Cơm gánh ga Hàng Cỏ

Nguyễn Trọng Văn| 18/12/2021 13:39

(HNMCT) - Trong tiềm thức của tôi, chẳng có bữa cơm nào ngon bằng cơm gánh ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ) của bà Hồng. Cũng chẳng có bát cơm nào lại nhớ như nhớ bát cơm vừa xới ra, ngon ngon là. Bát cơm ấy được nấu rồi ủ trong bao tải đay cuốn trong chiếc thúng của bà Hồng.

Ga Hà Nội (trước đây có tên là ga Hàng Cỏ). Ảnh: Hải Nguyễn

Kỷ niệm về quãng đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước thật sâu đậm. Cánh trẻ con “hàng phố” như chúng tôi suốt ngày phải ăn cơm gạo mậu dịch. Nói là chê thì không phải, nhưng cơm nấu bằng gạo mậu dịch thời ấy ăn vừa hôi, vừa sạn lại lắm mọt. Đến khi nấu cơm, mẹ tôi thường “giao nhiệm vụ” cho tôi ngồi nhặt sạn. Chiếc rá tre vừa vặn vòng bàn tay đã được mẹ tôi chuẩn bị sẵn suất gạo đủ cho cả nhà. Tôi cặm cụi nhặt sạn, thóc rồi mang rá gạo ra chậu nước để đãi, gạn cho hết những con mọt gạo nhỏ tí, đen và hôi. Bởi thế nên khi được ăn một bát cơm gạo trắng thơm, chẳng sạn, chẳng mọt từ gánh cơm của bà Hồng, tôi nhớ mãi.

Bà Hồng năm ấy chừng ngoài bốn mươi, nhưng vì vất vả lo ăn cho năm người con đang tuổi ăn tuổi lớn nên trông như ngoài năm mươi. Nhà bà ở tít trong làng Trung Phụng, muốn tới phải “lội” qua ngõ chợ Khâm Thiên quanh năm sũng nước rồi vòng vo rẽ các ngõ ngách. Đó là một ngôi nhà ba gian lợp lá, vách bưng phên nứa. Cả nhà chỉ có hai chiếc giường cọt kẹt. Một cái kê ở trong buồng vừa là bếp, vừa là nơi ngủ của bà Hồng cùng hai cô con gái. Một cái kê ở hai gian ngoài trống hoác, là nơi ngủ của ba người con trai. Năm ấy, chú Hùng - con trai lớn của bà Hồng, đã hai mươi tuổi, rất đẹp trai, ăn nói đâu ra đấy và cũng biết nhiều chuyện phố phường nên chúng tôi rất ngưỡng mộ. Dưới chú là bốn người em tuổi sát nhau.

Tôi lần đầu tiên được đến nhà bà Hồng cũng chỉ vì thằng Tường, bạn tôi, nó gọi bà Hồng là “bà trẻ”. Một hôm, nó bảo: “Bọn mày được ăn cơm gánh chưa?”. “Cơm gánh á?”. Mấy thằng “chíp hôi” tuổi mười ba mười bốn tròn mắt băn khoăn. Thằng Tường nhăn nhăn cười: “Ở Hà Nội mà chưa biết cơm gánh thế nào thì rõ tẩm”.

Chúng tôi đành phải chịu nghe thằng Tường “coi thường” để được nó dẫn tới nhà bà Hồng. Ngôi nhà chỉ có ba gian mà ngỡ rộng thênh thênh. Bốn thằng bọn tôi kéo nhau lên ngồi ở chiếc giường kê gian ngoài, nghe chú Hùng vừa vuốt ve quần áo vừa nói bằng thứ giọng rất người lớn: “Để tao nói với “bà bô” cho chúng mày mỗi thằng một bát cơm. Nhớ là chỉ được một bát thôi. Ăn nhiều là gánh cơm của “bà bô” hôm nay coi như lỗ”.

Hóa ra “cơm gánh” rất đơn giản. Số là bà Hồng từ khi về làm vợ ông Hồng nên mất luôn cái tên thời con gái. Bà mang tên của ông Hồng nhưng chỉ là vợ hai. Ông Hồng vài tháng lại tranh thủ tạt qua. Mà cứ như mỗi lần ông tạt qua là bà Hồng lại đẻ thêm một đứa con. Ông Hồng đến thăm, véo tai thằng này, thơm má con kia rồi đi. Bọn trẻ con nhà bà Hồng thấy thế đã vui lắm, chẳng bao giờ oán thán một câu.

Đúng như chú Hùng nói. Bà Hồng từ trong buồng bếp đi ra, đặt đôi thúng vào quang gánh ý chừng như sắp đi đâu. Chẳng nói năng gì, bà lật bao tải đay trên chiếc thúng. Hóa ra đó là một nồi cơm đầy ú ụ, hơi bốc nghi ngút, mùi cơm gạo mới thơm đến nao lòng. Mấy thằng chúng tôi bật người ngồi dậy, ngơ ngác theo dõi. Bà Hồng lấy bốn chiếc bát, xới đầy cơm rồi đậy vung lại. Bà mở chiếc thúng thứ hai, lại hơi bốc nghi ngút nhưng lần này là mùi thơm của nước canh. Đó là thứ canh bí được nấu với gừng thái nhỏ cùng đầu, cổ, cánh và chân gà. Canh bí nấu nước gà nóng hôi hổi, nổi vàng màu sáo trông vô cùng đẹp mắt. Rồi bà tất tả gánh đôi thúng đi, theo sau là cô Tuyết - con gái lớn. Hai mẹ con bà Hồng đi nhanh và chẳng bận tâm đến việc đã cho chúng tôi bữa ăn làm mất đi thu nhập.

Bà Hồng xưa nay chỉ có mỗi nghề nấu cơm rồi gánh gánh cơm ra ga Hàng Cỏ bán cho khách đi tàu. Ngày hai lần, một lần vào gần trưa và một lần lúc gần tối, vậy mà “đều như vắt chanh” chẳng sót ngày nào. Ngày nắng vỡ đầu hay ngày mưa ủng phố, bà đều đúng giờ. Cứ thế, bà kiếm đủ tiền nuôi năm người con ăn học hết cấp 2. Vậy là có thể đi học nghề hay trung cấp được rồi.

Gánh cơm bà Hồng bán ở sân phía trong ga Hàng Cỏ lâu dần thành quen, đến nỗi khách đi tàu thường xuyên trước khi lên tàu hay rời ga thế nào cũng phải nán lại, ăn suất cơm rồi mới đi. Thời đó chưa có “cơm bụi” hay “cơm văn phòng”, nhưng tới bữa mà được ăn cơm gánh bà Hồng là vững dạ để đi tiếp cuộc hành trình mưu sinh của mình.

Nhiều chục năm đã trôi qua, hễ có dịp đi ngang qua ga Hàng Cỏ, tôi lại hóng mắt trông vào phía trong. Trong tâm tưởng của mình, hình như bà Hồng đang gánh gánh cơm đi tới. Bà đặt đôi quang gánh xuống, xoay ngang chiếc đòn gánh làm ghế ngồi. Vừa lấy tay phe phẩy chiếc nón, bà vừa nở nụ cười, miệng đon đả: “Cơm nóng các bác ơi! Ăn cơm nóng các ông các bà ơi!"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơm gánh ga Hàng Cỏ