Trò diễn dân gian trong hội làng Thăng Long - Hà Nội

PGS.TS Đỗ Thị Hảo| 01/02/2022 16:54

(HNMCT) - Tuy là kinh đô xưa và Thủ đô của cả nước hôm nay, song Hà Nội vừa có phố phường, vừa có xóm làng đan xen, tạo nên một không gian làng trong phố, phố trong làng. Và cứ mỗi độ Tết đến xuân về, từ những phố phường Hà Nội tới những thôn làng lại tưng bừng tiếng trống hội rộn ràng khiến từ người già đến con trẻ đều thấy náo nức trong lòng.

Hội thổi cơm thi làng Thị Cấm (Xuân Phương, Nam Từ Liêm). Ảnh: Minh Khánh.

Trong hội làng, nếu như “lễ” là những nghi thức có tính quy chuẩn diễn ra ở chốn đình trung thì “hội” lại là sinh hoạt dân dã phóng khoáng trên sân bãi để dân làng bình đẳng tham gia với hàng loạt trò chơi, trò diễn... Đi hội là để vui chơi thỏa thích, ở hội không có sự ràng buộc bởi lễ nghi tôn giáo, đẳng cấp hay tuổi tác. Sau những tháng ngày vất vả gieo trồng, cấy hái cả năm dân làng chờ đến ngày hội với niềm háo hức lạ thường. Họ đến với hội trên tinh thần cộng đồng cộng cảm hồ hởi và sảng khoái.

Ngoài việc vui chơi, giải trí, gặp gỡ bạn bè, người thân..., mọi người đều có niềm tin sẽ nhận được một cái gì đó vô cùng linh thiêng mà không ai có thể nhận thay được, đó là “phước may”, là “lộc thánh”, “lộc thần”. Chính vì vậy hội rất đông, rất nhộn nhịp và vô cùng náo nhiệt. Có điều, tuy ồn ào náo nhiệt, tuy chen vai sát cánh nhau nhưng hội làng xưa không có chuyện dẫm đạp lên nhau hay chen lấn xô bồ. Mọi người đến hội vui nhưng không hỗn loạn, náo nhiệt mà vẫn trang nghiêm. Xưa kia và cả hôm nay hội làng vẫn là một sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt tinh thần nhằm thỏa mãn đời sống vật chất cũng như tâm linh của mọi tầng lớp trong xã hội.

Từ bao đời nay, hội vẫn là của dân, do toàn dân tham gia. Người dân vừa là người tổ chức, đồng thời cũng là diễn viên, là khán giả. Vậy rõ ràng dân chúng bao giờ cũng là chủ thể của lễ hội, các tỉnh, thành trong cả nước đều như thế và Thăng Long - Hà Nội cũng như thế. Có thể nói cái cốt lõi tạo nên nội dung của hội làng, tạo nên không khí “hội hè” là những trò chơi, trò diễn dân gian.

Thăng Long - Hà Nội với bề dày hơn ngàn năm tuổi, hằng năm diễn ra biết bao lễ hội với những trò diễn vô cùng đa dạng và phong phú. Đó là những trò diễn phản ánh cuộc sống lao động của người dân. Hãy đến với hội làng Cư An xã Tam Đồng huyện Mê Linh với trò diễn "Canh nông”. Làng Cư An thờ Vua Bà Trưng Nhị và vị tướng tài của Đinh Bộ Lĩnh là Phạm Huyền Thông. Hằng năm cứ vào mùng sáu tháng Giêng là chính hội, xóm làng lại rộn rã với trò diễn “Canh nông”. Trước hội một ngày, từ sáng sớm mùng năm trai làng đã lấy cây xoan để dựng chóp. Đỉnh cây chóp buộc 200 bông lúa tượng trưng cho việc mở cửa đình đón lúa về. Sáng sớm mùng sáu trò diễn bắt đầu. Một người đóng giả ông Sấm đánh tiếng, ông Sét gõ lệnh, ông Mưa cầm thùng, 2 chàng trai cởi trần đội đầu trâu và 2 lão nông làm thợ cày. Họ vừa đi vừa làm những động tác đồng áng, cày bừa, vừa đối đáp nhau bằng những câu văn vần. Bỗng có tiếng nói vang lên: “Thôi hay bây giờ đã trưa, cơn mưa đã đến, anh em ra về!”. Thế là tiếng trống rộn rã, tiếng reo hò cổ vũ vang động cả một vùng trời, nhất là khi mọi người bị té nước (giả làm mưa), bị trượt ngã, bị lệch đường cày... không khí càng trở nên sôi động, náo nhiệt. Kết thúc trò diễn, lão nông và 2 chàng “trâu” vào làm lễ tạ thánh tại đình. Trò diễn “Canh nông” ở Cư An thể hiện ước vọng cầu mưa, cầu mùa màng tốt tươi, cầu thần lúa và cầu thần Thành hoàng ngày đầu xuân phù hộ cho dân làng được nhân khang vật thịnh. Những trò diễn phản ánh sinh hoạt của “nhà nông” ở các làng xã Thăng Long - Hà Nội vô cùng đa dạng, khó mà kể hết, như là thả 49 viên bánh trôi xuống nước ở hội Hát Môn để cầu mưa, hay trò thả diều ở Bá Giang (Đan Phượng) để cầu tạnh...

