 05/03/2023 18:31

(HNMCT) - Thời Pháp thuộc, đoạn đê sông Hồng từ Hàng Đậu đến đầu dốc Cổ Ngư (dốc Thanh Niên ngày nay) gọi là “Đường đê Yên Phụ” (Digue Yen Phu). Trên con đường đê đó, đoạn đầu từ Hàng Đậu đến dốc Hàng Than lại có tên là phố “Bờ sông Bến Nứa”, thuộc đất của các thôn Phúc Lâm, Hòe Nhai, Thạch Khối xưa. Chỗ này hình thành chợ Nứa, hay còn gọi là bến Nứa, nằm ở bên ngoài chợ đầu mối Long Biên ngày nay.

Quang cảnh bến Nứa hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu

Sở dĩ có tên phố như vậy là do đầu thế kỷ XX, dòng sông Hồng chảy sát vào chân đê, ở vào vị trí mà xa xưa là bến Đông Bộ Đầu, nơi những bè gỗ, tre, nứa, lá tập kết để bốc lên bờ. Bên bờ đê chỉ có lèo tèo vài nhà lợp tranh, lá, những túp lều canh và những giá gác nứa. Tre, nứa xếp từng đống cùng với những đoạn nứa ngắn được chặt để bán theo từng bó. Dọc chân đê xe bò, xe ba gác chở nứa đỗ nghênh ngang. 

Khi người Pháp chưa xây dựng cầu Paul Doumer bắc qua sông Hồng, mà dân ta gọi là cầu Sông Cái (nay là cầu Long Biên) thì ở chỗ cột đồng hồ là một bến xe ô tô. Những ô tô này cùng với hành khách sẽ qua sông bằng phà gắn máy ở bến tàu thủy.

Năm 1902 khánh thành cầu Sông Cái, ở giữa dành cho tàu hỏa qua sông đi Hải Phòng, hai bên dành cho xe ô tô con. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ I, khoảng năm 1924, cầu được mở rộng thêm hai bên để xe ô tô lưu thông thuận lợi hơn. Bến ô tô Cột đồng hồ giải tán vì không có ô tô qua phà nữa. Các xe ô tô chở khách kéo nhau về đón khách ở chợ Nứa, vì thuận tiện lối đi lên cầu hơn. Bến xe ô tô mang tên Nứa hình thành từ đây.

Thời kỳ đầu, bến Nứa còn nhỏ và sơ sài, chỉ có độ mươi xe của các hãng tư nhân chở khách đi tuyến Hưng Yên và Sơn Tây. Quanh bến xe không có nhà cửa, chỉ có một cái chòi bán vé dựng bằng gỗ, nhà đợi xe dành cho khách cũng không có. Vài hàng nước, quà bánh bày hàng trên chõng tre quây bằng phên, liếp. Khách đợi xe qua đêm phải vào nhà trọ trong các ngõ đằng sau phố Hàng Đậu.

Nhu cầu đi lại giữa Hà Nội và các tỉnh ngày càng tăng, số đầu xe ô tô ở bến Nứa tăng nhanh. Nơi đây cũng không còn bán tre nứa nữa. Các hãng dầu lửa, ét-xăng của nước ngoài như Shell, Texaco, Socony đặt đại lý bán ở đây. Họ dựng các cột bơm xăng và cạnh tranh nhau về giá. Chòi gỗ bán vé được xây dựng tươm tất, có chỗ cho khách ngồi chờ xe trong mái hiên. Bên kia đường đê Yên Phụ, nhiều cửa hàng mọc lên xung quanh chùa Phúc Lâm như các hàng cơm, hàng quà bánh, hiệu cắt tóc, hiệu may, cửa hàng bán khăn, mũ, nhà trọ... Các hoạt động kinh doanh phục vụ cho bến xe cũng phát triển theo. Nhiều cửa hàng sửa chữa máy, bán phụ tùng, xăm lốp ô tô, may mui bạt, bọc đệm xe mở ở phố Hàng Đậu và Trần Nhật Duật.

Lúc này, ở bến Nứa có nhiều hãng xe ô tô tư nhân của người Việt và cả người Tây cùng hoạt động, cạnh tranh, như hãng Tư Đường ở Trần Nhật Duật, hãng Mỹ Lâm ở Phan Đình Phùng, hãng Larrivée ở Phùng Hưng, hãng Chí Thành ở Hồng Phúc...

Bến Nứa nhộn nhịp từ sáng đến chiều. Người làm công cho các chủ xe hầu hết là các tay anh chị có thành tích bất hảo, săn đón, tranh cướp khách đi xe. Thấy có người vừa xuống xe kéo tay, có hành lý đi vào bến, trông có vẻ “ngù ngờ nhà quê” là họ lao vào giữ ô, nón, tay nải, giành hành lý bỏ lên xe của họ. Những cuộc tranh cãi, đôi khi ẩu đả diễn ra như cơm bữa. Sự cạnh tranh này còn gây ảnh hưởng lớn đến lượng khách đi tàu hỏa của ngành Hỏa xa. Những năm 1930, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng phải tăng thêm chuyến chạy ban ngày. Ngoài các ga chính còn dừng ở các ga phụ, nơi có chợ búa ven đường quốc lộ. 

Sau ngày Thủ đô được giải phóng (tháng 10-1954), bến Nứa thuộc sự quản lý của Nhà nước, được đổi tên thành bến Long Biên, nhưng người dân vẫn gọi là bến Nứa. Trước nhu cầu sử dụng xe khách ngày càng tăng, Nhà nước cho xây một nhà lớn vừa là nhà chờ, vừa là chỗ bán vé. Cửa bán vé là một ô vuông nhỏ, còn chỗ xếp hàng mua vé có hàng rào sắt để không ai có thể chen ngang. Năm 1965, Mỹ ném bom miền Bắc, dân Hà Nội sơ tán về các vùng quê. Bến Nứa cũng như bến Kim Liên, Kim Mã ngày thứ bảy, ngày lễ luôn đông đúc vì cha mẹ đi thăm con cái. Đến nay, khi nhớ lại cảnh thức đêm, vạ vật ở bến ô tô và chen chúc xếp hàng mua vé, nhiều người vẫn rùng mình.

Năm 1987, Hà Nội quyết định chuyển bến Long Biên sang Gia Lâm, cũng như chuyển bến Kim Liên xuống Giáp Bát, bến Kim Mã lên Mỹ Đình. Bến Nứa - bến xe khách xưa, trở thành bến xe buýt Long Biên như bây giờ.

Ngày nay, cái tên “bến Nứa” đang dần mai một và đi vào quên lãng, chỉ còn in dấu trong kỷ niệm đối với lớp người Hà Nội cao tuổi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Nứa một thời