Nhà hát Lớn - dấu ấn kiến trúc đô thị giữa lòng Hà Nội

Bài và ảnh: Hà Thành| 08/08/2021 05:40

(HNMCT) - Hơn 100 năm tồn tại, công trình Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn đẹp lộng lẫy như một đài hoa kiến trúc và cũng là một địa chỉ lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

“Thánh đường nghệ thuật”

Nhà hát Lớn Hà Nội nằm trên Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), được xây dựng từ năm 1901 và hoàn thành năm 1911, do hai kiến trúc sư người Pháp là Harlay và Broyer thiết kế dựa trên nguyên mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris (Pháp) nhưng nhỏ hơn, sử dụng vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Đây là công trình văn hóa được xây dựng chủ yếu để phục vụ người Pháp và giới thượng lưu người Việt ở Hà Nội, đồng thời là nơi truyền bá văn hóa nghệ thuật phương Tây ở Đông Dương vào đầu thế kỷ XX.

Công trình có diện tích xây dựng 2.600m2, với chiều rộng 30m, chiều dài 87m, chiều cao 34m. Mặt tiền công trình hướng ra giao lộ lớn, nay là phố Tràng Tiền. Bố cục mặt bằng có 3 phần chính: Phía ngoài là bậc thềm, hàng hiên, sảnh đón; từ sảnh đi lên một cầu thang hình chữ T sẽ tới khán phòng; phía sau là phòng quản trị, 18 buồng cho diễn viên hóa trang, 2 phòng tập hát, thư viện và phòng họp. Mặt bằng không gian khán phòng có hình móng ngựa với kích thước 24 x 24m, có 3 tầng với tổng số 870 ghế ngồi, trong đó tầng trên cùng được bố trí thành những ban công riêng dành cho nhóm khách VIP hay gia đình. Ở tầng 2, phía trước nhà hát có phòng khánh tiết (hay phòng Gương, vì có những tấm gương treo xen kẽ với các ô cửa), đây là nơi diễn ra các sự kiện, nghi lễ quan trọng, nơi tiếp đón những nhân vật cấp cao.

Về hình thái kiến trúc, công trình Nhà hát Lớn là sự tổng hòa nhiều phong cách, với hàng cột theo phong cách Ionic của La Mã; các đường nét điêu khắc ở ban công, vòm cửa mang nét Baroque; phần sảnh hiên ở bên lại có phong cách Art Nouveau, còn bộ mái lợp ngói đen theo kiểu Mansard... Trong hơn 100 năm tồn tại, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trải qua nhiều lần trùng tu, gần đây nhất là năm 1995 - 1997. Trong lần trùng tu này, nhiều hạng mục kỹ thuật được đầu tư hiện đại hơn. Nội thất khán phòng cũng được cải tạo lại, chỉ còn 598 ghế. Các hạng mục còn lại được phục chế theo nguyên bản.

Nhà hát Lớn Hà Nội  hiện là trung tâm văn hóa nghệ thuật của Thủ đô, nơi trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại, được giới nghệ sĩ coi là “thánh đường nghệ thuật” của Thủ đô. Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ra đời, Nhà hát Lớn Hà Nội cùng Quảng trường Cách mạng Tháng Tám đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia.

Nơi lưu dấu ấn lịch sử 

Không chỉ là một công trình kiến trúc nổi tiếng của Thủ đô, Nhà hát Lớn Hà Nội còn là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945. Đó là các sự kiện: Mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh (17-8-1945) - tiền đề cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (19-8-1945), sau đó lan rộng khắp cả nước...

Ngày 16-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tuần lễ vàng quyên góp ủng hộ Chính phủ lâm thời kháng chiến tại đây. Nhà hát Lớn cũng là nơi diễn ra phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhiều năm tiếp theo, cho tới năm 1963, khi Hội trường Ba Đình hoàn thành xây dựng.

Ở phòng Gương của Nhà hát Lớn vẫn lưu giữ một tấm gương có vết đạn bắn thủng. Đó là vết đạn trong những ngày mùa đông tháng 12-1946, quân và dân Hà Nội kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ Thủ đô trước khi rút lên chiến khu. Đây được coi là dấu tích lịch sử đặc biệt của Nhà hát Lớn.

Để phát huy vai trò, giá trị của công trình và góp phần phát triển du lịch, từ tháng 9-2017, Nhà hát Lớn Hà Nội mở tour tham quan công trình. Du khách sẽ được tham quan không gian bên trong nhà hát, tìm hiểu lịch sử xây dựng, hoạt động của nhà hát, chiêm ngưỡng các bản thiết kế cách đây hơn 100 năm và các hình ảnh sự kiện gắn với công trình qua các thời kỳ... Cùng với tour tham quan, du khách sẽ được trải nghiệm thưởng thức chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc trong khán phòng.

Ông Stephane Rounet, một kiến trúc sư người Pháp làm việc ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi ấn tượng khi lần đầu tới Nhà hát Lớn Hà Nội. Nó gợi nhắc tới nhà hát Opéra Garnier ở quê hương tôi. Công trình này đã tạo cho Hà Nội những nét đẹp như ở Paris. Rất mong những di sản có giá trị như công trình này được bảo tồn, gìn giữ, vì đó là lịch sử...”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà hát Lớn - dấu ấn kiến trúc đô thị giữa lòng Hà Nội