Công viên ở Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến| 26/11/2022 13:34

(HNMCT) - Theo quan niệm cũ, công viên là nơi vui chơi, nghỉ ngơi công cộng cho mọi người. Nhưng ngày nay, khái niệm công viên được mở rộng, không chỉ có cây, hồ, hoa, thú và các trò chơi đơn giản mà còn có bể bơi, các trò vui chơi giải trí hiện đại, người chơi phải trả tiền.

Công viên Bách Thảo ngày cuối tuần. Ảnh: Minh Vũ

Hà Nội hiện có khoảng 70 công viên và vườn hoa, trong đó có các công viên như: Bách Thảo, Thống Nhất, Hòa Bình, Tuổi Trẻ, Thủ Lệ, Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Thanh Xuân, Thiên văn học, Yên Sở, công viên nước Hồ Tây... Trong số các công viên thì công viên Tuổi Trẻ được phê duyệt quy hoạch cách đây 20 năm, song đến nay việc xây dựng bị ngừng trệ, dang dở. Công viên Thiên văn học xây dựng sai quy hoạch, bị đình chỉ hoạt động. Ổn nhất có lẽ chỉ có công viên Thủ Lệ và Hòa Bình. Thủ Lệ nuôi nhiều muông thú nên vào mất vé, còn công viên Hòa Bình vào cửa tự do.

Công viên nhiều tuổi nhất Hà Nội là Bách Thảo. Công viên này được xây dựng từ năm 1890 ở phía tây thành phố, trên một phần đất của thành nhà Nguyễn. Bách Thảo có núi Sưa, có hồ nước, ở khu đất bằng phẳng, trồng các loại kỳ hoa dị thảo, xen vào đó là chuồng nuôi thú. Thời Pháp thuộc, tối thứ bảy ở đảo Nhện có nhóm nhạc binh chơi phục vụ khách. Cuối năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, chiến tranh lan sang đầu năm 1947 nên đơn vị quản lý đã chuyển hết thú vào Sở thú Sài Gòn. Sau năm 1954, vì nhu cầu xây dựng công sở nên diện tích công viên bị thu hẹp. Dù Bách Thảo xây bằng ngân sách nhưng ngay từ khi đi vào hoạt động, ai muốn vào phải mua vé.

Sau năm 1954, dân số Hà Nội tăng gần gấp đôi, cả thành phố chỉ có Bách Thảo là nơi vui chơi, giải trí công cộng duy nhất. Để người dân có thêm điểm vui chơi nghỉ ngơi, chính quyền thành phố đã cho nạo vét hồ Bảy Mẫu, xây dựng công viên Thống Nhất. Vào ngày chủ nhật, hàng nghìn cán bộ, công nhân viên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội tham gia “ngày lao động cộng sản chủ nghĩa” bằng việc vét bùn, dọn rác. Sau 3 năm xây dựng, vào năm 1961, công viên Thống Nhất rộng khoảng 50ha được khánh thành. Điểm nhấn của công viên là hồ Bảy Mẫu trong xanh, quanh hồ được trồng cây, hoa và các tiểu cảnh rất đẹp. Xen giữa các ghế đá cho mọi người nghỉ chân là tượng. Trong quán Gió có giàn phong lan đủ loại, phía giáp đường Đại Cồ Việt có cây đa do Bác Hồ trồng. Công viên có nhà thuyền, các trò chơi cho thiếu nhi như bập bênh, cầu trượt, đu quay... Tối thứ bảy và ngày lễ, cơ quan văn hóa tổ chức chương trình ca nhạc ở hai công viên này. Riêng công viên Thống Nhất vào ngày Quốc khánh hay Tết Nguyên đán còn là địa điểm bắn pháo hoa, lướt ván, thu hút rất đông người đến xem. Từ khi đi vào hoạt động cho đến cuối những năm 1980, công viên Bách Thảo, Thống Nhất là nơi vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân Thủ đô và bà con các tỉnh về thăm Hà Nội. Cũng như Bách Thảo, vào công viên Thống Nhất phải mua vé, tuy nhiên giá vé rất rẻ.

Từ đầu những năm 1970, Bách Thảo và Thống Nhất còn là nơi học sinh vào ôn thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, nơi tập quân sự của học sinh các trường cấp 3. Vì không có chỗ vui chơi nên buổi tối các ngày trong tuần, nhất là thứ bảy, nhiều cặp đôi yêu nhau vào hai công viên này tâm sự đông như trảy hội, mỗi gốc cây là một đôi. Mùa hè, công viên Thống Nhất trở thành bể bơi thiên nhiên của thanh, thiếu niên các phố xung quanh. Suốt thời kỳ bao cấp, hồ Bảy Mẫu thường xuyên diễn ra nạn câu cá trộm. Công viên cũng trở thành nơi tá túc của những người sống lang thang. Và, ở hai công viên này cũng sinh ra các tệ nạn xã hội.

Cũng như Bách Thảo, công viên Thống Nhất được bao quanh bằng hàng rào xi măng, bên trong có cây được cắt tỉa. Thế nhưng trong những năm 1970, cả hai công viên đã xuất hiện “cổng phụ”, dân sống xung quanh dỡ hàng rào vào bán nước chè hay tránh nóng khi mất điện. Dần dần, nhiều người trốn vé bằng cách đi qua “cổng phụ”, đơn vị quản lý cho rào bằng dây thép gai hay xây gạch, song chỉ dăm ngày lại bị phá. Chuyện phá rồi rào diễn ra trong nhiều năm nên hai công viên tuy là kín nhưng thực chất là mở. Từ khi trở thành doanh nghiệp công ích, kinh phí cấp cũng hạn chế, vì thế, công viên không được đầu tư mới hay cải tạo nên ngày càng nhếch nhác. Từ quan niệm công viên là nơi vui chơi giải trí công cộng cho mọi lứa tuổi, dần dần thay bằng quan niệm công viên là nơi có nhiều tệ nạn, ban ngày không an toàn, buổi tối lại càng không an toàn nên thưa vắng người vào.

Thực ra, chủ trương công viên mở cũng có cái hay, nhưng khi tắc đường, xe máy, ô tô chạy vào thì sao? An ninh thế nào? Thành ngữ có câu: “Cha chung không ai khóc”. Mở hay khép cũng không phải là vấn đề vì thực tế tiền vé không nhiều. Vấn đề nằm ở khâu quản lý, công viên phải ra công viên và thực sự an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công viên ở Hà Nội