Làng Năm Tràng xưa

Khánh Vi| 17/02/2023 16:23

(HNMCT) - Làng Năm Tràng xưa nằm trên bán đảo ở phía đông hồ Trúc Bạch, được nhiều người biết với cái tên quen thuộc: Ngũ Xã. Trong danh mục địa lý hành chính thời Nguyễn, làng được ghi tên là thôn Lạc Chính, gồm 2 xứ: Lạc Phúc và Năm Tràng. Ngày nay, bán đảo Ngũ Xã thuộc phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội).

Du khách dạo chơi tại Khu ẩm thực đêm kết hợp với đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã. Ảnh: Quang Thái

Cái tên Năm Tràng, hay Ngũ Xã được đặt cho làng vào khoảng thế kỷ XIX, khi một nhóm thợ tới đây sinh cơ lập nghiệp với nghề chính là đúc đồng. Những người thợ này đều có gốc gác từ 5 làng thuộc các huyện Siêu Loại, Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) và Văn Lâm (Hưng Yên). Họ lập ra 5 phường đúc trong bán đảo Ngũ Xã, từ đó hình thành tên làng Năm Tràng, hay Ngũ Xã, nổi tiếng nhờ nghề đúc đồng. Trải qua nhiều thế kỷ, cái tên làng đúc đồng Ngũ Xã đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, được ca ngợi là một trong những nghề tinh hoa của đất Thăng Long với câu vè xưa: "Lĩnh hoa Yên Thái/ Đồ gốm Bát Tràng/ Thợ vàng Định Công/ Đúc đồng Ngũ Xã".

Những năm cuối thế kỷ XIX, làng Năm Tràng nằm gọn trong bán đảo rộng 3 hecta. Người từ bên ngoài muốn vào làng phải đi qua cầu tre sang phía bờ bắc để đến nghè Yên Phụ (nay là khu vực Trường THCS Mạc Đĩnh Chi nằm trên phố Phó Đức Chính). Không giống những ngôi làng thuần Việt thường có lũy tre bao bọc, làng Năm Tràng được bao bọc bởi hồ nước và các cây cổ thụ như gạo, đa. Đình và chùa làng có quy mô nhỏ, xây bằng gạch và lợp lá, nằm kề nhau dưới gốc đa cổ thụ. Phần diện tích còn lại trên bán đảo chủ yếu là nhà cửa, vườn rau, gò đống tha ma. 

Khi ấy, làng Năm Tràng có khoảng 80 hộ dân đều làm nghề đúc đồng. Làng được chia làm 3 giáp: Giáp Thượng, giáp Hạ, giáp Nam và có nhiều xóm: Xóm Trên, xóm Dưới, xóm Miếu, xóm Gốc Gạo... Mỗi xóm đều có xưởng đúc nhỏ. Cả làng có khoảng 20 xưởng đúc, chủ yếu do các gia đình khá giả xây và thuê nhân công là người trong làng. Người dân nơi đây không có nghề gì khác ngoài nghề đúc đồng, phụ nữ còn có thêm nghề đi rong mua đồng nát, chủ yếu là thu mua đồng để làm nguyên liệu sản xuất.

Nghề đúc đồng ở làng Năm Tràng được giữ gìn theo hình thức “cha truyền con nối”. Bố mẹ, con cái, anh em trong nhà cùng làm. Ngoài ra còn có một số người trong làng đến học việc. Mỗi lò chỉ có khoảng 5 - 7 người làm. Xưởng đúc chỉ cần một gian nhà rộng với chiếc lò nấu đồng gồm 2 tầng. Tầng trên để nướng khuôn, tầng dưới để nấu đồng. Nguyên liệu sử dụng gồm than sống (than đầu mẩu) do các lái thuyền đưa từ miền ngược về bán cùng đồng vụn mua ở phố Hàng Đồng và do phụ nữ đi thu mua đồng nát về. Sản phẩm của làng thường có kích thước nhỏ như lư hương, hạc, đỉnh, cây nến, ống nhổ, chậu thau... Ngoài ra, các phường đúc trong làng cũng nhận làm tượng, chuông đồng cho các đình, chùa, việc này do thợ lành nghề đảm nhận. Sản phẩm của làng Năm Tràng khi ấy rất nổi tiếng, được nhiều gia đình khá giả ở Hà Nội ưa chuộng bởi sự tinh tế trong từng chi tiết, thanh thoát trong kiểu dáng và phản ánh tay nghề khéo léo cùng óc thẩm mỹ của những người thợ vốn có gốc gác từ những làng nghề đúc đồng nổi tiếng ở Bắc Ninh, Hưng Yên. Nhờ thế, nhiều gia đình ở làng Năm Tràng trở nên giàu có. 

