Tục kết chạ làng ở làng Văn Trai

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Công| 09/07/2021 16:28

(HNMCT) - Làng Văn Trai (hay Vân Trai, tục gọi là làng Giai, xã Văn Phú) và làng Nhân Hiền (hay làng Chiếc, xã Hiền Giang, đều thuộc huyện Thường Tín) đã có tục kết chạ anh em hàng trăm năm nay. Ngoài ra, làng Văn Trai còn có “tình làng” với làng Nguộn (xã Văn Tự) và làng Phụng Công (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín). Đến nay, các mối quan hệ này đều được Văn Trai và các làng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa.

Rước kiệu thánh ở lễ hội (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).

Kết chạ, kết tình làng

Đền làng Văn Trai thờ hai vị tướng là Lôi Công và Tây Công, vốn là hai anh em con ông Nguyễn Bình và bà Chương Thị Chước, quê gốc tại làng Thủ Pháp (xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Hai vị tướng này đã có công giúp vua Hùng dựng cơ đồ, dẹp giặc ngoại xâm. Khi đất nước thanh bình, Lôi Công được giao cai quản vùng đất Thường Tín hiện nay. Ông đến từng xóm làng dạy dân cày cấy, nuôi tằm, dệt vải. Thấy địa thế làng Văn Trai đẹp, phong tục thuần hậu, ngài cho dựng hành cung và được nhân dân yêu quý như cha mẹ.

Cuối thời Hùng Duệ Vương, đất nước bị quân Ba Thục xâm lược, Lôi Công tuyển được 36 chàng trai khỏe mạnh ở Văn Trai làm gia thần cùng tướng Tây Công theo Tản Viên Sơn thánh dẹp giặc. Sau khi thắng trận, vua phong Tây Công là Tây An Tây Ngạn đại vương, Lôi Công là Ngũ Lôi Dũng Mãnh đại vương. Lôi Công dâng biểu xin vua ban đất Văn Trai làm nơi hành dinh và được vua đồng ý. Về làng, Lôi Công và Tây Công tiếp tục giúp dân an cư lập nghiệp, đời sống ấm no yên ổn.

Ngày 13 tháng Tư, hai ngài hóa về trời. Dân làng Giai tôn hai ngài làm Thành hoàng làng. Trải qua các triều đại, hai ngài đều được ban sắc phong thượng đẳng thần: Tây Công có 16 đạo sắc phong, Lôi Công có 15 đạo sắc phong, hiện đều được lưu giữ trong đền.

Tích xưa kể lại rằng, vào thời nhà Trần, Hoàng hậu Ả Nương khuyên dân làng Chiếc đến thỉnh cầu, nhờ cậy uy linh của Lôi Công và Tây Công - hai vị Thành hoàng làng Giai hiển ứng, giúp sức, phù trợ để dân làng Chiếc vượt kiếp nạn dịch bệnh hiểm nghèo. Từ đó, làng Chiếc kết chạ với làng Giai để tỏ lòng thành kính, cảm tạ.

Mối tâm giao đó đã gắn kết hai làng Giai - Chiếc, viết nên câu chuyện tình sâu nặng của nhân dân hai làng hàng trăm năm. Đã là anh em nên có lệ trai gái của hai làng không lấy nhau, ai có mâu thuẫn gì đều phải cố gắng hòa giải, tuyệt đối không được xung đột làm mất lễ nghĩa. Đây là nét đặc sắc hiếm có trong văn hóa làng xã vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Trước uy linh của hai vị Thành hoàng làng Giai, nhân dân một số làng như làng Nguyên Hanh (tên nôm là làng Nguộn, xã Văn Tự) cũng xin sắc về thờ phụng. Làng Phụng Công (xã Hòa Bình) mỗi khi có đại sự cũng đến thỉnh cầu, cậy nhờ uy linh của hai vị đại vương. Chuyện xưa cũng lưu lại rằng, ngày ấy, dân làng Phụng Công đi mua gỗ về sửa đình, khi bè gỗ qua dòng sông trước đền thờ hai vị Thành hoàng làng Giai thì bị mắc lại, không thể nào đi tiếp được nữa, phải nhờ các cụ cao niên ra sửa lễ xin phép Thành hoàng, bè gỗ mới di chuyển được. Từ đó, cứ dịp hội làng Giai mùng 10 tháng Ba âm lịch, đại diện làng Phụng Công lại sắm đồ đến đền Văn Trai để lễ tạ.

Giữ gìn truyền thống

Tục kết chạ không chỉ là nghi lễ tế thần mà còn đi vào thực tế đời sống, cho dù cuộc sống hiện đại, đô thị hóa đang phát triển mạnh ở khu vực ven đô.

Người dân làng Giai và ba làng Chiếc, Nguộn, Phụng Công luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống, lao động sản xuất. Xa xưa, làng Giai có nghề làm áo tơi, vì thế, người dân làng Chiếc, Nguộn, Phụng Công cho dù gặp hàng áo tơi ở đâu cũng về làng Giai mua để ủng hộ và giới thiệu khắp nơi. Người làng Giai lại đặc biệt mê đồ mỹ nghệ đá của làng Chiếc, đồ tiện gỗ của Phụng Công cũng như đồ mộc gia dụng của làng Nguộn.

Anh Nguyễn Văn Tân, Bí thư Đoàn Thanh niên thôn Văn Trai cho biết: Tục kết chạ và kết nghĩa tình làng của Văn Trai có từ lâu đời. Các cụ cao niên trong làng luôn nhắc nhở con cháu giữ gìn tục lệ này cũng như đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mối liên hệ giữa đoàn viên, thanh niên làng Văn Trai với đoàn viên, thanh niên các làng Chiếc, Nguộn, Phụng Công trở nên gần gũi, thân tình hơn nhờ tục lệ xưa, từ đó, cùng nhau xây dựng các chương trình thanh niên tình nguyện, hỗ trợ cộng đồng có tính liên kết và lan tỏa rộng rãi trong huyện Thường Tín.

Đền và đình Văn Trai có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của dân làng, là nơi diễn ra các nghi lễ thờ Thành hoàng (hội làng ngày 10 tháng Ba âm lịch) và là minh chứng kết nối tình anh em với làng Chiếc, Nguộn, Phụng Công. Riêng đền Văn Trai đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tục kết chạ làng ở làng Văn Trai