Đền Phù Đổng

Mộc Lam| 16/10/2022 06:03

(HNMCT) - Đền Phù Đổng (hay đền Thượng, đền Gióng, đền Phù Đổng Thiên Vương) nằm trên địa bàn xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đền là một trong hai di tích nổi tiếng (cùng với đền Gióng ở huyện Sóc Sơn) thờ Thánh Gióng - một trong "tứ bất tử" - bốn vị thánh trong tâm thức của người Việt.

Tương truyền, năm 1010, khi dời đô về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng đền Phù Đổng. Đền nằm bên trong đê sông Đuống, quay về hướng Nam, gồm các hạng mục: Thủy đình, ngũ môn, phương đình, tiền đường, trung đường, hậu cung, tả - hữu mạc, nhà giám, nhà hiệu...

Trước sân đền, ngay sát chân đê có ao Rối - nơi tổ chức biểu diễn múa rối nước vào dịp hội làng hằng năm. Dưới bóng cây đa cổ thụ, trên mặt ao là ngôi thủy đình xinh xắn được dựng theo kiểu mái chồng thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII) với nhiều mảng chạm tinh xảo trên gỗ, đề tài là cảnh sinh hoạt dân gian như chăn dê, người thổi ống xì đồng... Qua sân gạch đến nghi môn bề thế được xây vào cuối thế kỷ XIX. Phía trước là đôi rồng đá khắc dòng chữ cho biết niên đại tạo tác là năm Ất Dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh (năm 1705), dưới triều vua Lê Dụ Tông. Phía sau có đôi sư tử đá có cùng niên đại. Tiếp đến là nhà thiêu hương có kiến trúc giống thủy đình nhưng nhỏ hơn.

Nằm sát nhà thiêu hương là hai nhà tiền tế do Điền Quận công Nguyễn Huy (1610 - 1675), người làng Phù Dực, và Trạng nguyên Đặng Công Chất (1621 hay 1622 - 1683) cùng người làng Phù Đổng hưng công xây dựng. Đáng chú ý là 39 viên gạch chạm khắc hình rồng được lát ở bậc thềm dẫn vào cung. Hai ngôi nhà 3 gian phía Đông do Tuyên phi Đặng Thị Huệ - chính cung của chúa Trịnh Sâm cung tiến (thế kỷ XVIII). Trong hậu cung có tượng thánh Gióng cao 3m, hai bên có 6 tượng quan văn - võ, 2 phỗng quỳ và 4 viên hầu cận “tứ trấn”.

Ngoài nghệ thuật kiến trúc, giá trị của di tích đền Phù Đổng còn được khẳng định qua hệ thống di vật, cổ vật gồm: 37 đạo sắc phong niên đại thời Lê Trung hưng, thời Nguyễn, trong đó, sắc phong sớm nhất mang niên hiệu Đức Long năm thứ 5 (1634); hệ thống rồng đá, nghê đá, hoành phi, câu đối, cửa võng, long ngai, hương án, bát bửu; 1 bia đá tạo tác năm 1660... Phía sau đền còn có giếng Ngọc khá lớn. Năm 2013, đền Phù Đổng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Hằng năm, hội Gióng xã Phù Đổng diễn ra từ ngày 7 đến 9 tháng Tư âm lịch. Cứ 5 năm một lần, hội chính được tổ chức quy mô. Hội Gióng tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn) và đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Phù Đổng