Chùa Huyền Thiên

Hương Thủy| 27/11/2022 06:15

(HNMCT) - Chùa Huyền Thiên (Huyền Thiên cổ quán) tọa lạc tại số 54 phố Hàng Khoai (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ban đầu, chùa là một trong tứ quán nổi tiếng của Đạo giáo ở đất Thăng Long, gồm: Đế Thích quán (nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên), Chân Vũ quán (đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh), Đồng Thiên quán (chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành). Đây là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - vị thần chuyên trừ yêu ma quỷ quái, trị thủy và bảo hộ cuộc sống cho cư dân nông nghiệp. Ngoài ra, nơi đây còn thờ Phật, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Trên tấm văn bia “Trùng sáng Huyền Thiên bi minh” niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10, đời vua Lê Thần Tông (1607 - 1662) có ghi thông tin về thời điểm hình thành quán: “Đây thuộc về phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, Phụng Thiên, tên là Huyền Thiên cổ quán... Quán có từ thời Lê năm Thiệu Bình thứ 7 (1439)”. Đến cuối thời Lê, khi Đạo giáo suy tàn, đạo Phật thịnh, quán chuyển thành đền rồi thành chùa. Đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp mở rộng phố xá, chùa bị thu hẹp. Hình dáng chùa ngày nay là kết quả của lần trùng tu vào năm 1930. 

Đầu năm 1947, chùa bị tàn phá. Năm 1948, người dân phố cổ đã quyên góp, dựng lại chùa theo kiến trúc cũ, kiểu "nội công ngoại quốc". Mặt trước chùa trông ra phố Hàng Khoai, tường sau sát phố Gầm Cầu, hai bên hồi là hai ngõ nhỏ. Tam quan là một gác chuông hai tầng với kiến trúc gạch nổi bật, mang dấu ấn đậm nét của kết cấu truyền thống. Tiếp đến là sân với hai nhà bia lớn và hai giếng cổ. Phần nội công vẫn còn nguyên vẹn với nhà bái đường - nơi đặt pho tượng Huyền Thiên, gồm 7 gian, được xây kiểu vọng lâu hai tầng, tám mái. Tòa thiêu hương chạy dọc như thượng điện, nối với hai gian nhà ngang phía sau. 

Chùa Huyền Thiên hiện còn lưu giữ hệ thống tư liệu phong phú, ghi lại quá trình hình thành, phát triển của chùa trong dòng lịch sử chung của nước nhà. Hai bên sân trước nhà bái đường hiện còn hai tấm bia cổ niên hiệu Cảnh Trị thứ 6 (1668) cùng 40 tấm bia khắc chữ Hán Nôm được ốp dọc hai bên tường tòa bái đường và chính điện. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có hàng chục văn bia quốc ngữ được khắc sau năm 1954. Ở gác chuông sau cổng có một quả chuông được đúc năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793), nặng 500kg, cao 1m60; trên thân chuông có đề bài minh.

Ngoài hệ thống tư liệu phong phú, trong chùa Huyền Thiên còn lưu giữ hệ thống tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Đạo giáo cùng nhiều đồ tế khí có giá trị nghệ thuật. Năm 2008, chùa Huyền Thiên được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Huyền Thiên