Một thời sơ tán

Nguyễn Trọng Văn| 04/12/2022 06:25

(HNMCT) - Còn nhớ, sau trận máy bay Mỹ ném bom trở lại hôm 16-4-1972, người dân thành phố được lệnh sơ tán. Dù đang học tháng cuối cùng của năm cuối cấp II (lớp 7), chúng tôi vẫn phải nghỉ học để đi sơ tán, không biết khi nào mới về lại Hà Nội.

Học sinh thời sơ tán khi đến trường, ra ngoài lao động đều đội mũ rơm để tránh bom bi.

Rồi mấy tháng sơ tán qua mau, máy bay Mỹ không ném bom miền Bắc nữa. Tình hình có vẻ yên, nhất là những tin tức về triển vọng đàm phán ở Hội nghị Paris. Đám trẻ chúng tôi cũng “hóng hớt” chuyện người lớn, nghe phong thanh Hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam sắp được ký. Rồi chúng tôi theo gia đình lần lượt trở về Hà Nội để kịp tựu trường năm học mới.

Dẫu không được học trọn vẹn học kỳ cuối và không phải thi hết cấp, chúng tôi vẫn được cấp bằng tốt nghiệp dạng “đặc cách” để thi vào cấp III. Được tin thi đỗ, chúng tôi bủa đi tìm nhau. Thật may vì lớp chúng tôi gần như đều đỗ vào trường cấp III Chu Văn An. 

Ấy vậy mà vào trường lớp mới học chưa “ấm chỗ”, sáng ngày 18-12-1972, chúng tôi đã nghe thầy cô giáo phổ biến: “Theo thông báo của thành phố, nhiều khả năng đêm nay Mỹ sẽ ném bom trở lại Hà Nội. Đợt ném bom này sẽ rất dữ dội. Thành phố yêu cầu người dân sơ tán khẩn trương ra khỏi thành phố”. Chúng tôi sững sờ, nhiều bạn gái đã khóc. Các thầy cô phổ biến tiếp: “Lần này các em không đi theo gia đình. Chúng ta sẽ sơ tán theo lớp, theo trường. Địa điểm đã được thành phố sắp xếp. Ngay bây giờ, các em nhanh chóng về nhà lấy tư trang và đồ dùng học tập rồi khẩn trương quay lại lớp. Chúng ta sẽ đi sớm nhất khi các em chuẩn bị xong”.

Tôi vội chạy về nhà, chỉ cách trường chừng cây số. Trên đường về, tôi thấy những chiếc xe Com-măng-ca gắn loa phóng thanh trên nóc hối hả chạy trên đường phố. Tiếng loa phát rất to: “Yêu cầu người dân khẩn trương sơ tán ra khỏi thành phố”. Tôi vừa chạy vừa lo lắng. Về đến nhà, bố tôi đã đợi trước cửa. Trong nhà, mẹ đang gói ghém quần áo cho chị em chúng tôi. Bố tôi nói nhẹ nhàng: “Các con sẽ đi theo lớp để việc học không bị gián đoạn. Bố mẹ sẽ đến thăm các con sau khi ổn định ở nơi sơ tán”. Nói rồi bố đưa cho tôi một chiếc hòm nhỏ và bảo: “Hòm này con đựng quần áo sách vở. Còn cái này để kê làm bàn viết”. Bố đưa cho tôi một tấm ván bằng gỗ dán rộng hơn cuốn vở học sinh.

Tôi vội chào bố mẹ rồi quay trở lại trường, không giấu được nỗi ngậm ngùi. Đến trường, nhìn bộ dạng của tôi thằng Tùng tóc xoăn kể: “Tao cũng được bố mẹ chuẩn bị y như thế”. “Còn tao chỉ mang độc hai bộ quần áo và sách vở thôi” - thằng Chung nói giọng vẻ ngậm ngùi. Chúng tôi tập trung ở sân trường. Khoảng chục chiếc xe tải, xe ca đã đậu thành hàng trước cổng trường. Những chiếc xe tải này vốn để vận chuyển rau xanh từ ngoại thành vào. Trên thùng xe còn vương vãi những lá rau giập nát.

Xe từ từ chuyển bánh. Cả lớp chúng tôi ngồi túm tụm trên thùng xe lắc lư rời thành phố. Cuối cùng cũng đến được nơi sơ tán. Cô giáo chủ nhiệm nói: “Lớp mình sẽ sơ tán ở làng này. Đây là làng Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Sau khi ổn định chỗ ở, sáng mai lớp ta sẽ đi lao động làm lớp học”.

Lớp học ở sát bìa làng, chỗ vốn là ruộng trồng khoai. Cô Trâm chủ nhiệm phân công bọn con trai đào đất, bọn con gái dùng sảo tre xúc đất lên đắp thành bờ che chắn. Phải mất ba ngày chúng tôi mới đào xong một hố khá rộng hình chữ nhật, chiều dài 5m, chiều rộng 3m, sâu hơn 1m. Hai bên chiều ngang trổ cửa thoát ra những đoạn giao thông hào dẫn tới hầm chữ A. Phía sau trổ lối vào lớp. Bà con trong làng Kim Bài cho chúng tôi mượn dụng cụ lao động, mang cả tre và rạ đến để dựng vách, lợp mái. Lớp học kiểu bán âm nên thấp. Bàn ghế không có, chúng tôi kê dép ngồi phệt. Tấm ván nhỏ bố tôi đưa được kê lên đùi làm bàn viết. Bấy giờ tôi mới thấy sự chu đáo của bố.

Sau này, trong lần gặp nhau ôn lại kỷ niệm, thằng Khôi lớp trưởng nói: “Tao thấy hồi đó thành phố tổ chức sơ tán theo cách ấy vô cùng hợp lý”. Thằng Chung chen vào: “Không làm theo cách ấy mà cứ để mạnh ai nấy đi thì làm sao chỉ trong một ngày toàn thành phố đã sơ tán được 20 vạn người ra khỏi nội đô”. Cái Thu cũng lên tiếng: “Bố tao nói là tuy thời gian gấp nhưng nhờ tính toán kỹ nên việc đi sơ tán được tiến hành nhanh gọn, an toàn. Thành phố chọn phương án tổ chức sơ tán theo khối trường học, cơ quan, dân cư là vô cùng sáng suốt. Việc học, việc làm không bị gián đoạn. Các gia đình cũng không phải lo việc học cho con nếu đi sơ tán. Trường học của địa phương cũng không bị xáo động bởi phải gánh thêm học sinh thành phố về”. Nói xong, Thu bảo: “Thật quý trọng bà con nơi chúng mình sơ tán. Các cô, các bác thật tốt”. Câu nói của Thu đã thôi thúc chúng tôi trở lại thăm các gia đình nơi sơ tán, nơi những người dân quê tuy khó khăn nhưng luôn tràn đầy nghĩa tình.

Đêm 18-12-1972, chúng tôi lên nóc hầm ngóng về Hà Nội rồi nhảy lên reo hò sung sướng khi thấy “pháo đài bay” B52 của Mỹ bị trúng tên lửa của ta và cháy rực trên bầu trời Hà Nội...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thời sơ tán