Đình Thạc Quả

Quỳnh Ngọc| 19/02/2023 06:15

(HNMCT) - Thạc Quả là vùng đất cổ nằm giữa hai con sông Cổ Giang và Hoàng Giang, xưa thuộc xã Thạc Quả (tổng Dục Tú, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc). Ngày nay, thôn Thạc Quả thuộc xã Dục Tú (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Đình Thạc Quả là nơi thờ Thành hoàng làng Triệu Vũ Vương - người đã không ngại đọ sức với nhà Hán để mở rộng lãnh thổ, cùng thần Linh Quang, Cự Lương, Cự Tương - các vị thiên thần âm phù cho các triều vua đánh giặc giữ yên bờ cõi. Hằng năm, lễ hội đình Thạc Quả được người dân tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng với các thủ trống, thủ chiêng, đội tế, đội dâng hương thực hiện phần nghi thức tế Thành hoàng làng theo phong tục truyền thống. Phần hội gồm các trò chơi dân gian, đấu vật truyền thống, hát quan họ dưới thuyền trên ao đình, biểu diễn nghệ thuật chèo.

Dù trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đến nay, đình Thạc Quả vẫn giữ được nét kiến trúc thời Lê - Nguyễn với những công trình bề thế cùng các mảng chạm tinh xảo với những đề tài như tứ linh, tứ quý, rồng chầu; tiên cưỡi rồng, vũ nữ nhảy múa, phụng hàm thư, cúc lão hóa long... Các mảng chạm mang đậm phong cách dân gian truyền thống này có ý nghĩa lớn trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 

Ngoài là một di tích lịch sử - văn hóa, đình Thạc Quả còn là một di tích cách mạng kháng chiến. Trước Cách mạng Tháng Tám, đình là nơi các đồng chí Đỗ Văn Sâm và Nguyễn Văn Vinh tuyên truyền các chính sách của Mặt trận Việt Minh. Đình Thạc Quả cũng là nơi ra mắt chính quyền mới (tháng 8-1945) và là nơi tuyên truyền giác ngộ cách mạng, nơi đội du kích của thôn, xã hoạt động. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất (1964 - 1968) của đế quốc Mỹ, ngôi đình là nơi sơ tán của các cơ quan trong nội thành và đơn vị quân đội.

Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, đình Thạc Quả đã được xếp hạng Di tích tích cấp quốc gia vào năm 2011.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Thạc Quả