Đình Đông Thành

Quỳnh Ngọc| 02/05/2022 06:40

(HNMCT) - Nằm cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 800m, đình Đông Thành (số 7 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), sau khi sáp nhập hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị.

Đình là nơi dân làng Đông Thành thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, một trong 4 vị thần trấn giữ Thăng Long. Trong hậu cung của đình hiện còn pho tượng vị thần này được làm bằng gỗ với chiều cao 1,5m, bề ngang 0,8m. Pho tượng được chạm khắc tinh xảo, mô phỏng theo pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh.

Trải qua bao thăng trầm dâu bể, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, đình Đông Thành không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Năm 2013 - 2014, quận Hoàn Kiếm đã tiến hành di dời nhiều hộ dân để tu bổ, khôi phục ngôi đình theo kiến trúc ban đầu. Đình Đông Thành hiện có khuôn viên nhỏ hơn ban đầu với tổng diện tích gần 460m2 và được phục dựng lại nét kiến trúc cổ với mặt bằng hình chữ “công”, gồm các hạng mục: Nghi môn, tòa bái đường, nhà thiêu hương, hậu cung. Mái đình lợp ngói ta, hai bên xây trụ cao, trên đắp hình con nghê. Phía sau nghi môn là một cây đa cổ thụ với bộ rễ lớn, tán cây tỏa rộng, quanh năm che mát cho đình Đông Thành. Ngoài ra, đình còn có sân vườn và một cửa hậu mở ra phía phố Hàng Bút.

Đình Đông Thành hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như cặp bia đá “Đông Thành bi ký” niên hiệu Minh Mạng và 8 tấm bia khác, trong đó có “Trùng tu Đình Vũ bi ký” dựng năm Canh Tuất (1850) và “Đông Thành thị thôn bi lục” dựng năm Thành Thái 17 (1906), văn bia niên hiệu Duy Tân 4 (1910); 9 đạo sắc phong của các triều đại vua Nguyễn cùng hoành phi, câu đối, ngai rồng, bài vị, nhang án, cửa võng. Ngoài ra, trong đình còn có nhiều đồ thờ cúng giá trị như bình thiên hương, chóe thời Nguyễn, 4 ngai thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, tượng Thổ thần, 2 tượng Hộ pháp, tượng Phật Thích Ca, 2 pho tượng thị nữ đứng chầu...

Đình Đông Thành còn là di tích cách mạng kháng chiến. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là nơi trung đội tự vệ chiến đấu khu Đông Thành đóng quân và là trạm cứu thương, trung chuyển thương binh của Liên khu I. Với những giá trị về văn hóa - lịch sử, năm 2014, đình Đông Thành đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Đông Thành