Nét đẹp làng cổ ven đô Hà Nội

Hoàng Lân| 05/12/2021 14:50

(NSHN) - Làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) ở giữa hai triền đê sông Tô Lịch và sông Nhuệ, đến nay vẫn mang dáng dấp của một ngôi làng cổ ven đô với mái đình, mái chùa, cây đa, hồ nước. Đời sống đô thị phát triển, làng Triều Khúc cũng đổi thay nhiều với những khu đô thị mới, nhà cao tầng đan xen cùng nếp nhà xưa. Kiểu kiến trúc và lối sống làng trong phố, phố trong làng đã mang đến những điều thú vị cho du khách thập phương.

Phong cảnh ở đình Sắc (Triều Khúc, Tân Triều) với hồ thủy tạ trong xanh mang nét đẹp của làng cổ ven đô Hà Nội.

Làng cổ với nhiều nét truyền thống

Xã Tân Triều gồm hai làng là Triều Khúc và Yên Xá, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 9km về phía Tây Nam. Trong đó, làng cổ Triều Khúc nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống và lễ hội lớn. Lối vào làng nằm trên đường Nguyễn Trãi, đối diện với cổng Trường Đại học Hà Nội bây giờ. Làng Triều Khúc vốn có tên nôm là Kẻ Đơ, lừng danh kinh kỳ với nghề làm nón quai thao. Ngoài ra, làng còn nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống khác như: Nghề thêu may các đồ thờ tự; nghề thu gom lông gà để làm các sản phẩm như chổi lông gà, chăn, áo lông gà…

Triều Khúc là làng cổ, gắn với lịch sử đánh giặc của vua Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương.

Trải qua hơn nghìn năm hình thành, phát triển, làng Triều Khúc giờ đây vẫn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống, trong đó phải kể đến Lễ hội làng Triều Khúc, đặc biệt là điệu múa “Con đĩ đánh bồng” - một điệu múa cổ do những chàng trai chưa vợ đóng giả gái biểu diễn trong các lễ rước của làng. Họ mặc áo tứ thân thướt tha, chít khăn mỏ quạ, má phấn môi son duyên dáng, uyển chuyển trong điệu múa bồng.

Đình làng vẫn giữ được vẻ cổ kính, trang nghiêm bên cạnh sự phát triển của đô thị.

Ngoài những nét nổi bật về văn hóa phi vật thể, quần thể di tích đình - đền - chùa làng Triều Khúc cũng là điểm nhấn của làng cổ ven đô này. Đình Triều Khúc là nơi hội tụ của các tín ngưỡng, tôn giáo cổ tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc. Đình Triều Khúc gồm có ngôi đình Lớn (tức đình Đại) và đền thờ Sắc (hay đình Trên) nằm cách xa nhau đến vài trăm mét.

Sau khi trải qua nhiều đợt trùng tu và mở rộng, hiện nay các công trình chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn với những mảng chạm khắc đặc trưng và rất cầu kỳ. Nếu như đại đình Triều Khúc có khuôn viên rộng lớn, còn lưu giữ nhiều tấm bia cổ và những truyền thuyết về thời Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng thì đình Sắc có phong cảnh hữu tình, phía trước đình là hồ thủy tạ trong xanh. Giá trị lịch sử, kiến trúc của đình Triều Khúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 1993.

Ông Nguyễn Duy Vinh, người phụ trách trông coi đại đình Triều Khúc cho biết, trải qua nhiều thăng trầm, đổi thay nhưng người dân Triều Khúc từ đời này qua đời khác vẫn giữ gìn truyền thống, đặc biệt là văn hóa đình làng. Hai ngôi đình của làng hiện vẫn là tinh thần, hồn cốt của người Triều Khúc vì thế được người dân hết sức giữ gìn, trông coi.

Đại đình Triều Khúc thờ Bố Cái Đại Vương - nơi giữ gìn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của làng Triều Khúc.

Tăng sức hấp dẫn để hút du khách

Chúng tôi về thăm làng Triều Khúc vào những ngày đầu đông của năm 2021. Ngôi làng cổ ven đô có nhiều đổi khác khi hình thành nhiều khu đô thị mới. Người tứ xứ về sống tại làng Triều Khúc khá nhiều. Đan xen với kiến trúc đình làng cổ là những tòa nhà cao tầng với những khung cửa sổ cao cấp.

Dịch Covid-19 khiến cho đời sống của người dân làng trong hai năm qua có phần trầm lắng hơn. Các lễ hội làng truyền thống diễn ra hằng năm như: Lễ hội đầu xuân (diễn ra từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng), lễ rước mừng ngày sinh và ngày mất của Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng đều hoãn, hoặc chỉ diễn ra quy mô rất nhỏ. Hai ngôi đình của làng Triều Khúc gần như đóng cửa, chỉ những người trông nom hằng ngày chăm sóc, giữ vệ sinh.

Khi Hà Nội áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ban quản lý đình mở cửa ở gian ngoài để người dân và du khách đến chiêm bái và cũng là nơi để người dân gặp gỡ bàn về những việc chung của làng. Đại đình Triều Khúc còn có một khu đất rộng, tương truyền, trước kia là nơi tập kết binh mã của vua Phùng Hưng, nay làm nơi để người dân tập luyện thể thao.

Ông Triệu Khắc Sâm (83 tuổi), một bô lão của làng Triều Khúc, từng nhiều năm phụ trách quản lý, trông coi di tích đình làng Triều Khúc cho biết, hằng ngày, đình làng vẫn là nơi người dân hẹn nhau để vui chơi, thư giãn. Giá trị văn hóa truyền thống chính là điểm nổi bật thu hút du khách thập phương đến với Triều Khúc.

Điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng” được duy trì hằng năm trong lễ hội làng Triều Khúc, thường được múa trong lễ rước và tại đình làng.

UBND xã Tân Triều đã xây dựng kế hoạch bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng để hấp dẫn du khách hơn. Hiện nay, ngoài lễ hội truyền thống tưởng nhớ Bố Cái Đại Vương, điệu múa cổ “con đĩ đánh bồng” cũng được bảo tồn và phát triển. Xã đã hình thành các câu lạc bộ múa bồng với gần 30 thành viên, chủ yếu là trai làng Triều Khúc duy trì tập luyện. Ngoài ra, xã cũng đã duy trì các lớp học múa bồng trong các trường trung học cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Đỗ Vân Long cho biết, trong chiến lược phát triển của địa phương, thu hút du khách, việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống làng được coi trọng hàng đầu. Ngoài ra, xã cũng hướng đến việc tổ chức thêm nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch tại đình làng để thu hút khách hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp làng cổ ven đô Hà Nội