Những ngày cuối tháng 12 năm 1972

Nguyễn Ngọc Tiến| 26/12/2021 05:33

(HNMCT) - Ngày nay, ở phố Khâm Thiên, dấu vết vật chất còn lại của trận bom kinh hoàng đêm ngày 26-12-1972 là đài tưởng niệm với bức tường đổ nát. Trong tâm khảm người dân phố này, ngày 26 là ngày giỗ của hàng trăm người vô tội. Nhưng tháng 12 mùa đông năm ấy, đau thương, tang tóc đâu chỉ ở Khâm Thiên...

Cảnh đổ nát ở phố Khâm Thiên sau những đợt không kích bằng B52 của đế quốc Mỹ tháng 12-1972.

Ngày 13-12-1972, Mỹ đình chỉ đàm phán hội nghị Paris với Việt Nam và bóng gió sẽ trừng phạt để buộc Việt Nam phải ký hiệp định theo những điều khoản mà Mỹ muốn. Tối 18-12, Hà Nội lạnh buốt bởi gió mùa đông bắc. Phố vắng vì nhiều gia đình đã sơ tán theo lệnh của Ủy ban Hành chính thành phố. 19h25 phút, còi báo động từ nóc Nhà hát Lớn vang lên ghê rợn, phá tan không khí tĩnh lặng. Vài phút sau, tiếng máy bay gầm rít trên bầu trời tối đen, rồi ánh sáng chớp lóe và tiếng bom nổ. Không quân Mỹ bắt đầu chiến dịch mà họ gọi là Linebecker II, huy động các loại máy bay chiến đấu, trong đó có “pháo đài bay B52” ném bom rải thảm các tỉnh miền Bắc và Hà Nội.

Máy bay B52 đã ném bom sân bay Đa Phúc và nhiều ngôi làng ngoại thành, những nơi không hề có công trình quân sự hay cầu đường giao thông trọng điểm, chỉ có những người nông dân hiền lành. Tối 18-12, tại Lỗ Khê (huyện Đông Anh), bom B52 đã đánh sập hầm làm chết người vợ đảm cùng 5 con, đứa lớn nhất chưa đến 15 tuổi của anh Nguyễn Văn Tý. Ở xã Uy Nỗ, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Đình Di đã mất 6 người thân yêu gồm vợ, 4 người con và một đứa cháu. Ở huyện Từ Liêm, bom rơi trúng nhà thầy Chu Bá Thước, giáo viên Trường cấp II Mai Dịch, đã cướp đi sự sống của vợ chồng thầy cùng 4 con.

Đêm 21-12, tại An Dương, nơi có khu tập thể của những người lao động đã rung chuyển bởi những quả bom B52 khiến nhiều người chết thảm. Một quả rơi vào nhà bà Nguyễn Thị An, cướp mất 5 người thân, trong đó có cha mẹ chồng, 2 con và cô em chồng của bà. Hôm đó Hà Nội có quá nhiều người chết vì bom, không đủ quan tài nên bà An đành vuốt nước mắt chôn 4 người trước, còn xác cô em phải bó lại bằng chiếu trong túp lều dựng tạm để hôm sau có quan tài mới chôn cất.

Vì muốn biến Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá, sáng sớm ngày 23-12, máy bay B52 lại rải một vệt bom từ Giáp Bát đến ga Hà Nội. Tiếng chuông cầu kinh buổi sớm ở Nhà thờ Làng Tám (Giáp Bát) bị chìm trong tiếng bom chết chóc. Bom rơi xuống làng Tương Mai khiến cha của Phạm Thị Viễn, một pháo thủ trong đội tự vệ của Nhà máy cơ khí Mai Động bị chết. Mẹ của cô đã mất vì bom Mỹ năm 1967. Vệt bom này khiến nhà cửa kiên cố cũng đổ nát, gây chết chóc nhiều nơi nhưng tang thương nhất là Bệnh viện Bạch Mai. Thi thể của chị Hoàng Thị Thoa chắn lối xuống hầm C3, buộc Giám đốc Bệnh viện là Giáo sư Đỗ Doãn Đại phải ra lệnh trong nước mắt, cắt thi thể của chị để mở đường xuống hầm cứu mấy chục cán bộ nhân viên, bệnh nhân đang thiếu không khí. Bom Mỹ đã cướp đi quyền được mặc áo cưới của chị Đào Thị Khuyến, nhà ở phố Hàng Khoai, là kỹ thuật viên khoa Da liễu. Đêm đó, chị mang tập thiệp cưới đến bệnh viện, tranh thủ giờ rảnh rỗi viết tên khách mời tới dự đám cưới của mình dự kiến được tổ chức vào ngày 2-1-1973...

Trong chiến tranh thế giới thứ II, các bên tham chiến còn thống nhất cho phép nhân viên y tế được cứu chữa binh lính bị thương của hai phía, thế nhưng năm 1972, đế quốc Mỹ đã tột cùng dã man khi ném bom vào Bệnh viện Bạch Mai - nơi cứu chữa những người bệnh. Năm 2012, tôi làm nhân vật dẫn chuyện trong phim tài liệu “Ký ức một thời” về 12 ngày đêm cuối năm 1972, khi phỏng vấn Giáo sư Đỗ Doãn Đại, ông đã không cầm được nước mắt khiến đoàn làm phim phải dừng máy chờ cho cảm xúc của ông lắng dịu mới tiếp tục quay.

Song, kinh hoàng và tang thương nhất là phố Khâm Thiên. Đêm 26-12, hàng loạt bom B52 đánh vào các khối 42, 43, 46, 47 hủy diệt phố Khâm Thiên. Nhà trẻ, mẫu giáo, đình Tương Thuận, cơ sở y tế bị san phẳng. Khâm Thiên mất mát quá lớn, 278 dân thường bị chết, 290 người bị thương, 178 đứa trẻ trở thành trẻ mồ côi trong đó có rất nhiều trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhà của nhạc sĩ Phú Quang cũng đổ nát và 3 ngày sau ông mới nhìn thấy xác người bạn thân không còn nguyên vẹn. Rồi khi gặp bài thơ của Phan Vũ về những tháng ngày bi thương ấy, Phú Quang đã phổ nhạc, nét nhạc buồn đã làm rung những câu thơ day dứt, để lại cho Hà Nội một bản sonata mùa đông, đó là “Em ơi, Hà Nội phố”.

Năm 1995, tôi vào huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) công tác, nơi có hàng vạn người Hà Nội đi kinh tế mới, vô tình gặp anh Nguyễn Thành Trung, người con Khâm Thiên mồ côi cả cha lẫn mẹ và mất hết anh chị em trong trận bom 26-12-1972. Anh khóc và bảo tôi, đi để mong nguôi ngoai vì còn ở đó anh không chịu nổi. Đành rằng gác lại quá khứ để hướng đến tương lai, nhưng để quên được quá khứ thật chẳng dễ dàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ngày cuối tháng 12 năm 1972