Nhị vị công chúa nhà Lý và làng sen Ninh Xá

Bài và ảnh: Công Nguyễn| 03/07/2021 17:48

(HNMCT) - Đến làng Ninh Xá (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) những ngày mùa hè, du khách sẽ bắt gặp những đầm sen ngát hương chạy dọc theo đường làng ra đến tận cánh đồng. Vùng đất này nổi tiếng với câu chuyện về nhị vị công chúa con vua Lý Thánh Tông đã về đây quy y tam bảo, sau hóa ở lăng Liên Hoa và được phong là “Linh thông Đại Bồ tát”.

Cổng tam quan chùa Ninh Xá.

Thời Lý, đạo Phật rất phát triển. Triều đình cho dựng chùa ở khắp nơi. Vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072) có hai người con gái sinh đôi là công chúa Lý Từ Thục và Lý Từ Huy. Hai nàng đều một lòng hướng Phật, quy y tam bảo ở chùa Đông Phù (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì). Dù vua cha triệu về, cho đốt chùa và yêu cầu hoàn tục để lấy chồng nhưng hai nàng đã trốn sang núi Trúc Lĩnh (làng Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) dựng am thất để tiếp tục tu hành. Buồn vì hai người con, lại thêm giặc quấy nhiễu ở biên giới phía Nam nên nhà vua bị ốm nặng.

Biết tin vua cha bị bệnh, hai công chúa trở về kinh thăm rồi dùng bài thuốc quý chữa khỏi bệnh cho nhà vua. Thấy hai công chúa đã hướng Phật, “trước tòa sen trót nặng lời thề, dẫu sống chết cũng quy y tam bảo” (Lời bài hát văn thờ ngày lễ), nên vua cha đành thuận theo.

Tình hình trong nước lúc bấy giờ bắt đầu yên ổn, vua Lý Thánh Tông khỏe mạnh trở lại bèn cho xây dựng một ngôi chùa mới trên nền cũ ở làng Đông Phù và đặt tên là Hưng Long tự (hay chùa Đền), đồng thời cho phép nhị vị công chúa mở mang am thất trên núi Trúc Lĩnh thành chùa và đặt tên là Hưng Phúc tự (hay chùa Tự Khoát). Hai công chúa đã tu tại đây cho đến cuối đời.

Trong suốt mấy chục năm tu hành, hai công chúa đã có nhiều công lao giúp đỡ nhân dân trong vùng như xin vua cha cấp tiền mua đất cho 9 xã thuộc tổng Nam Phù (nay thuộc phía nam huyện Thanh Trì), dạy dân nghề thủ công, trong đó, nhiều làng nghề còn tồn tại tới ngày nay như làng bánh chưng, bánh giầy Tranh Khúc; làng làm bún, đậu Đông Phù; làng nghề đan lát Tự Khoát...

Khi tuổi cao, nhị vị công chúa đã nhờ thầy phong thủy định chốn thiêng để dựng am thất và là nơi an nghỉ cuối cùng. Nơi được chọn là cánh đồng Liên Hoa thuộc làng Ninh Xá, ngay sát làng Tự Khoát. Am được dựng bằng gỗ thông. Theo lời dặn của hai công chúa, sau khi hai nàng hóa, dân làng nào ra lấp cửa am trước thì sau này được trông coi lăng. Đúng ngày rằm tháng Ba năm Ất Hợi (1095), nhị vị công chúa hóa về trời. Dân làng Ninh Xá đã ra lấp cửa am trước và được trông coi lăng theo di nguyện của nhị vị công chúa. Sau đó, cả ba làng Ninh Xá, Tự Khoát và Đông Phù đều lập đền thờ nhị vị công chúa và thờ hai nàng trong chùa làng.

Đến nay, lăng Liên Hoa vẫn giữ được diện tích rộng đến vài mẫu trên cánh đồng Liên Hoa, có tường bao xây xung quanh, trung tâm là hai mộ tháp đá của nhị vị công chúa. Mộ tháp quay hướng nam, cao hai tầng, trên đỉnh có búp sen, phía sau là giếng ngọc được xây bằng đá ong. Trên mỗi mộ tháp đều có đôi câu đối nói về cuộc đời và tâm nguyện quy y tam bảo của nhị vị công chúa. Vào ngày rằm, mồng 1, ngày húy nhật, ngày sinh (mồng 6 tháng Hai)... của nhị vị công chúa, dân làng Ninh Xá đều làm lễ chu đáo.

Đầm sen ở làng Ninh Xá.

Đặc biệt, vào ngày rằm tháng Ba, làng Ninh Xá thường tổ chức hát văn thờ nhị vị công chúa. Bài hát văn dài 220 câu, nói về sự tích và công đức của hai nàng. Lễ vật quan trọng nhất trong ngày chính hội là chiếc bánh giầy loại lớn do làng Tranh Khúc rước tới, xung quanh là 9 chiếc bánh giầy nhỏ biểu trưng cho các làng trong vùng mang ơn nhị vị công chúa. Nhân dân trong vùng thường gọi nhị vị công chúa là "nhị vị Bồ Tát" hoặc "nhị vị sư tổ".

Đền Ninh Xá nằm trong khuôn viên chùa Ninh Xá (Phổ Quang Thiền tự). Đền được xây dựng theo kiểu chữ “Công”, mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn. Tòa thượng điện có 4 pho tượng được đúc bằng đồng, gồm tượng nhị vị công chúa và hai nàng hầu.

Đến với Ninh Xá hôm nay, người ta thường gọi nơi đây là “đất Phật làng sen” không chỉ bởi câu chuyện quy y tam bảo của nhị vị công chúa nhà Lý, mà còn bởi sen Ninh Xá vô cùng đặc biệt khi có tới 12 giống được lai phối, trồng rải rác trên các cánh đồng làng, trong đó có nhiều loại sen quý như sen Quan âm, sen Cung đình, sen Tịnh đế... Về Ninh Xá nghe chuyện nhị vị Bồ Tát và ngắm sen là một trải nghiệm tuyệt vời đối với các du khách trẻ. Hơn nữa, làng sen Ninh Xá chỉ cách trung tâm Hà Nội 13km về phía nam nên đi lại rất thuận tiện.

Cụm di tích đình, đền, chùa Ninh Xá đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhị vị công chúa nhà Lý và làng sen Ninh Xá