Trạm xá một thuở

Phạm Kim Thanh| 10/12/2022 14:21

(HNMCT) - Lần nào về quê tôi cũng sang thăm dì tôi - người đã gắn bó với trạm xá xã, mát tay đỡ cho bao người được “mẹ tròn con vuông”, kể cả các ông anh bà chị con các bác nhà tôi, đều một tay bà đón.

Chăm sóc bệnh nhân tại một trạm xá trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Những tháng năm sơ tán ở quê ngoại, mỗi khi ra đầu xóm chơi rải ranh, thường thấy bà dì tất tả từ trạm xá về, hoặc ông Yến phụ trách trạm xá khoác cái túi cứu thương to đùng bên sườn đạp xe ra trạm, mà hiếm khi thấy ông đạp thư thả. Đang lúc chiến tranh, “mỗi người làm việc bằng hai”, nên nhân viên trạm xá phải làm rất nhiều việc.

Hồi ấy chúng tôi thường mon men ra trạm xá, ngấp nghé trước cái sân đất, đó là thế giới của thuốc, kim tiêm, giường bệnh... đầy bí ẩn và khác xa với nếp nhà lợp lá mía của bác tôi. Vườn thuốc nam ở sau dãy nhà ngang trồng đủ loại ngải cứu, tía tô, kinh giới, sả, gừng, lá lốt... Cả dãy nhà ngang có hai buồng bệnh, giường chiếu cũ, bươm cả cói ở đầu chiếu, nhưng được vệ sinh sạch sẽ. Dãy nhà dọc có phòng làm việc của ông Yến, trong đó ông treo tủ thuốc, túi cứu thương cùng chiếc bàn cá nhân con con. Phòng khám bệnh cạnh phòng ông làm việc chỉ có vài dụng cụ y tế sơ sài như tai nghe, bàn cân, dụng cụ đo huyết áp bằng tay...

Chúng tôi sợ nhất mà cũng tò mò nhất là xem bà dì tôi đỡ đẻ. Cứ nhìn thấy thuốc đỏ là bịt mắt vào. Ông Yến quát cả lũ chạy té đi, rồi lại lò dò vào, nín thở chờ tiếng khóc “oa oa” sau tấm màn vải trắng. Tôi tròn xoe mắt nhìn dì xoay trở rồi tắm cho trẻ sơ sinh trong cái thau đồng to một cách khéo léo. Cứ thế, trạm xá đơn sơ là nơi đón bao đứa trẻ chào đời.

Tôi nhớ mãi những ngày máy bay B52 Mỹ dội bom. Một buổi đi học về, vừa cất mũ rơm đã nghe ông tôi giục:

- Mang ngay phích nước ra cho bác Cả cháu đang "vỡ đê" ngoài trạm xá ấy.

- Thế ạ! Chiều qua cháu vẫn thấy bác ấy đi làm đồng mà?

- Thôi, nhanh nhanh cái chân lên.

Tôi phóng chân đất ra trạm xá đã thấy bác tôi bình an nằm trên giường bên con trai, chiếc khăn mỏ quạ quàng qua tai cho đỡ lạnh. Giờ anh cu tí ấy cũng đã vào tuổi "tri thiên mệnh". Anh cười vang nhà nghe tôi kể chuyện xưa.

Quả là trạm xá ngày ấy thật "đa di năng": Từ tiêm chủng phòng bệnh uốn ván, thủy đậu, phát thuốc diệt bọ gậy, muỗi... cho đến sơ cứu cho dân làng. Không mấy khi dân lên huyện chữa bệnh vì xe đạp hồi đó hiếm lắm. Tất tật các loại bệnh, cứ ra trạm xá ông Yến khám đã, trẻ bị còi xương cũng cũng ra trạm xá lĩnh cốm Can-xi. Suy nhược cơ thể đã có thuốc Phi-la-tốp. Thuốc kháng sinh phổ biến nhất thời đó là Pê-ni-xi-lin và Tê-ta-xi-lin, trạm xá cũng cấp cho dân. Các bệnh khác có thuốc Clo-rô-xit, Béc-be-rin, viên nghệ mật ong...

Hết chiến tranh phá hoại, tôi về thành phố học tiếp, các loại thuốc đó vẫn là át chủ bài của trạm xá tiểu khu. Ốm đau mà được phát Phi-la-tốp uống là mắt sáng trưng, thấy như khỏe lên ngay. Nhớ nhất đận mẹ tôi bị va chạm với ô tô. Trán mẹ bị vết cứa khá sâu và mặt xây xước. Mẹ tôi nằm ở bệnh viện ít ngày thì chuyển về trạm xá nhà máy điều trị và an dưỡng. Hồi đó, nhiều cơ quan của Trung ương và thành phố, các nhà máy lớn như Dệt 8/3, Cao su Sao vàng, Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân... đều có trạm xá riêng cho cán bộ, công nhân viên. Còn nhân dân, học sinh thì ra trạm xá của tiểu khu chữa trị.

Tôi bị đau lưng, cô y tá tiêm phong bế vùng đau bằng ống thuốc B1, B6, B12 hòa với nhau, rồi cho thêm Nô-vô-ca-in giảm đau, thế là nhúc nhắc đi học lại được. Nhưng trạm xá tiểu khu ở nội thành không kiêm chức năng thăm khám sản phụ như ở ngoại thành và các vùng nông thôn, mà chỉ sơ cứu, chữa bệnh thông thường, tiêm chủng, phun thuốc diệt trừ côn trùng gây bệnh là chính. Thuốc nam khá đắc dụng, được dùng nhiều cho người mới chớm bệnh. Tôi thật sự nghiện món bổ phế, viên nghệ mật ong, cứ giở giời uống là êm ngay. Cho đến những năm 1986 - 1995, trẻ con, người lớn bị viêm nhiễm, thuốc kháng sinh ngoài Pê-ni-xi-lin (thuốc tiêm), Tê-ta-xi-lin, Clo-rô-xít còn có thêm A-mô-xi-lin (thuốc uống) là nhất bảng. Trong hoàn cảnh thời hậu chiến bị cấm vận, lại thêm chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, đó là cố gắng rất lớn của ngành Y tế để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

Giờ thì trạm y tế đã thay trạm xá xã và tiểu khu thời xưa nhưng vẫn làm nhiều việc có tên và không tên. Những năm chống “giặc” Covid-19, trạm y tế là "chốt tiền tiêu" nắm tình hình và chăm lo việc tiêm vắc xin chống dịch cho người dân. Những "chiến sĩ áo trắng" vất vả suốt ngày đêm, không quản gian nan và nguy cơ có thể nhiễm dịch bất cứ lúc nào. Thật cảm phục những tấm lòng “lương y như từ mẫu”. Trạm xá thời chiến tranh phá hoại đầy gieo neo một thuở và trạm y tế thời chống “giặc” dịch hôm nay vẫn là nơi đặt niềm tin của người dân, cho sức khỏe bình an và cuộc sống yên lành cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trạm xá một thuở