Đến khoảng năm 1917, chính quyền thành phố bắt người dân dỡ nhà lá để xây nhà gạch lợp ngói. Đường phố cũng được tôn cao, mở rộng. Nhà cửa mọc lên sầm uất. Hồ ao được san lấp dần và hình thành nên con đường dẫn vào bán đảo Ngũ Xã nối liền với phần phố cổ. Ngày nay, dấu vết của ngôi làng cổ Năm Tràng vẫn thấp thoáng ẩn hiện sau mái đình, chùa dưới gốc đa cổ thụ, những con đường ngoằn ngoèo chạy quanh làng xưa. Nghề đúc đồng đã mai một, chỉ còn 2 gia đình giữ nghề và chuyển xưởng sản xuất ra khu vực ngoài đê sông Hồng. Tuy nhiên, danh tiếng của nghề đúc đồng Ngũ Xã gắn với ngôi làng cổ bên bờ hồ Trúc Bạch vẫn được nhiều người nhắc đến như một phần không thể thiếu của Thăng Long - Hà Nội. 

Diện mạo của làng Năm Tràng ngày nay là những ngôi nhà cao tầng, biệt thự đẹp như mơ trông ra hồ Trúc Bạch mà những người có mức thu nhập bình thường không bao giờ dám nghĩ tới. Cũng là quy luật của cuộc sống, khi một số người trong làng vì nhiều lý do, đã bán đất đi ở nơi khác. Những người có điều kiện lại chuyển về đây để sở hữu những mảnh đất có giá trị cao. Thế nhưng, cái phần “hồn” của làng xưa vẫn lẩn khuất trong những con ngõ nhỏ, mái đình, cây đa và con đường cong cong chạy theo mặt hồ - dấu tích của ngôi làng cổ. 

Dù làng đã lên phố từ lâu nhưng mùa xuân năm nào, con cháu đi làm ăn xa vẫn trở về dự hội làng (từ ngày 15 đến 17 tháng Giêng) xem gà chọi, đấu cờ... Đặc biệt, cuối năm 2022, Khu phố ẩm thực đêm kết hợp với đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã đi vào hoạt động đã mang đến cho làng Năm Tràng xưa, Ngũ Xã nay một sức sống mới. Lần đầu tiên người dân và chính quyền đã tổ chức hội thi ẩm thực với những mâm cỗ từ truyền thống tới hiện đại với những món ăn ngon, trình bày đẹp mắt được những người con của làng và những người mới nhập cư kính cẩn dâng lên Thánh. Không chỉ là những mâm cỗ truyền thống của người Việt, các nhà hàng và người dân nơi đây còn mang tới cuộc thi những món ăn mang thương hiệu Ngũ Xã như phở cuốn, phở chiên phồng được du khách trong và ngoài nước biết tới. Nhờ sự phát triển của phở cuốn trong nhiều thập niên, làng Năm Tràng nay đã có hẳn một khu phố ẩm thực đêm kết hợp với đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã để người dân Hà Nội và du khách có thêm nơi vui chơi giải trí, thưởng thức ẩm thực, từ đó khuyến khích du lịch và kinh tế đêm phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Năm Tràng xưa