Tết xưa - Tết nay

Đỗ Phấn| 19/01/2023 13:07

(HNMCT) - “Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình” là câu Kiều thi hào Nguyễn Du dùng để tả nỗi lòng chàng Kim Trọng tương tư nàng Kiều. “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi” tương truyền là câu thơ của vua Tự Đức khóc Bằng Phi. Như thế đủ thấy ký ức con người ta được hình thành phụ thuộc rất lớn vào mùi hương. Có thể nói mùi hương dẫn đường cho ký ức tìm về.

Tết quê nhà. Ảnh: Nina May

Hương vị của ngày Tết xưa Hà Nội hẳn cũng là thứ hằn sâu trong ký ức thị dân nơi này đã nhiều thế kỷ. Các cụ ông cụ bà tầm 70 tuổi hẳn còn nhớ rất rõ dù chỉ trong tưởng tượng.

Người Hà Nội xưa chuẩn bị cho cái Tết của mình thực ra ngay từ quãng giữa năm. Khi mùa thu hoạch đậu xanh vừa đến, nhà nhà ở phố tìm mua cho bằng được loại đậu xanh già nắng nhất. Mang về còn phải chọn bỏ hạt lép hạt hỏng và phơi lại vài ba nắng nữa mới mang cất vào vò sành. Những hạt đậu xanh bóng bẩy khô giòn ngai ngái mùi đất ấy chính là chuẩn bị nhân cho chiếc bánh chưng thơm thảo ngày Tết. Bóng bì lợn, măng khô, mộc nhĩ nấm hương cũng rả rích mang về nhà tích trữ từ cữ tháng Chín, tháng Mười. Các bà các chị trong nhà để mắt đến chúng hằng ngày. Phơi phóng nhặt nhạnh chọn lọc giữ lại những thứ tốt nhất. Những thứ kém chất lượng hơn mới đem ra dùng.

Khi những tàu lá dong xanh mướt bó chặt được chuyển từ mạn ngược về cũng là lúc rậm rịch cho cái Tết sắp đến. Mùi măng khô ngâm nước phảng phất khắp trong nhà, ngoài ngõ. Người ta thường phải ngâm măng hàng tuần lễ. Hằng ngày phải thay nước mới. Ngoài 25 tháng Chạp, mùi gạo nếp, đậu xanh ngâm đãi đã ấm sực phố phường. Những năm bao cấp gian khổ, bìa mua hàng Tết của hộ gia đình Hà Nội thường chỉ được mua một lượng hàng tối thiểu nhưng hầu như vẫn đủ hương vị cổ truyền. Một nắm nhỏ nấm hương, mộc nhĩ. Một chét tay miến dong sợi đen sì. Một mảnh bóng bì lợn chỉ nhỉnh hơn bàn tay người lớn. Một gói hạt tiêu xay sẵn gói giấy chỉ độ một thìa quấy bột. Gói mỳ chính cũng có kích thước tương tự. Rất nhiều khi lẫn cả vào măng miến tìm mãi mới thấy. Túi hàng Tết tuy rất eo hẹp như thế nhưng khi mở nó ra là cả một niềm hạnh phúc lớn của gia đình. Hình ảnh ấy và nhất là những mùi hương từ trong túi tỏa ra cả năm chỉ có thể bắt gặp một lần.

Ngoài túi hàng thực phẩm bao giờ cũng phải có thêm túi hàng công nghệ phẩm. Trong ấy là mấy gói chè Thanh Hương hoặc Hồng Đào. Một hộp mứt Tết bìa mềm giấy đen sì dán một mảnh giấy trắng trên mặt hộp in hình hoa đào và dòng chữ khắc gỗ “Mứt Tết”. Nhiều năm nhãn hiệu ấy chỉ được in một màu duy nhất là màu hoa đào. Một chai rượu của Nhà máy rượu Hà Nội sản xuất. Có năm là rượu trắng, có năm thì rượu mùi. Trong một túi khác nhỏ hơn là vài bao thuốc lá Điện Biên hoặc Tam Đảo. Và, dĩ nhiên phải có một bánh pháo hồng do nhà nước đặt làm thủ công đâu đó ở làng Bình Đà. Pháo này có một đặc điểm là... rất kém tin cậy. Hầu như nhà nào cũng phải mua thêm một bánh pháo dự trữ.

