''Nhà cây liễu'' của Thạch Lam

Thu Hằng| 23/08/2021 07:32

(HNM) - “Nhà cây liễu” ở đầu làng Yên Phụ, ven hồ Tây (Hà Nội) đã gắn bó với Thạch Lam trong khoảng thời gian sáng tác văn chương sung mãn nhất đời ông, từ năm 1935 đến năm 1942.

Đình làng Yên Phụ (quận Tây Hồ) nơi có con đường dẫn vào “Nhà cây liễu” của nhà văn Thạch Lam.

Thạch Lam (1910-1942) là nhà văn tài hoa của đất Hà thành. Trong cuộc đời ngắn ngủi 32 năm trên dương thế, tác phẩm mà Thạch Lam gửi lại cho đời không nhiều, song đến nay vẫn được độc giả yêu mến tìm đọc. Đặc biệt, cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường” chính là tấm lòng gắn bó sâu nặng và thái độ trân trọng của ông đối với văn hóa Hà Nội.

Năm 1935, khi Thạch Lam lấy vợ, chị gái ông đã nhường lại ngôi nhà nhỏ tại đầu làng Yên Phụ, ven hồ Tây cho vợ chồng nhà văn. Theo hồi ức của bà Song Kim - phu nhân nhà thơ Thế Lữ, thì tổ ấm của Thạch Lam “là ngôi nhà lá hai gian nằm bên bờ hồ Tây. Phía trước nhà có trồng cây liễu, khi đó đã thành cổ thụ. Sát phía sau nhà là hồ Ao Vả. Vào mùa đông, anh em Tự lực văn đoàn thường nhóm lửa sưởi ở giữa nhà để đàm đạo và ngắm nhìn tơ liễu trên mặt nước xanh”... Bởi vậy mà mọi người thường gọi đó là “nhà cây liễu”.

Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Dung, con gái cả của Thạch Lam, “nhà cây liễu” rất thơ mộng: “Tàn liễu sà xuống gần mặt nước, hồ có cái cầu bằng gỗ. Tôi hay ra cầu đó ngồi thả chân xuống nước, rồi đung đưa đôi chân dưới làn nước thật mát. Ðường từ ngoài vào làng toàn lát bằng gạch đỏ, trên đường đi chỗ nào cũng nhìn thấy nước hồ, đi qua một ngôi đình lớn là tới nhà tôi. Ði sâu vào trong làng rất đẹp, hai bên là hàng rào trồng bằng cây duối, được cắt thật bằng phẳng, khi tới mùa quả duối chín vàng trông xa như những sợi tơ tằm óng ánh”.

Ngôi “nhà cây liễu” đã ghi dấu những năm tháng sáng tác sung mãn nhất của Thạch Lam, với ba tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938), “Sợi tóc” (1941), một truyện dài “Ngày mới” (1939), tập tiểu luận “Theo dòng” (1941) và tập bút ký “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943).

Những năm cuối đời, Thạch Lam hay đau yếu. Vì thích cây liễu, nên ông bắt người nhà kê giường để khi nằm vẫn nhìn thấy cành liễu rủ xuống khung cửa sổ. Khi sắp mất, ông vẫn muốn nằm quay mặt ra cây liễu bên hồ...

Với tấm lòng trân trọng tài năng Thạch Lam, nhà thơ Khuất Bình Nguyên (bút danh của Tiến sĩ Khuất Văn Nga, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao), đã lần theo dấu xưa, trở lại tìm ngôi “nhà cây liễu”.

Nhà thơ Khuất Bình Nguyên kể: “Chúng tôi đi theo con đường Yên Hoa, bắt đầu từ cuối đường Cổ Ngư xưa, men theo bờ hồ Tây, đến cây đa cổ thụ trước cổng làng Yên Phụ. Cây đa thời Thạch Lam ngả bóng xuống hồ Ao Vả, nay không còn nữa. Khoảng năm 1983, người ta trồng lại cây đa mới vào chính chỗ cũ. Sau gần 40 năm, cây đa đã trở thành cổ thụ”.

Tiếp sau cây đa là đoạn đường lát gạch đỏ, nay đã trải nhựa, bên tay phải là hồ Ao Vả, bên tay trái là đình làng Yên Phụ. Đây là ngôi đình có từ thế kỷ XVII, mang dáng vẻ bề thế, uy nghiêm, mặt nhìn ra hồ Ao Vả, lưng quay về phía hồ Tây. Giữa mênh mang sóng nước, đình Yên Phụ như một điểm nhấn đặc sắc với lối kiến trúc thờ dọc có một không hai.

“Nhà cây liễu” của Thạch Lam thẳng từ đình vào, chỉ cách chừng ba, bốn chục bước chân. Bây giờ chỗ đó là một biệt thự nằm ngay chính giữa hai nhánh đường nhỏ chạy vòng quanh rẻo đất nằm giữa hồ Tây và hồ Ao Vả. Con đường vòng đó vẫn chưa được đặt tên. Biệt thự mang biển số 29 của làng Yên Phụ. Nó giản dị và khiêm nhường đứng giữa lối rẽ của hai con đường... Chỉ còn lại một cây thị cổ thụ hàng trăm tuổi đứng bên ngoài tường của ngôi nhà số 29.

Cũng theo nhà thơ Khuất Bình Nguyên, năm 1947, sau khi người nhà Thạch Lam tản cư về Cẩm Giàng sinh sống, mảnh đất “nhà cây liễu” được một người Pháp dựng nhà để ở. Sau đó, mảnh đất “nhà cây liễu” được trao cho ông Trịnh Đình Cửu, một trong số ít người tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở số 5D Hàm Long. Trước năm 1990, khi ông Cửu còn sống, các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng thường đến thăm và thường ngồi dưới cây thị cổ thụ ấy...

Nhà thơ Khuất Bình Nguyên tâm sự, ông có một mong ước, dùng tên Thạch Lam để đặt cho con đường hiện vẫn không tên chạy quanh doi đất giữa hồ Tây và hồ Ao Vả của làng Yên Phụ, như là sự nhắc nhở tên gọi của một người đã viết ra “Hà Nội băm sáu phố phường".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Nhà cây liễu'' của Thạch Lam