Đền Động Hoa

Khánh Vi| 24/02/2022 12:22

(HNMCT) - Nằm trên đất làng Yên Thôn (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất), chỉ cách trung tâm Hà Nội 18km về phía Tây, đền Động Hoa là di tích có kiến trúc độc đáo và còn gìn giữ được nhiều nét cổ kính. Do trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nên phong cách kiến trúc cùng hệ thống bài trí và các mảng chạm hoa văn hiện nay tại đền Động Hoa mang dấu ấn phong cách đặc trưng thời Nguyễn.

Đền Động Hoa nằm trên mảnh đất có địa thế hình cá chép, xung quanh là mặt nước, bên trái là một cái ao lớn, trước mặt và bên phải là dòng nước tự nhiên chảy từ đồng Bùi đổ về sông Tích. Trước cửa đền là cây cầu được xây theo kiểu “thượng gia, hạ kiều” với dáng khum khum. Đền gồm các hạng mục chính tòa đại bái, hậu cung, nhà Mẫu, nhà thờ thần bản thổ... Đặc biệt, các khu nhà được thiết kế theo kiểu nhà bán mái hiếm thấy ở các nơi khác.

Đại bái đền được thiết kế kiểu 3 gian, 2 đầu hồi xây kiểu bít đốc, mái chảy và lợp ngói mũi hài cổ. Các bờ nóc, bờ giải được trang trí hoa văn kiểu hoa chanh rỗng. Trên nóc đắp đôi rồng chầu nhật. Hai đầu bờ nóc là hai con kìm. Hai bờ giải có các khung bảng giật cấp, phía ngoài là trụ biểu nhỏ, từ trên xuống đắp hình rồng cuốn thủy và hồ lô. 

Trong nhà đại bái có tường dọc ở giữa để đỡ nóc. Mái trước được kéo từ nóc xuống, mái sau bám vào lưng chừng tường dọc, ngang với xà mái trước, tạo thành hai bán mái so le. Hai đầu đại bái là hai hành lang bán mái bấu vào tường hồi, kéo dài năm gian nối với hậu cung. Hậu cung được xây kiểu chồng diêm hai tầng sáu mái, phía sau xây bít đốc. Tầng trên (phía trước) là mái đao cong; tầng dưới bán mái phía trước kéo sang hai bên làm thành trung điện và hiên cho hậu cung. Hậu cung là nơi thờ Ngọc hoàng Thượng đế, Khổng Tử, Thái Thượng Lão Quân, Tản Viên Sơn thánh và Đức thánh Trần. Ngang hàng với tòa hậu cung bên phải là nhà thờ mẫu, bên trái là nhà thờ thần bản thổ đều được thiết kế theo kiểu chữ đinh.

Kỳ xuân thu nhị tế mỗi năm tại đền Động Hoa diễn ra vào hai ngày 20 tháng Hai và 20 tháng Tám (âm lịch) với nghi thức tế thần. Trước đây, khi còn ruộng đền, người được giao cấy sẽ trích kinh phí từ nguồn hoa lợi để làm tiệc mặn mời những người tham gia. Sau này, do không còn ruộng nên lễ vật chỉ là lễ chay, oản quả... Nhưng các nghi lễ tại đền Động Hoa vẫn được người làng giữ gìn và duy trì đến ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Động Hoa