Cột điện đinh tán - mảnh ký ức trăm năm

Giang Nam| 06/11/2022 06:46

(HNMCT) - Từ nội thành đến ven đô, nhiều quán cà phê dựng những chiếc cột điện sắt để trang trí. Trên mỗi chiếc cột điện thường có biển tên một “phố Hàng” nào đó. Cột điện đinh tán hiện diện không lâu sau khi người Pháp xâm chiếm Hà Nội, dần trở thành “mảnh hồn đô thị”. Để lưu giữ "mảnh ký ức" đó, người ta đã tìm cách giữ lại, dù chỉ là những bản sao.

Hình ảnh tư liệu về chiếc cột điện đinh tán gắn với khu phố cổ Hà Nội xưa.

Phố cổ giờ đổi thay nhiều. Những mái ngói liêu xiêu cùng năm tháng - hình ảnh đại diện của Hà Nội xưa cũ, có khi phải đi mấy đoạn phố mới gặp. Nhưng rất có thể, ngay bên mái ngói rêu phong ấy là một hình ảnh đã khắc sâu vào ký ức người yêu Hà Nội - những chiếc cột điện đinh tán.

Trước khi bị người Pháp xâm chiếm, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng được thắp sáng bằng các loại đèn dùng dầu thực vật. Người Hà Nội không ưa sự cai trị của người Pháp, nhưng không vì thế mà chối bỏ những yếu tố văn minh mà họ mang tới.

Năm 1892, người Pháp cho xây dựng một trạm phát điện ở Bờ Hồ (còn gọi là Nhà máy đèn Bờ Hồ, nay là trụ sở Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội). Đó là cột mốc quan trọng trong sự phát triển đô thị: Hà Nội bắt đầu có điện. Các tuyến phố từng bước được thắp sáng bằng đèn điện. Các cây cột điện dần được dựng lên để đáp ứng nhu cầu truyền tải điện. Những cây cột điện cũng được gắn đèn chiếu sáng, vì thế, người Hà Nội còn gọi đó là cột đèn. Cột điện có ở khắp phố cổ, khu phố Pháp, dọc theo những tuyến tàu điện như Bưởi - Bạch Mai, Yên Phụ - Kim Liên, Yên Phụ - Cầu Giấy, Bờ Hồ - Hà Đông, Bờ Hồ - Yên Phụ.

Ký ức trong mỗi con người về mảnh đất mà mình đã sống gắn liền với những hình ảnh cụ thể. Một hàng cây, một cây cổ thụ, một góc phố, hay, đôi khi chỉ là một bà cụ già bán trà chén ở đầu ngõ. Qua năm tháng, cột điện trở thành hình ảnh để nhận diện một Hà Nội xưa cũ.

Đô thị nào chả có cột điện. Nhiều người sẽ bảo thế. Nhưng kỳ tình, cột điện ở Hà Nội “nó lạ lắm”. Bốn thanh sắt chữ V lớn được dùng làm bộ khung chính. Chúng được giằng với nhau bằng những thanh sắt nhỏ hơn, khi ngang, khi chéo. Nếu bây giờ người ta thường cố định những chỗ nối với nhau bằng mối hàn, thì ngày ấy dùng đinh tán.

Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, có một công trình kỳ vĩ của thời kỳ ấy được đưa vào sử dụng. Đó là cầu Long Biên. Công trình bằng thép nối hai bờ sông Hồng gắn với lịch sử thành phố suốt trăm năm, đi kèm những sự kiện anh hùng và bi tráng. Cây cầu là chứng nhân của đoàn quân quyết tử rút lui an toàn sau khi kìm chân quân Pháp trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Cây cầu là nơi đội quân viễn chinh Pháp rời đi sau khi thất bại ở Điện Biên, là nơi đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm kháng chiến. Cây cầu trở thành niềm tự hào của người Hà Nội cho mãi đến bây giờ.

“Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài, vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong/ Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi”. Người Hà Nội “cũ” không ai không trào lên nỗi xúc động khi nhắc lại những câu thơ ấy. Bây giờ, cầu Long Biên đã xuống cấp trầm trọng, nhưng vẫn là “phim trường” ưa thích với không chỉ khách du lịch, mà với chính những người dân ngày ngày qua lại cây cầu dài 2.290m, được hình thành với những chiếc đinh tán nhỏ cùng những thanh sắt giằng ngang, giằng dọc... Khi hiểu điều này, có lẽ, người ta sẽ thôi thắc mắc vì sao người Hà Nội gắn bó với những chiếc cột điện đinh tán. Nó gợi nhớ kỹ thuật xây dựng cầu Long Biên, phảng phất hình ảnh cây cầu lịch sử.

Sáng sớm, vừa mở mắt ra đã thấy chiếc cột điện. Trẻ con vui đùa dưới đó, chui cả vào trong cột điện. Người ta bán nước ngay dưới chân cột điện. Mấy tích nước, thậm chí, cũng để luôn trong lòng cây cột. Xưa điện không đủ, tối đến, người ta tận dụng ánh sáng từ cột đèn để làm bao nhiêu việc… Cuộc sống cứ thế diễn ra. Những gì đi vào ký ức, ăn sâu vào tiềm thức, không nhất thiết phải là những gì đẹp đẽ nhất. Nó bắt nguồn từ sự thân quen.

Cuộc sống luôn đổi thay. Những cây cột điện xưa cũ đã trở nên lạc hậu. Sau cột đèn/ điện bê tông đúc ly tâm, giờ các con phố chủ yếu dùng cột đèn thép mạ kẽm. Đơn giản, gọn nhẹ. Thi thoảng trên phố mới gặp một chiếc cột điện hoen gỉ đơn độc chống đỡ búi dây, hộp điện... Cây cột ấy, đang lặng lẽ mang cả ký ức xưa cũ của đất Hà thành.

Ở Hà Nội, có một anh lái xe taxi rất sành chuyện cũ. Anh Phạm Anh Hào, vốn người phố cổ Mã Mây, giờ chuyển ra sống ở ngay gần đền Lừ (quận Hoàng Mai). Anh mê những chiếc cột điện. Trên hành trình chở khách, thi thoảng anh lại “đảo” ra phố nọ, phố kia để xem cột điện cũ liệu còn hay mất. Anh có thể kể vanh vách những góc phố, ngã tư nào còn nhiều cột điện đinh tán. Anh bảo: “Nó đã mất chức năng, nhưng vẫn cần giữ lại. Bởi đấy là một phần của Hà Nội xưa kia”. Tôi dám chắc, nhiều người cũng nghĩ như thế. Và, chuyện nhiều quán xá, cửa hàng trang trí bằng những chiếc cột điện kiểu Pháp cổ (chỉ thay đinh tán bằng các mối hàn) đã thể hiện tình cảm của người Hà Nội với mảnh ký ức xưa, là nỗi lo một ngày nào đó những cột điện đinh tán cuối cùng sẽ không còn nữa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cột điện đinh tán - mảnh ký ức trăm năm