Hiệu sách nhân dân

Phạm Kim Thanh| 21/08/2022 06:15

(HNMCT) - Thời buổi bây giờ, sách cũng có thể mua online hoặc đọc online nên việc tiếp cận tri thức rộng mở, nhanh chóng hơn. Những ngày hội sách, nhìn các “thượng đế” nô nức chọn mua sách giảm giá lại nhớ thuở học trò, sinh viên, dù chiến tranh, bao cấp gian khó, thiếu thốn nhưng chúng tôi cũng rất yêu sách, mê sách, hầu như chẳng tuần nào vắng mặt ở Hiệu sách nhân dân.

Hiệu sách Thăng Long trên phố Tràng Tiền.

“Hiệu sách nhân dân” là cái tên nhiều người trẻ thời công nghệ số khó mà hình dung được. Ngày ấy, các khu phố nội thành và cả các huyện ngoại thành đều có những hiệu sách phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân.

Chỉ trong bán kính 4km từ Bờ Hồ đến Cửa Nam hay xuống Ô Chợ Dừa, Chợ Mơ... có khá nhiều hiệu sách. Lớn nhất là Hiệu sách Quốc văn tổng hợp (Hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn) và Hiệu sách Ngoại văn ở phố Tràng Tiền, tiếp đó là hiệu sách ở Cửa Nam, Khâm Thiên, Ngô Thì Nhậm, Bạch Mai, Trương Định, Minh Khai... Nhân viên bán sách được hưởng lương của Nhà nước. Hiệu sách nào cũng có đủ các loại sách lý luận - chính trị, sách khoa học kỹ thuật, sách giáo khoa, sách văn học... Dĩ nhiên, đám học trò yêu thích nhất sách dành cho thiếu nhi và sách văn học. 

Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, hầu như đứa trẻ nào cũng háo hức khi bước chân vào Hiệu sách nhân dân. Ngày ấy, cứ tan học, trên đường về nhà là chúng tôi lại rẽ vào hiệu sách, dí mũi vào tủ kính, đến nỗi bác bán sách nhớ mặt từng đứa và ân cần hướng dẫn chọn sách phù hợp với tuổi học trò.

Mới học lớp 5, lớp 6, dù bữa sáng chỉ có củ khoai hay mẩu bánh mỳ hoặc vét lưng cơm nguội nhưng tôi đã được đọc những cuốn truyện ngắn, tiểu thuyết nổi tiếng như “Đồng bằng đánh Mỹ” của nhiều tác giả, “Mẫn và tôi” của nhà văn Phan Tứ, “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức, kể cả văn học nước ngoài như “Không gia đình” của nhà văn Pháp Hector Malot, “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn Ý Edmondo De Amicis, “Túp lều bác Tôm” của nữ văn sĩ Mỹ Harriet Beecher Stowe.

Năm học lớp 7, chúng tôi chuyền tay nhau đến nát cả mép trang những cuốn truyện dày cộp mua ở Hiệu sách nhân dân phố Trương Định, đặc biệt là tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky và “Ruồi Trâu” của nhà văn nữ người Ireland Ethel Lilian Voynich - cuốn hút đến nỗi tôi thường mang đến lớp, giờ ra chơi là chúi mắt vào trang sách. Cô bạn chí cốt rất sốt ruột muốn biết mối tình Ruồi Trâu và Giê-ma đẹp ra sao nhưng tôi cứ kể nhỏ giọt mỗi khi tan học... Mẹ cho 5 xu hay 1 hào mua xôi sáng nhưng tôi không ăn, tiết kiệm “nuôi lợn” để mua sách. 

Sau này, ngoái lại tuổi thơ, mới thấy trong những năm tháng bom đạn ác liệt, Hà Nội cũng như cả miền Bắc gian khổ, thiếu thốn trăm bề, lớp học đơn sơ mái lợp gianh hoặc giấy dầu nhưng chúng tôi vẫn không thiếu sách. Đó là “thần đèn” kỳ diệu nhất. Sách mở ra cho chúng tôi chân trời tri thức với bao điều mới lạ, đẹp đẽ. Chúng tôi học lý tưởng sống đẹp từ Ruồi Trâu, từ Paven Corsaghin và đứa nào cũng hí hoáy chép vào sổ tay: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”.

Những năm 1980, ở Hiệu sách nhân dân Mai Động ở phố Minh Khai vẫn thấy bác nhân viên quen mặt từ hồi tôi học cấp 2. Ngoài sách chuyên ngành, ở hiệu sách nhỏ này tôi còn tìm được nhiều cuốn truyện hay như “Chiến tranh và hòa bình” của đại văn hào Nga Lev Tolstoy, “Sông Đông êm đềm” của Mikhail Sholokhov, “Hãy để ngày ấy lụi tàn” của nhà văn Nam Phi Gerald Gordon...

Thời bao cấp có thể thiếu gạo, thiếu thịt, thiếu quần áo, thiếu đường sữa nhưng không hề thiếu sách. Ngay cả những chuyến đi thực tập xa thành phố tới huyện Nam Sách (Hải Dương), Vũ Thư (Thái Bình), thậm chí ở tận huyện đảo Cát Bà thì điểm đầu tiên mà chúng tôi bước chân vào để tìm kiếm xem có gì thú vị không cũng chính là hiệu sách. Tôi đã mua cuốn tiểu thuyết “Jăng Krixtốp” của nhà văn Romain Rolland ở Hiệu sách Cát Bà để kỷ niệm những ngày thực tập ở huyện đảo xa xôi chỉ có những mái nhà đơn sơ và gió biển thổi ù ù trong đêm nhưng tình người thật nồng ấm. 

Cuối những năm 1990, hệ thống Hiệu sách nhân dân không còn nữa, thay vào đó là các cửa hàng sách tư nhân, tập trung nhiều ở phố Nguyễn Xí. Ngồn ngộn sách, đủ các loại giấy từ kém chất lượng đến loại sang... Tôi đã mua “Thơ Lưu Quang Vũ” tuyển chọn, tiểu thuyết “Mưa mùa hạ” của Ma Văn Kháng, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nữ văn sĩ người Úc Colleen McCullough in bằng giấy thứ phẩm có màu nâu đen. Chả sao hết, miễn là được đọc truyện hay, thơ hay.  

Bây giờ sách được in giấy tốt, trình bày đẹp, khác xưa rất nhiều. Mỗi khi dẫn con cháu vào cửa hàng sách, nhất là mỗi dịp hội sách, tôi lại bồi hồi nhớ những năm tháng không thể nào quên, khi sách và Hiệu sách nhân dân thực sự là người bạn trân quý của nhiều thế hệ người Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu sách nhân dân