Mái trường tuổi thơ tôi

Nguyễn Năng Lực| 10/04/2022 05:38

(HNMCT) - Năm lớp 1 (1959 - 1960), tôi học trường Đồng Nhân, gần Nhà hộ sinh B ở phố Lò Đúc, nơi mà người Hà Nội cũ thường gọi là “cây đa Nhà bò”. Lớp tôi học nhờ ở đền Đồng Nhân, gần "chợ trời". Sân đền có “cụ” rùa đá cụt mõm, bọn trẻ hay trèo lên lưng “cụ” chơi. Chủ nhiệm lớp là cô giáo Thanh, nhà ở trong một biệt thự trên phố Lò Đúc. Cô Thanh rất xinh, có cô con gái rất đáng yêu. Mỗi khi chúng tôi đến nhà chơi, em thường đòi tôi cõng, cười như nắc nẻ...

Học trò Hà Nội xưa. Ảnh: Tư liệu

Năm lớp 2, tôi chuyển về học tại trường Lương Yên, nơi từng đón Bác Hồ về thăm lớp “Bình dân học vụ” (ngày 27-5-1956). Ban đầu trường là những dãy nhà lá, đến năm 1963 được xây cao tầng. Gác trường là ông Chén, nghe nói từng đi lính “khố đỏ”, người cao to, rất có uy. Ông có mấy đứa con đều mang tên một thức đựng như Bát, Đĩa, Ấm, Cốc...

Chủ nhiệm lớp tôi là thầy Bùi Thế Vinh dạy môn sinh vật. Ngày đầu thầy đến lớp, vừa mở cửa bước vào đã thấy thằng Nguyên đứng chặn đường. Nó giả vờ lễ phép: “Em chào thầy ạ. Em có cái này tặng thầy” rồi chìa con rắn nước giấu sau lưng ra. Sau một thoáng ngỡ ngàng, thầy nghiêm nghị bảo: “Thầy chào em! Mời em về chỗ”. Nguyên tẽn tò về chỗ ngồi. Bằng tình cảm yêu thương, thầy đã xây dựng lớp chúng tôi thành lớp tiên tiến, có nhiều học sinh giỏi cấp thành phố.

Học sinh ngày ấy được học khá toàn diện. Chúng tôi biết cách giơ thước kẻ lên đo tỷ lệ để vẽ, biết tô đậm nhạt tạo hình khối; biết ký xướng âm, phân biệt nhịp điệu 2/4, 3/4; biết thế nào là xuất phát cao thấp, nhảy cắt kéo... Có giờ văn, cô giáo giảng về thể thơ lục bát rồi yêu cầu học sinh thực hành luôn. Thằng Châu, chúa hay nghịch ngầm, giơ tay: "Em thưa cô! Dưa chuột chấm muối giòn tan. Ăn vào đau bụng kêu ran xóm làng". Cả lớp cười thích thú. Cô giáo khen Châu gieo vần đúng, nội dung tốt, khuyên mọi người ăn uống hợp vệ sinh.

Ngày ấy mỗi học sinh có một cuốn sổ ghi chép những việc tốt và chưa tốt đã làm trong ngày. Có lần tôi viết việc chưa tốt là "ăn vụng đường", được thầy Vinh khen là trung thực. Cũng có lần tôi bị thầy nghiêm khắc uốn nắn vì tội đưa quyển vở cho thầy bằng một tay.

Ngoài chương trình chính khóa, học sinh hay được tham gia các hoạt động ngoại khóa. Có lần bọn lớp 5 chúng tôi về ngoại thành giúp nông dân thu hoạch hoa màu và làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, được sinh hoạt tập thể. Đó cũng là lần đầu tôi được ăn món bắp cải cuốn thịt sốt cà chua, ngon ơi là ngon! Món ấy do cô giáo Oanh dạy Nga văn làm. Cô Oanh rất xinh, nhà ở phố Bà Triệu. Tôi được cô chọn đi thi học sinh giỏi môn Nga văn toàn thành phố. 

