Bánh chưng một thời

Phạm Kim Thanh| 29/01/2022 14:38

(HNMCT) - Người thành phố bây giờ luộc bánh chưng Tết bằng bếp ga, bếp từ hay mua sẵn ở siêu thị hoặc một số địa chỉ có tiếng “bánh ngon”, may thì được bánh rền, không may thì bị hấy một góc, thậm chí bị sống, sượng. Lớp trẻ 8x, 9x vui vui cho qua, nhưng lớp già 5x, 6x chúng tôi thì thật áy náy, đành lọm cọm cho bánh vào nồi luộc lại. Và khi ấy, ký ức một thời gian khó lại hiện lên như mới hôm qua.

Thời ấy, lũ trẻ "tóc túm đuôi gà" chúng tôi qua rằm tháng Chạp đã phải đi xếp hàng mua lương thực, thực phẩm theo tiêu chuẩn phân phối. Mua mứt Tết, thuốc lá Điện Biên bao bạc, dây pháo đỏ Bình Đà... đều phải xếp hàng rồng rắn ở cửa hàng bách hóa. Hôm nào có cá đồng về chợ Mơ thì chen nhau ở quầy thực phẩm đến "bẹp ruột" mới mua được cân cá trôi, mang về cho mẹ làm nồi cá kho ăn Tết. Bù lại, chúng tôi được dịp tung tăng chơi chợ, ngắm nghía hàng hóa ngày áp Tết đến no mắt.

Chợ Mơ ngày ấy là chợ lớn ở phía đông nam thành phố, tựa như chợ đầu mối bây giờ. Ngoài các quầy hàng thực phẩm của mậu dịch quốc doanh, chợ có nhiều mặt hàng của Hà Nội phố - Hà Nội làng. Rượu Mơ nút lá chuối, đậu Mơ trắng ngà bày trên mẹt tre. Bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang, rắc hành phi vàng rộm, trông thật hấp dẫn. Đến hàng cá cảnh ngắm các chú thần tiên, cá kiếm, cá vàng, hắc mô ni... bơi tung tăng có lẽ là niềm vui thích nhất của các cô cậu học trò lúc ấy. Nhưng số tiền trong túi áo bông không dư dả nên dẫu có thèm thuồng cũng đành chịu, bấm bụng đi mua lạt rồi sang cửa hàng rau xanh mua lá dong để mẹ gói bánh chưng.

Ngày 28 Tết, mẹ vo gạo nếp, đồ đỗ, thái thịt ướp với hạt tiêu và nước mắm loại 1 mua theo tem phiếu. Những ngày này, quanh vòi nước công cộng đầu dãy nhà tập thể luôn rộn rã cảnh các mẹ, các chị đãi đỗ. Lũ trẻ chúng tôi có nhiệm vụ rửa lá dong. Phải dùng khăn bông rửa kỹ cả hai mặt lá cho thật sạch thì qua ba ngày Tết vỏ bánh mới không bị mốc. Mẹ nhờ bác hàng xóm khéo tay gói bánh hộ. Lũ trẻ chầu xung quanh, xem bác đong gạo, đổ đỗ, xếp thịt, gấp lá vuông vắn, buộc lạt..., tất cả được thực hiện một cách chuẩn xác, điệu nghệ. Và cuối cùng, nếu còn thừa đỗ, mỗi đứa sẽ được bác chia cho một nắm nhỏ như quả nhót, ôi chao là thơm, bùi tận ruột...

Đến khâu luộc bánh, không có gộc tre và cành rào như ở quê nên mỗi nhà một kiểu. Nhà thì chung nhau luộc bánh trong chiếc nồi quân dụng to đùng mượn được ở đâu đó, củi thì lấy từ vài đồ gỗ cũ trong nhà đã bị mối mọt, không cố dùng được nữa. Có nhà lại mang ra tổ phục vụ của khu tập thể. Lò than luộc bánh rực cháy cả ngày lẫn đêm. Sáng hôm sau, chúng tôi chầu quanh cái rổ sề to đùng để nhận bánh theo lối đánh số. Hơi nóng từ chảo bánh đang sôi sùng sục hòa với hơi bánh mới vớt lan tỏa mù mịt, thơm ngào ngạt! Tôi lễ mễ mang ba đôi bánh về nhà, vui sướng khôn tả. Nhà nào cũng cố gắng có cây giò xào (giò thủ), nồi thịt đông, vại dưa hành. Và nhất định không thể thiếu hoa tươi. Lọ hoa đủ các màu sắc: Vài bông lay ơn, thược dược, dăm bông đồng tiền đỏ tươi, thêm cành violet tím lịm mua trước cửa chợ Mơ.

Đêm giao thừa Tết Quý Sửu 1973, Hồ Gươm rực rỡ ánh điện lung linh. Dòng người đi đón giao thừa, hái lộc, đông vui. Nét mặt ai cũng thư thái, rạng ngời! Sau cái Tết hòa bình đầu tiên kỳ diệu ấy, cuộc sống ngày càng gian khó hơn. Có cái Tết, một số nhà truyền tai nhau luộc bánh chưng bằng nồi áp suất Liên Xô cũng rền, ngon như luộc bằng than quả bàng của tổ phục vụ. Mà ngày ấy nhà nào có nồi áp suất, quạt Orbita của Liên Xô là oách lắm. Mẹ tôi làm tăng ca theo kế hoạch ba, lại nhận thêm sợi thô về cho tôi đan găng tay bảo hộ lao động. Dành dụm cả năm rồi mẹ cũng tậu được nồi áp suất. Tôi hớn hở ra chợ Mơ mua khuôn gói bánh loại nhỏ, không cần gói tay nữa. Khi gói xếp lá dong vào khuôn, đổ gạo nếp, đỗ xanh đã đồ chín, xếp thịt, rồi lại tiếp lượt đỗ, gạo, lèn chặt, buộc lạt, nhấc khuôn ra, sẽ có chiếc bánh chưng vuông vắn. Tôi xung phong gói bánh theo khuôn. Lòng nồi áp suất xếp được hai đôi bánh. Chỉ cần hai mẻ luộc là đủ bánh ăn Tết. Chăm chú điều chỉnh lửa bếp dầu Thăng Long, sau năm giờ luộc theo kiểu “hiện đại”, để van áp suất hoạt động, mẻ đầu tiên chỉ được hai chiếc vuông vắn, còn hai chiếc bị rách lá ở góc bánh. Tôi xịu mặt, buồn thiu. Mẻ sau, lại chăm chăm nhòm bếp điều chỉnh lửa, thời gian đun dài hơn, quả là được cả hai đôi bánh vuông vức. Xong việc luộc bánh chưng, thở phào, coi như xong nhiệm vụ chính để đón Tết.

Ba mươi Tết, sau lễ cúng tất niên, cả nhà quây quần quanh mâm cơm. Bánh chưng thật rền ăn với thịt đông, hành muối, giò xào, dưa góp. Không lo nỗi bánh chưng “rởm” như bây giờ, luộc bằng gas mà chỉ vài hôm đã chảy nước.

Chỉ giản dị vậy thôi mà miếng bánh chưng của cái thời gian khó ấy thơm ngon mãi trong ký ức về một thời người Hà Nội muôn nỗi lo toan nhưng tràn đầy tình thân ái, đùm bọc, sẻ chia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bánh chưng một thời