Áp Tết, phố phường đỏ lửa sực nức mùi bánh chưng. Nhiều gia đình kê cả bếp ra vỉa hè luộc bánh vì căn bếp chung những ngày này thường quá chật chội. Bên bếp củi hồng rực ấy bao giờ cũng có vài nồi nước lá mùi già. Người lớn, trẻ con và các cụ già dùng để tắm bữa tất niên.

Tùy theo phong tục mỗi nhà nhưng bữa cơm cúng chiều 30 Tết thì hầu như gia đình nào cũng tổ chức rất thịnh soạn. Những năm chiến tranh đói khổ như thế nhưng mâm cơm cúng giao thừa vẫn phải có một con gà ngậm hoa trên đĩa xôi tự đồ, vài khoanh giò, bát thịt đông, bát măng, bát miến. Mùi thức ăn hòa quyện với mùi khói hương nghi ngút trên ban thờ ít nhiều mang lại cảm giác no đủ.

Trai gái tụ tập quanh hồ Hoàn Kiếm ngay từ lúc sẩm tối 30 Tết. Loáng thoáng mùi nước hoa Liên Xô lẫn với mùi khói pháo la đà trên mặt nước hồ trĩu nặng hơi sương. Những năm bao cấp, dù rất khó khăn thiếu thốn nhưng bên Bờ Hồ đêm 30 Tết vẫn thấy rạng rỡ những nụ cười trong những bộ trang phục ngay ngắn sẫm màu.

Hương vị Tết của người Hà Nội không thể thiếu hoa. Những năm chiến tranh ác liệt nhất, chợ hoa Cống Chéo, Hàng Lược vẫn đều đặn họp từ 25 tháng Chạp. Nhiều người lên chợ hoa dịp Tết không chỉ một lần. Và đôi khi cũng chẳng phải vì nhu cầu mua hoa. Lối chơi hoa của người Hà Nội cũng nhỏ nhẹ khiêm nhường khác biệt. Ngày thường chỉ cắm vài bông ở những nơi cố định trong nhà. Ngày Tết mới có một lọ hoa to trong phòng khách. Lọ hoa này lũ thanh, thiếu niên rất thích nhưng các cụ già tỏ vẻ thờ ơ. Người già sẽ chơi vài loại hoa có mùi hương thanh tao phảng phất. Những cành Mặc lan, Thanh lan, Bạch ngọc cắm trong những lọ sứ tinh xảo. Một cành đào nhỏ có thế tự nhiên không uốn nắn cầu kỳ. Một chậu cúc thiên đóa ngát hương vàng rực trong góc phòng như những chùm đèn lộng lẫy...

Bước vào thời kỳ Đổi mới, lối sống mới cũng làm cho cái Tết cổ truyền của dân phố không còn quá quan trọng như xưa nữa. Không còn nhiều người Hà Nội tự gói cho gia đình mình vài cái bánh chưng. Và như thế, cảnh thức đêm canh nồi bánh ngào ngạt hương thơm củi lửa cũng trở nên hiếm dần. Mùi thuốc pháo đêm giao thừa, từ năm 1995 đến bây giờ, chỉ còn đọng lại trong ký ức của một lớp thị dân. Nhiều gia đình giờ không còn giữ thói quen tắm nước lá mùi chiều 30 Tết nữa...

Nhiều người già Hà Nội vẫn cố công gìn giữ nếp sinh hoạt xa xưa. Nhất là những anh con trưởng. Vài anh vẫn khư khư thói quen làm mâm cỗ cúng giao thừa. Kết quả là hầu như chỉ có anh và chị nhà cặm cụi nấu nướng và thưởng thức. Đám trẻ nghỉ Tết dài ngày nhiều đứa ra nước ngoài. Vài đứa vào Sài Gòn ăn Tết gửi ảnh ra cho phụ huynh. Thấy trong ảnh toàn quần soóc, áo ba lỗ ngồi túm tụm trong nhà hàng máy lạnh mút mát mấy cái càng cua. Sau đó ra quán chè Thái làm một chầu nữa là hết Tết...

Nhưng biết đâu đấy lại chẳng phải là những ký ức mới về Tết đang hình thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết xưa - Tết nay