Phố Hàng Trống

Quỳnh Ngọc| 13/11/2022 06:01

(HNMCT) - Phố Hàng Trống (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) xưa nằm trong khu vực “36 phố phường”, thuộc tổng Tiền Túc (sau là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Phố có chiều dài gần 400m, nguyên là một đoạn đê, mặt đường cao hơn mặt đường sát hồ và nằm trên đất của nhiều thôn cũ như thôn Cổ Vũ (giáp ngã tư Hàng Gai - Hàng Hài), thôn Khánh Thụy Hữu (đoạn giữa) và thôn Tự Tháp (ngã ba phố Nhà Thờ).

Đầu thế kỷ XX, phố Hàng Trống nổi tiếng với 3 nghề thủ công chính. Đầu phố (thôn Cổ Vũ) là nơi tập trung nhiều cửa hàng của người làng Liêu Xá (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) chuyên nghề làm trống. Tiếp đến là các cửa hàng bán tranh của người làng Tự Tháp (một trong hai lò tranh nổi tiếng của đất Bắc Hà), được biết đến với dòng tranh dân gian Hàng Trống nổi tiếng, chuyên vẽ các loại tranh ngũ hổ, tranh thờ, tranh treo tường trang trí, tranh dán Tết... và các cửa hàng bán đồ thờ như gươm, kiếm, lệnh, cờ lệnh, lọng, tàn, tán của người làng Đào Xá (huyện Thường Tín, Hà Đông cũ). Đoạn giữa phố - thôn Khánh Thụy Hữu, có những cửa hàng bán đồ thêu chỉ màu trên lụa làm mặt chăn, mặt gối, y môn, cờ ngũ hành... do người làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín, Hà Đông cũ) và người làng Xuân Nẻo (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đến lập nghiệp.

Những năm cuối thế kỷ XIX, nghề thêu phát triển nhất trong các nghề ở phố Hàng Trống bởi lính Pháp, quan Tây đua nhau mua hàng thêu gửi về làm quà cho gia đình, bạn bè. Vì thế, người Pháp gọi phố này là Rue des Brodeurs (phố Thợ Thêu) dù tên chính thức là Jules Ferry. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều người Việt đã tới đây mở cửa hiệu, đặt hàng thợ làng nghề ở Hà Đông làm để bán. Nhờ sự khéo tay, óc thẩm mỹ tinh tế và trên hết là tính độc đáo đối với người ngoại quốc nên nghề thêu ở phố Hàng Trống phát triển mạnh mẽ. Nhiều chủ hiệu làm ăn lớn đứng ra thu mua, xuất khẩu ra nước ngoài và giàu lên nhanh chóng. 

Ngoài nghề thêu, phố Hàng Trống còn được biết đến với nghề làm đồ chạm bạc, ngà, nữ trang hay nghề làm yên cương ngựa, đóng giày da. Từ những năm 1930, Hàng Trống trở thành phố chuyên nghề may tây với các cửa hàng nổi tiếng như Phúc Mỹ, Tân Hưng, Tân Đức Hiệp...

Tuy không quá dài nhưng phố Hàng Trống có tới hai ngôi đình, đó là đình Đông Hương ở số nhà 84 là nơi thờ ca nữ Đào Thị Huệ - người có công giúp Lê Lợi diệt giặc Minh, được nhà vua phong làm Phúc thần hậu duệ kiến quốc trinh liệt phu nhân. Ngôi đình thứ hai nằm ở số nhà 75 là đình Nam Hương thờ thần Bạch Mã và Linh Lang. Hai ngôi đình này đều nổi tiếng linh thiêng và được bảo tồn đến ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phố Hàng Trống