Phiên chợ Bưởi - một nét văn hóa của Hà Nội

Thu Hằng - Ảnh: Ngô Tuấn, Hùng Việt| 17/04/2022 10:35

(NSHN) - Hà Nội đô thị hóa quá nhanh nhưng các phiên chợ đậm chất thôn quê như chợ Bưởi vẫn được gìn giữ giữa lòng Hà Nội như một nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Gốc đề cổ thụ ở góc đường Thụy Khuê - Lạc Long Quân.

“Chợ Bưởi một tháng sáu phiên.
Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng” 

(ca dao)

Sáng mùng 9 tháng Ba âm lịch, chị Bích Ngọc ở Thanh Xuân (Hà Nội) đưa cậu con học lớp 5 ghé qua chợ Bưởi để mua một con mèo và ít cá cảnh. Chị bảo: “Đến với những phiên chợ đặc biệt này, người đi chợ không chỉ được thỏa mãn nhu cầu mua sắm theo sở thích của mình mà còn được nhìn, ngắm và cảm nhận không khí phiên chợ giống như một phiên chợ nông thôn ở quê nhà. Tôi cũng muốn con được trải nghiệm thêm nhiều vốn quý của cuộc sống”. Cũng như chị Bích Ngọc, nhiều người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn coi việc đi chợ Bưởi như một thú vui. Người ta đến chợ để mua bán nhưng cũng có thể chỉ để dạo chơi, để được sống với ký ức và cũng có thể chỉ là ngắm cảnh vì thích một phiên chợ dân dã giữa nhịp sống đô thị hiện đại.

Chợ Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi (nay thuộc quận Tây Hồ) là một trong những chợ cổ nhất Hà Nội còn duy trì hình thức họp chợ phiên. Cứ tới các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch, dân các khu vực lân cận lại kéo về chợ Bưởi bán cây, con giống, vật dụng nông nghiệp, sản vật làng nghề... Chợ họp ở phía ngã ba đường Lạc Long quân - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê bây giờ. Bất kể trời mưa hay nắng, cứ đến phiên chợ, người mua và bán đều rất nhộn nhịp. Gốc đề cổ thụ ở góc đường Thụy Khuê - Lạc Long Quân là nhân chứng cho những phiên chợ đặc biệt ấy. Theo lời những người ở đây kể lại, xưa gốc cây này là nơi cột trâu, bò, nhất là phiên chợ đại gia súc cuối năm, trâu, bò được cột thành từng đàn cho người mua lựa chọn, dù làm thịt ăn Tết hay mua nuôi cũng sẽ gặp nhiều may mắn trong phiên chợ cuối năm này.

Ông Phạm Nuôi, 73 tuổi, sống ở quận Ba Đình cho biết, thời bao cấp, ngày thường chỉ lác đác mua bán nhưng tới ngày phiên thì cả con phố này đông nghịt người từ 3-4h sáng cho đến trưa. “Thời xưa, hàng hóa không nhiều nên định mua gì là phải chờ đến phiên chợ mới mua được và người ta đều cố gắng đi sớm để mua kẻo hết”. Từ khi đất nước đổi mới, hàng hóa tại chợ Bưởi ngày càng phong phú hơn, từ các loại cây cảnh như phong lan, trà các loại, hoa giấy, hoa hồng, vạn tuế, sanh, si, bách tán… đến chim họa mi, khiếu, sáo đen, bạc má… cá chọi, cá vàng, cá kiếm, cá long… đáp ứng mọi thú chơi tao nhã của người Thủ đô.

Là người yêu chim thú và cây cảnh nên ông Nuôi thường đi chợ để mua chó mèo và lựa được những cây giống về tự chăm sóc. Đây cũng là thú chơi của nhiều người khi đến các chợ phiên như vậy. “Mặc dù thời gian, các phiên chợ không còn giữ được quy mô như trước, nhưng trong suy nghĩ của tôi phiên chợ Bưởi vẫn giữ được nét mộc mạc chân quê”, ông Nuôi chia sẻ.

Ngày nay, chợ Bưởi đã được xây dựng khang trang, hiện đại nhưng riêng phiên chợ vẫn được duy trì bằng cách quy hoạch một khu vực riêng để người dân có cơ hội mua bán cây, con giống. Vào các ngày phiên, cứ tầm 6h sáng là người ta rục rịch mang hàng đến bày và những ai có nhu cầu mua cây cảnh, hạt giống rau, chó, mèo, chim... vẫn tìm đến nơi này. Không chỉ bày bán trong chợ Bưởi, người bán còn bán hàng tràn ra dọc tuyến phố Hoàng Hoa Thám. Trên con phố nhỏ hẹp này hiện có hơn 30 cửa hàng bán hoa, cây cảnh, xen kẽ là những cửa hàng bán thú cưng, cá cảnh, chim cảnh đủ loại. Hàng bán chậu cảnh, hòn non bộ, gỗ lũa nghệ thuật… cũng rất nhiều. Hàng bày la liệt trên vỉa hè lại thêm người bán cây cảnh rong đi dạo cùng với xe cộ qua lại nên rất chật chội.

Người Hà Nội ngày nay đã quen với nhiều loại hình chợ mới, nhưng phiên chợ Bưởi vẫn mang một nét văn hóa đặc sắc riêng. Điều mà chị Bích Ngọc, ông Phạm Nuôi và người người mong muốn là không gian chợ sinh vật cảnh dọc tuyến phố Hoàng Hoa Thám cần được sắp xếp lại sao cho thuận tiện mua bán, bảo đảm an toàn giao thông mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên chợ Bưởi - một nét văn hóa của Hà Nội