Đặc biệt, trong hội làng Hà Nội những trò diễn tái hiện công tích của các Thành hoàng là sinh động nhất. Để tưởng nhớ những chiến công hiển hách thắng giặc phương Bắc xâm lược, nhiều làng xã có trò diễn “Thủy chiến cửa đình” như làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên), làng Cống Xuyên (xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín)..., đặc biệt trò thủy chiến của đình làng Khê Hồi xã Hà Hồi, huyện Thường Tín được tổ chức quy mô, hoành tráng. Cứ đến rằm tháng Ba âm lịch hằng năm, trong khí xuân ấm áp dân làng Khê Hồi lại tất bật đi gom những thân cây chuối đã cắt buồng rồi ghép thành 6 cái bè - tượng trưng cho 6 chiếc thuyền. Trên mỗi bè ở giữa là bù nhìn có cắm cờ hiệu bên ta bên giặc. Mỗi bè có một viên chủ tướng mặc giáp trụ đeo mặt nạ cầm binh khí là thanh đại đao bằng gỗ sơn, chùy đồng hay trượng thương, và 6 chiến binh chít khăn đầu rìu (hai màu xanh đỏ khác nhau) cởi trần mặc quần lửng chét ống. Đội bè được chia làm đôi, khi chưa xung trận các tráng đinh là những tay chèo, còn khi vào trận hai bên tìm mọi cách xô đẩy nhau sao cho chủ tướng đối phương bị rơi xuống nước. Bên nào hoàn thành nhanh bè bên đó thắng cuộc. Trò diễn “Thủy chiến cửa đình” một mặt tái hiện những chiến công của ông cha ta trên sông Bạch Đằng, mặt khác còn thể hiện tinh thần thượng võ của cư dân nông nghiệp Đồng bằng sông Hồng vốn thường xuyên bị thiên tai úng lụt đe dọa...

Ngoài những trò diễn như trên, hội làng Hà Nội còn có nhiều trò chơi dân gian thể hiện những nét tinh tế, khéo léo và thanh lịch của người Hà Nội. Ví dụ như trò thổi cơm thi ở Tây Mỗ (Bắc Từ Liêm). Người dự thi buộc một cành tre dẻo như cần câu ra sau lưng, ngọn tre vắt ra phía trước buộc quang để treo nồi, lại phải mang thanh giang để kéo lửa, ăn mía nhả bã làm củi. Ai vừa đi vừa nấu chạm tới đích sớm nhất, cơm vừa chín tới lại vừa dẻo vừa thơm mới giật được giải. Có những làng chài cuộc thi diễn ra trên những chiếc thuyền thúng, gió thổi tứ bề trên sóng nước dập dờn. Lại có cuộc thi làm cây xôi (ở Kiều Mai, Bắc Từ Liêm), thi làm cỗ bảy tầng có món “thịt sơn son dưa cuộn tròn” (ở đền Kim Liên, quận Đống Đa)... không thể kể hết được.

Có thể nói, các trò chơi, trò diễn dân gian chính là cốt lõi, là “linh hồn” của hội làng. Nó đã tạo nên sức hấp dẫn của ngày hội, và chính hội là nơi thể hiện đậm đặc nhất là dịp tốt nhất để gắn kết tình cảm cộng đồng làng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau. Trong không gian linh thiêng của ngày hội, hàng ngàn người kể cả những “nghệ sĩ dân gian”, lẫn người xem đều thăng hoa và bị cuốn hút vào không khí ngày hội. Đây chính là ý nghĩa là sức mạnh của lễ hội truyền thống Việt Nam. Lắng đọng trong lễ hội truyền thống, trong hội làng là tín ngưỡng dân gian được gửi gắm nơi phụng thờ các thần linh, là các trò chơi trò diễn đã có từ rất xa xưa. Việc khai thác cái hay, cái tinh túy trong những trò diễn dân gian, loại bỏ những cái không phù hợp, nhằm giữ gìn và phát huy lễ hội Thăng Long - Hà Nội là việc làm thiết thực và vô cùng có ý nghĩa, nhất là đối với Hà Nội thành phố hơn ngàn năm tuổi, Thủ đô văn hiến - Thủ đô Anh hùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trò diễn dân gian trong hội làng Thăng Long - Hà Nội