Chùa Nành

Quỳnh Ngọc| 08/01/2023 06:30

(HNMCT) - Chùa Nành (hay chùa Cả, chùa Pháp Vân) xưa nằm trên địa bàn thôn Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc; nay thuộc làng Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lý và là một trong bốn ngôi chùa lớn nhất cả nước, cùng với chùa Dâu, chùa Keo và chùa Đậu. Đây cũng là một trong bốn ngôi chùa gắn với hệ thống thờ “tứ pháp” là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện - các vị thần đại diện các yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp (mây, mưa, sấm, chớp). Ngoài ra, chùa còn được người dân quen gọi là chùa Cả vì là chùa lớn nhất trong ba ngôi chùa của làng Nành, cùng với chùa Khánh Ninh dựng năm 1664, chùa Đại Bi dựng năm 1673.

Chùa Nành nằm trên thế đất “rồng cuốn hổ chầu”, có quy mô lớn, gồm các hạng mục: Thủy đình, tam quan, tiền đường, tam bảo, tả vu, hữu vu, nhà Tổ, điện Mẫu... Chùa gồm 100 gian. Đối diện chùa là tòa thủy đình được xây dựng vào thế kỷ XVIII trên một ao nhỏ, gồm 2 tầng 8 mái, là nơi biểu diễn rối nước trong dịp lễ hội hằng năm. Cổng chùa được xây bề thế, gồm 2 tầng, kiểu vòm cuốn bằng chất liệu đá xanh. Qua cửa là tòa tiền đường 7 gian 2 dĩ, tòa thiêu hương 6 gian và thượng điện 3 gian. Nổi bật trong tổng thể là tòa tiền đường có kiến trúc hiếm thấy, với hai bên hồi là lầu chuông và gác khánh được xây kiểu chồng diêm đăng đối. Hai góc mái nhô cao, mỗi góc gồm 4 mái với đầu đao cong vút. Giữa 2 góc là đôi rồng chầu mặt nguyệt lớn. Bộ vì được làm theo kiểu “thượng cốn, hạ kẻ”. Nền thượng điện cao hơn 1m so với các kiến trúc xung quanh.

Chùa Nành sở hữu hệ thống tượng vô cùng độc đáo, gồm 116 pho tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Hậu mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVII - XIX. Tại hành lang chùa có hệ thống tượng Thập bát La Hán, đặc sắc nhất là tượng một vị Tổ được tạc trên hòn đá tự nhiên. Ngoài ra, trong chùa còn có bia đá, chuông đồng, khánh đồng, thần phả, sắc phong qua các triều đại. Đặc biệt là quả chuông “Pháp Vân tự hồng chung” niên hiệu Thịnh Đức 1 (1653) mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Mạc (thế kỷ XVII). Đây là quả chuông cổ quý hiếm còn lại ở nước ta.

Hội Đại (diễn ra từ mồng 4 - 6 tháng Hai) là lễ hội thường niên gắn liền với tục thờ Pháp Vân và nghi thức nâng phan chỉ có ở làng Nành. Trong phần lễ, người ta sẽ tiến hành nâng cây phan - tượng trưng cho bó lúa, lên khỏi miệng hố với niềm mong cầu về cuộc sống no đủ, thời tiết thuận hòa...

Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Nành là cơ sở cách mạng quan trọng. Năm 1989, chùa Nành được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Nành