Lừng lẫy đền và bến Chương Dương

Kiều Mộc| 13/06/2021 05:45

(HNMCT) - Đền và bến Chương Dương là nơi đã diễn ra chiến thắng lẫy lừng Chương Dương Độ của quân và dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 (năm 1285).

Đền và bến Chương Dương nằm ở ven sông Hồng thuộc xã Chương Dương (huyện Thường Tín). Đền Chương Dương được xây dựng cách đây hơn một nghìn năm để thờ Dương Tam Kha - em vợ của Ngô Quyền. 

Sau khi Ngô Quyền mất, con trai ông là Ngô Xương Ngập lên ngôi vua, giao cho cậu là Dương Tam Kha dẫn dân đi lập ấp ở vùng Chân Giang, nay là xã Chương Dương. Dương Tam Kha đã giúp dân đuổi thú dữ, cải tạo ruộng đất hoang hóa, biến nơi đây thành vùng đất màu mỡ, sầm uất. Để tưởng nhớ công lao của ông, dân làng lập đền thờ bằng gỗ, tre. Đến năm 1947, giặc Pháp đốt cháy đền. Sau ngày miền Bắc được giải phóng (năm 1954), đền được dựng lại và có diện mạo như ngày nay.

Đền có quy mô nhỏ (3 gian) hướng ra phía đông, mái lợp ngói ta, hai bên đầu hồi bít đốc, có 4 cặp câu đối trên các cột ở cửa đền. Bên phải đền là cây đa - hoa gạo cao khoảng 30m, tương truyền, trước có một cây gạo mọc ôm lấy cây đa, nhìn từ xa thấy như cây đa nở hoa gạo. Đến nay, cây gạo đã chết. Ngoài ra, trong đền còn có đôi câu đối ca ngợi vùng đất Chương Dương - nơi sản sinh ra nhiều nhân tài và là ngôi đền thiêng phù hộ cho dân chúng: “Thiên định Chương Dương di tích chính trung giai thịnh/ Địa linh nhân kiệt hào văn kim cổ trùng hưng”.

Bến Chương Dương cách đền khoảng 100m. Năm 1285, quân Nguyên Mông do Thoát Hoan chỉ huy sau khi vào được Thăng Long đã đồn trú tại Chương Dương - Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) để phòng ngự phía nam. Tại đây, quân và dân nhà Trần do Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải chỉ huy đã đánh tan quân Nguyên Mông, tạo đà tiến công giải phóng kinh thành Thăng Long. Trên đường phò vua Trần Nhân Tông về kinh, Trần Quang Khải đã làm bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” (Phò giá về kinh) nổi tiếng. Hiện nay, bến Chương Dương là một trong những bến sông đông đúc nhất phía nam Thủ đô, nối với tỉnh Hưng Yên.

Năm 2013, cụm di tích đền và bến Chương Dương được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, điểm di tích bến Chương Dương hiện không có đền thờ hay biển báo khiến địa danh này dần chìm vào quên lãng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lừng lẫy đền và bến Chương Dương