Tháng 2-1965, tôi được tham gia đoàn đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ Thủ đô vào Phủ Chủ tịch nhân dịp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Cosygin sang thăm Việt Nam. Hôm ấy tôi được ở gần Bác Hồ, nhìn rõ những đốm đồi mồi trên má, trên tay Người, được nghe Người nói chuyện. Và tôi cũng nhớ mãi lần được đến trường Trưng Vương thăm phòng trưng bày kỷ vật của anh Nguyễn Bá Hùng. Anh Hùng là học sinh lớp 7 đã hy sinh thân mình để cứu bạn trong dòng nước xoáy sông Hồng mùa lũ, là tấm gương cho học sinh Hà Nội và cả nước học tập.

Để gây quỹ, lớp tôi nuôi một chú ỉn trong cái chuồng quây bằng mấy thanh gỗ, lợp lá cọ ở ngay sườn đê, chỗ khu Đầm Trấu bây giờ, thế mà chẳng bị mất trộm. Đến lượt bạn nào trực nhật thì mang thức ăn ra cho “Trư Bát Giới” ăn. Có bạn còn nấu cả nồi cháo ngon cho lợn. Hôm đưa đi dự thi kết quả chăn nuôi gây quỹ giữa các trường khu phố Hai Bà Trưng, đám con trai trong lớp buộc dây thừng, dong lợn đi suốt từ Đầm Trấu về trường Đồng Nhân. Dọc đường chú lợn cứ ủn ỉn đi trước, chúng tôi đi sau, khoái chí lắm.

Ngay cạnh trường Lương Yên là sân bóng đá, thỉnh thoảng buổi tối trở thành bãi chiếu phim. Đội bóng đá trường Lương Yên ngày ấy nổi danh thành phố và có một học sinh được cả trường biết đến vì nhảy cao quá đầu mình. 

Do ở gần sông nên bọn trẻ hay ra sông bơi. Nhiều đứa bơi rất giỏi, có thể vớt củi rều về cho bố mẹ đun bếp. Sông Hồng bình thường nước đã chảy khá xiết, mùa lũ thì thật hung dữ, đỏ ngầu phù sa. Tôi cũng hai lần suýt chết đuối. Nhiều đứa không biết học ở đâu kiểu vừa bơi vừa hớp nước vào miệng rồi phun ra. Có lần thằng Cử hớp phải... cục phân nổi lềnh bềnh, làm cu cậu tối tăm mặt mũi, phun ra không kịp.

Lứa chúng tôi cũng là những người đầu tiên khai trương bể bơi Tăng Bạt Hổ. Có lần ông bảo vệ Phan Sang tóm được mấy thằng nhòm trộm phòng thay đồ của nữ qua lỗ đinh trên tấm tôn ngăn. Bọn này bị ông nhốt mấy tiếng, khóc khóc mếu mếu. Ngày ấy đứa nào cũng sắm một cái quần bơi cài cúc một bên, vừa đi vừa đội cái quần bơi trên đầu như mũ phi công, nom rất sành điệu.

Thầy Bùi Thế Vinh sau khi nghỉ hưu có thời gian giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội. Chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên hệ với thầy. Người học sinh nhảy cao quá đầu chính là anh Hoàng Vĩnh Giang - cựu kỷ lục gia nhảy cao quốc gia, sau này là Anh hùng Lao động, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á, Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á - một yếu nhân của ngành Thể thao nước nhà. Nhìn chung, mặc dù ngày ấy bộn bề khó khăn nhưng lứa học trò thế hệ chúng tôi may mắn được sống trong môi trường giáo dục trong lành, nhờ thế phần lớn đều nên người. Trường Lương Yên bây giờ có cơ ngơi khang trang, nhiều năm liền là “Trường tiên tiến xuất sắc”.

Những kỷ niệm về mái trường và tuổi thơ đã theo tôi suốt đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mái trường tuổi thơ tôi