Loa truyền thanh ngày ấy

Phạm Kim Thanh| 30/04/2022 10:54

(HNMCT) - Ngày ấy, là những năm Hà Nội và cả miền Bắc sôi động với những phong trào xây dựng đời sống mới sau ngày Thủ đô giải phóng. Loa truyền thanh được mắc khắp các khối phố nội thành và các làng xã ngoại thành.

Loa phường từng gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Hà Nội.

Ngày ấy, đài vẫn còn là của hiếm, thông dụng nhất là cái “ga len” chạy bằng pin Con Thỏ mắc trong nhà, nhưng bà con thích ra chân cột điện nghe loa công cộng hơn, vừa nghe vừa rôm rả bàn luận tin tức. Nào là chuyện anh Ga-ga-rin bay vào vũ trụ, nào là quân dân miền Nam chiến thắng giòn giã ở Ấp Bắc...

Ngày ấy, cha tôi là Bí thư Chi đoàn phân xưởng Dệt. Cứ tan ca sáng là cha dắt tôi đi “hóng” tin tức hoặc đi học nhảy van ở địa điểm sinh hoạt của Khu đoàn Hai Bà Trưng, say sưa đến nỗi đến bữa cơm bà tôi phải ra gọi hai bố con về. Loa truyền thanh lúc bấy giờ thực sự đắc dụng trong đời sống tinh thần của mọi người. Từ lịch bầu cử, lịch khám nghĩa vụ quân sự, lịch tiêm chủng cho đến thông báo xem phim của đội chiếu bóng lưu động..., tuốt tuột đều có trên loa. Loa truyền thanh trở thành người bạn thân thiết của mọi người, mọi nhà. Loa gắn với cuộc sống hằng ngày, kể cả mỗi khi có gạo, mỳ sợi chở về quầy lương thực, “nhà loa” cũng thông báo ngay cho bà con biết. Ngoài tin tức thời sự hay thông báo của khu tập thể, loa truyền thanh ở đầu nhà A1 còn có mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Chú Tòng tấu hài, cô Lan "Nơ" đơn ca bài “Những ánh sao đêm”, giọng ngọt, trong vắt. Cho đến một ngày cuối hè năm 1965, khi loa báo tin đế quốc Mỹ “mở màn” cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất thì người dân chuyển dần sang cuộc sống thời chiến. Hầm cá nhân mọc chi chít trên hè phố. Loa truyền thanh phát đi phát lại nhiều lần, động viên, nhắc nhở nhân dân thực hiện quy định phòng không, sơ tán...

Những ngày sơ tán ở quê thật thanh bình. Năm 1969, tôi trở về Hà Nội học cấp 2, ấn tượng đầu tiên là những chiếc loa truyền thanh như người lính trung kiên vẫn bám trụ ở vị trí cũ. Dù Mỹ đã “xuống thang”, cam kết không đánh phá miền Bắc nhưng máy bay của chúng vẫn bay lén. Mỗi khi ấy, tiếng loa lại rền vang khu tập thể: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội...”. Vậy nhưng đám trẻ chúng tôi chả mấy khi chui ngay xuống căn hầm chữ A ẩm mốc mà còn mải nấp vào một góc, ngó lên trời xem “nó” có oanh tạc Hà Nội không. Giờ nghĩ lại, đúng là tuổi choai choai “điếc không sợ súng”.

Nhịp sống dần trở lại bình thường. Quầy căng tin thành cửa hàng bán rau quả, đối diện là cửa hàng thực phẩm cung cấp theo tem phiếu. Lớp mẫu giáo, nhà trẻ trong khu tập thể đông vui hơn trước. Đời sống còn nhiều khó khăn nhưng cả khu tập thể chứa hàng ngàn người vẫn sạch đẹp nhờ công “nhà loa” thường xuyên nhắc nhở giữ vệ sinh chung. Hấp dẫn nhất là những tối tụ tập ở chân cột điện nghe tường thuật bóng đá có đội Thể Công hay Công an Hà Nội thi đấu. Đủ mặt người hâm mộ. Mỗi khi các chú Hoàng Sơn, Đình Khải hô “Vào... ào... ào... ào...”, tim tôi như muốn bật khỏi lồng ngực.

Tôi vẫn nhớ như in buổi sáng 16-4-1972, cả Hà Nội sôi sục bởi hệ thống loa truyền thanh liên tục nhắc bà con nhanh chóng xuống hầm. Đế quốc Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Bọn “giặc trời” đánh phá Hải Phòng rồi nhảo lên Hà Nội. Hầm chữ A chật ních người. Tôi chạy đi chạy lại, thúc bọn trẻ lau nhau nhà cô Thìn, cô Oanh xuống hầm. Những ánh mắt nhoi nhói, khắc khoải trong ánh sáng nhờ nhờ. 30 phút dưới hầm mà dài như 3 năm. Nghe loa thông báo “máy bay địch đã bay xa”, mọi người thở phào, rục rịch ra khỏi hầm, mạng nhện bám đầy tóc. 

Ngay chiều hôm ấy, lớp 6B trường Ngô Quyền chúng tôi “tan đàn xẻ nghé”, đến đầu tháng 1-1973 mới gặp lại. Một chiều “nhảy” tàu điện đi “bát phố”, tôi nghe tiếng loa tuyên truyền chiến thắng lịch sử 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” và giọng phát thanh viên đọc bài thơ “Việt Nam máu và hoa” đầy xúc động, tự hào. Về tới nhà đã thấy “nhà loa” nhắc nhở bà con tổng vệ sinh, dọn bể nước và sân nhà tập thể, tin hay nhất là thông báo ai đăng ký luộc bánh chưng ở tổ phục vụ thì sang D3 gặp cô Hồng...

Mùa xuân 1975, theo bước chân các chiến sĩ tiến vào giải phóng Sài Gòn, “nhà loa” làm việc hết công suất, phát tin cả sáng, trưa, chiều, tối. Những gương mặt rạng rỡ niềm vui, mắt lấp lánh ánh cười... Trưa 30-4, một cảnh tượng đặc biệt chưa từng thấy: Ô tô, xe đạp, xích lô tấp sát vỉa hè nghe tin chiến thắng. Trẻ con vui sướng trèo cả lên cây nghe loa. Không ai bảo ai, tất cả cùng nhau hát vang “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Tôi đạp xe như bay lên trung tâm, lượn quanh Hồ Gươm một vòng. Buổi chiều, xe cổ động và đội múa lân đã rộn ràng khắp các đường phố. Mẹ tôi kể: Lúc nghe tin Sài Gòn giải phóng, mọi người mang cả thùng phuy và thoi suốt ra gõ tưng bừng trước cửa nhà máy. 

Đêm 30-4, cả thành phố không ngủ. Cờ, áp phích, băng rôn, tiếng hát, tiếng loa truyền thanh..., tất cả như hòa thành men say cuốn chúng tôi đi trong dòng người hối hả, vui sướng, tự hào...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loa truyền thanh ngày ấy