Cổng làng tôi

Nguyễn Văn Công| 17/04/2022 05:28

(HNMCT) - Cổng làng là một mảnh ghép văn hóa tạo nên không gian làng quê Bắc Bộ xưa. Đến nay, nhiều làng vẫn giữ được cổng làng cổ mà mỗi khi bước qua cổng, ai cũng thấy nôn nao, nhớ nhung như chính cổng nhà mình.

Cổng chính làng Quất Tỉnh.

Quê ngoại tôi ở làng Quất Tỉnh (xã Quất Động, huyện Thường Tín), tuổi thơ tôi gắn bó với ông bà ngoại và bây giờ tôi lại sống tại ngôi làng nhỏ ven quốc lộ 1A này. Bao năm qua đi, hàng trăm ngôi nhà gác đã được dựng lên để thay thế cho nhà mái dột nát, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, ao hồ bị lấp, duy chỉ có cổng làng vẫn còn nguyên dáng hình đó.

Làng tôi nhỏ nhưng cổ kính. Không rõ làng lập từ thời nào, chỉ biết rằng đình làng thờ Thành hoàng làng Đào Văn Lôi, một nhân vật lịch sử thời Lý. Đình có hai đạo sắc phong cổ từ thời Tây Sơn niên đại Quang Trung (1792) và Cảnh Thịnh năm thứ nhất (1793). Làng còn có nghề thêu ren truyền thống đã vài trăm năm...

Cổng làng tôi được dựng năm 1931. Cổng được xây bằng gạch chỉ đỏ, vôi vữa và cát thôi nhưng không biết bằng cách nào các cụ ngày xưa xây được kiên cố như vậy, từ đó đến nay chưa lần nào phải gia cố.

Cổng làng tôi được dựng theo lối truyền thống, chỉ có một lối đi vào được bởi hai cửa bên là cửa giả. Như nhiều làng khác, lối đi chính giữa cổng các cụ để rộng 2m vì ngày xưa, người dân thường dùng xe thồ có đôi sọt hai bên rộng chừng đó. Phía trên cổng có hình mái vòm, tính từ mặt đất lên cao khoảng 2,5m, trên tầng hai là gác mái lợp ngói vảy cá, bốn đầu góc uốn cong, đắp nổi tứ linh trông rất giống với cổng làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai).

Ngày xưa, việc xây cổng làng quan trọng như xây cổng nhà của mỗi gia đình, bởi mạch văn hóa truyền thống nhà - làng - nước ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt. Cổng làng thường được xây dựng chắc chắn, thậm chí có cả chỗ cho người trực canh phòng. Vậy nên, cổng làng tôi tuy được xây vào những năm nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, chế độ phong kiến đến thời mạt vận nhưng vẫn được dựng kiên cố và theo quy thức kiến trúc cổ chứ không xây tạm bợ, qua loa. Rất nhiều nhà ngày đó còn trát vách đất hoặc dựng bằng tre nứa nhưng họ vẫn cố gắng đóng góp gạch hoặc ngày công lao động để dựng cổng, việc làng cũng chẳng khác nào việc nhà.

Tuy nhiên, cổng làng tôi lại có điểm khác các cổng làng khác, đó là trên cổng làng không đề tên làng mà đề ba chữ “Đông Lý Môn”, cổng hướng về phía đông. Còn cổng sau ở cuối làng đề ba chữ “Ấp Tây Môn”, hướng về phía tây...

Ở lưng chừng cổng có một dấu tích của sự va chạm, tường gạch bị sứt mất một mảng, câu đối bị bong tróc, tuy nhiên, đó chính là minh chứng lịch sử quý giá. Ông Nguyễn Trọng Đắc (84 tuổi), người sinh ra và lớn lên tại thôn Quất Tỉnh kể cho tôi nghe rằng, vết va chạm đó là do một lần xe tăng của thực dân Pháp về làng truy bắt thanh niên đi lính. Do cổng làng nhỏ quá, tên lái xe lại không căn được lối vào nên đã va phải. Cuối cùng, chúng phải để xe tăng ngoài cổng rồi chạy bộ vào lùng bắt người. Cũng nhờ “sự cố” này mà không ít thanh niên đã có thời gian chạy trốn, ẩn nấp và không bị chúng bắt.

Ông Đắc còn kể rằng, ngày xưa, hễ có ai đi xa thì gia đình thường tiễn ra đến tận cổng làng, qua cổng làng mới chính thức là đi; mỗi khi ai đi xa về mà báo tin trước thì sẽ có người thân đứng ở cổng làng chờ sẵn. Không nói gì ngày xưa, mà ngay cả bây giờ, mỗi lần tôi qua cổng làng mới thấy mình đã đi ra khỏi nhà, và khi trở về, nhìn thấy cổng làng nghĩa là đã về đến nhà, chào hỏi hàng xóm láng giềng, gặp những nụ cười quen thuộc.

Ngày xưa, khu vực phía ngoài cổng không có nhà ở, chỉ là những bãi đất trống, một phần vì ở ngoài đó ồn ã âm thanh từ đường giao thông, một phần vì ai cũng muốn ở bên trong cổng làng, nơi cho cảm giác được bảo vệ, chở che. Bây giờ, nhiều gia đình lại muốn ra mặt đường để tiện kinh doanh. Nhà mọc lên san sát, ken vào từng chỗ đất hở khiến cổng làng lọt thỏm trong đó.

Kinh tế - xã hội phát triển chóng mặt, cổng làng tôi vẫn “đứng vững” ở vị trí ban đầu. Đã có không ít người muốn phá cổng làng đi vì cổng hẹp, ô tô rất khó vào làng. Ô tô nhỏ cũng phải lách khéo, nếu không sẽ bị va quệt. Nhiều người muốn ô tô vào tận cửa nhà và cổng làng bỗng dưng trở thành vật cản.

Theo các cụ cao niên, cổng làng Quất Tỉnh sẽ tồn tại như một biểu tượng văn hóa. Trong tương lai, cổng làng tôi còn đứng vững được hay không còn trông chờ vào tư duy của thế hệ trẻ, sự cân nhắc giữa được và mất, xưa cũ và hiện đại, văn hóa và hội nhập...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổng làng tôi