Chuyện nuôi bò sữa và uống sữa tươi ở Hà Nội một thời

Nguyễn Ngọc Tiến| 01/08/2021 05:25

(HNMCT) - Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm Hà Nội, sau đó bình định các tỉnh ở miền Bắc. Đi theo đội quân viễn chinh có khá nhiều dân Pháp thuộc đủ các thành phần với mong muốn khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của kiều dân Pháp, một số lò bánh mỳ, cửa hàng bán thực phẩm gồm rượu vang, bơ, pho mát, thịt bò... đã được người Pháp mở ở phố Tràng Tiền.

Trẻ em chăm sóc bò sữa trong tour du lịch học đường tại một trang trại ở huyện Ba Vì.

Tuy nhiên, các cửa hàng không có sữa tươi - thức uống bổ dưỡng quen thuộc của người châu Âu. Vì thế, đầu thế kỷ XX, Sở Nông Lâm đã cho nhập giống bò sữa và phát không cho dân nuôi. Nhưng vì người Việt chưa từng nuôi bò sữa và không biết vắt sữa nên các kiều dân Ấn Độ (hầu hết là người Ấn da đen) nhận nuôi hết. Mỗi gia đình nuôi năm, bảy con. Thời kỳ này, phía nam thành phố đất còn rộng, dân thưa nên họ chăn thả quanh khu vực dốc Bà Triệu (nay là các phố Ngô Văn Sở, Trần Quốc Toản, Hàm Long). Số khác thả ở khu vực cuối phố Lò Đúc (nay là Nhà hộ sinh B, phố Cảm Hội hay giáp đê Trần Khát Chân). Hằng ngày, họ vắt sữa rồi mang vào bán cho các cửa hàng của người Âu. Thấy nuôi bò và vắt sữa chẳng khó khăn, lại có tiền ngay nên một số người Việt ở khu vực Lò Đúc đã gom tiền mua bò để nuôi. Nhờ bán sữa, các ông Cả Xây, Hai Hồ, Ba Cháo... đã xây được nhà ở phố. 

Để phát triển kinh tế thuộc địa, ngoài cho mở các nhà máy, xí nghiệp, thực dân Pháp còn cho lập đồn điền. Năm 1894, ông Bourgoin Meiffre mở đồn điền đầu tiên rộng 6.583ha ở huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội) để trồng cây và chăn nuôi. Đầu thế kỷ XX, hàng loạt đồn điền được thành lập, chủ yếu ở vùng Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai. Các đồn điền này trồng cây cà phê, trẩu, chè, lúa và chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê, cừu nhưng nhiều nhất là trâu, bò để lấy sức kéo, phân bón và bán bò thịt cho các cửa hàng ở Sơn Tây, Hà Nội. Năm 1919, ông Marius Borel - chủ đồn điền Mỹ Khê (nay thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) đã nhập bò sữa về nuôi để bán sữa tươi cho các cửa hàng ở thị xã Sơn Tây, Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức), Bệnh viện Lanessan (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cùng nhiều cửa hàng ăn Âu tại Hà Nội. Các bác sĩ ở Bệnh viện Phủ Doãn buộc bệnh nhân phải uống sữa tươi mỗi buổi sáng để tăng sức khỏe. Từ đó, nhiều người Việt quen dần với sữa bò tươi.

Không chỉ bán sữa tươi, Borel còn cho chế biến váng sữa, bơ, pho mát cung cấp cho các cửa hàng ở Sơn Tây, Hà Nội và đưa vào tận Trung Kỳ. Năm 1939, khi cao điểm 400m trên núi Ba Vì trở thành khu du lịch, Borel đã cho xây nhà nghỉ và bán sữa tươi cùng các sản phẩm chế biến từ sữa cho du khách ở dưới chân núi. Dù trên thị trường, sữa bột đóng hộp nhập khẩu bán tràn lan nhưng việc chăn nuôi bò sữa và bán sữa tươi của Borel rất phát đạt. Năm 1954, Pháp ký Hiệp định Genève rút quân khỏi Đông Dương nên không còn các đồn điền.  

Năm 1960, Nhà nước thành lập Nông trường quốc doanh Ba Vì với hơn 1.000 công nhân, chia làm 9 đội chuyên trồng lúa, ngô, nuôi lợn, bò thịt và bò sữa. Dù đã đưa giống bò lai Sind vào nuôi lấy sữa, nhưng do chế độ ăn không chuẩn cộng với việc vắt sữa hoàn toàn bằng tay nên sản lượng sữa không cao. Sữa vắt xong có xe bảo ôn chở ngay về Hà Nội cung cấp cho các sứ quán, bệnh viện, khách sạn Thống Nhất, Hòa Bình - nơi có khách nước ngoài lưu trú, và các chuyên gia Liên Xô sống ở khách sạn Kim Liên. Năm 1965, sữa đặc có đường đóng hộp đầu tiên ở miền Bắc mang tên Ba Vì ra đời.

Tuy nhiên, do đun bếp củi và cô sữa tươi với đường trong chảo gang quấy không đều tay nên chất lượng sữa không đều. Có hộp chỉ sau một thời gian đã bị vón cục. Mặc dù Nông trường quốc doanh Ba Vì sản xuất ra sữa nhưng các cửa hàng ăn uống khắp thành phố vẫn không có sữa tươi bán. Chỉ đến thời kỳ Đổi mới (1986) mới xuất hiện vài cửa hàng, nhưng vì sữa tươi không phải là nhu cầu thiết yếu, mặt khác, cuộc sống khi đó vô cùng khó khăn nên giá sữa rất rẻ nhưng cũng không mấy người mua. Năm 1987, Báo Hànộimới có bài viết phản ánh thực trạng này với đầu đề: “Giá sữa tươi rẻ hơn khoai lang”.

Thập niên 60, ở xã Quảng An bên hồ Tây có vợ chồng ông Mảnh, bà An được Ban Tài chính - Quản trị Trung ương giao nhiệm vụ nuôi 3 con bò sữa. Hằng ngày, ông bà có nhiệm vụ vắt sữa mang vào khu nghỉ dưỡng dành cho cán bộ Trung ương (ở gần phủ Tây Hồ). Ông Mảnh là người miền Nam tập kết. Năm 1960, ông là công nhân của Nông trường quốc doanh Ba Vì, chuyên vắt sữa bò, còn bà An chuyên chăm bò nên được tin tưởng chuyển ra Hà Nội làm công việc “đặc biệt” này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện nuôi bò sữa và uống sữa tươi ở Hà Nội một thời