Kế thừa, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của hương ước xưa

Khánh Thư| 24/04/2021 17:30

(HNMCT) - Theo các nhà nghiên cứu, hương ước là một thuật ngữ dùng để chỉ những quy ước do các làng xã tự soạn ra. Tùy từng làng xã khác nhau mà hương ước cũng được gọi bằng những tên khác nhau như: Hương khoán, hương lệ, khoán ước, khoán lệ, điều ước, tục lệ. Các hương ước đều xoay quanh những quy định về cơ cấu tổ chức làng xã, các quan hệ xã hội, cách xử lý đối với công điền, công thổ, an ninh trật tự, tục lệ cưới xin, ma chay, các nghĩa vụ với chính quyền, khen thưởng và xử phạt...

Đình làng Bát Tràng, Hà Nội. Ảnh: Lê Giang

Ở vùng ngoại thành Hà Nội xưa, nhiều hương ước thành văn hiện còn được lưu giữ đã cho thấy muôn mặt cuộc sống đời thường của người dân nơi đây. Đơn cử như hương ước làng Định Công Thượng, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) lập năm 1923 không chỉ có những điều mục về chính trị  - xã hội (tổ chức hội đồng giáp biểu, cách bầu cử, sưu thuế, sự kiện cáo, sự canh phòng trong làng, canh ngoài đồng, việc cấp cứu, vệ sinh, cầu đường, xét gian lận, giữ công sản) mà còn có những điều mục về phong tục quy định về điền thổ, hôn lễ, tang lễ, tế tự, khao vọng, vị thứ... Hay như hương lệ xã La Nội, Ỷ La (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông) thì kê ra các điều ước về việc phụng thờ thần cầu phúc, quý tước tôn hiền, vụ nông trọng cốc (chăm lo sản xuất và coi trọng trồng cấy), tục cấm đánh bạc, phòng trộm cướp, giữ gìn an ninh...

Có một điểm chung của hương ước vùng ngoại thành Hà Nội xưa rất dễ nhận thấy, đó là các hương ước đều đưa ra quy định chặt chẽ, rõ ràng, đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân đối với cộng đồng. Hương ước làng Tiên Tiến thuộc tổng Phương Hanh, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) gồm 127 điều, trong đó có một số điều quy định rất cụ thể như: “Ai làm việc riêng mà hại đến đường, cầu cống chung của làng thời phạt người ấy từ 1 hào đến 1 đồng, phải đắp đền ngay” (điều 62), “Cấm không ai được chăn trâu bò trên bờ ruộng khi đã cấy lúa. Ai phạm phạt 1 hào, nếu trâu bò ăn lúa của người ta lại phải đền nữa” (điều 65).

Hương ước làng Xa Mạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc xã Xa Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội) quy định về trách nhiệm với sự an toàn của cộng đồng, làng xóm, ghi rõ: “Gặp lúc cần cấp như là cướp bóc hay đê sản, trừ những người 60 tuổi trở lên và những người yếu đuối, còn người làng nghe hiệu, đều phải lập tức đến cứu, nếu ai trễ biếng không đến cứu, Hương hội xét thực, phạt từ 2 đến 5 hào” (điều 38).

Tục lệ xã Thuần Mỹ, tổng Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có quy định: “Dân trong xã nếu người nào trộm trâu bò, gà lợn và các đồ vật hoa quả... bắt được sẽ phải bồi thường. Lại phạt 30 quan tiền hoặc nếu ai dẫn dắt bọn hung đồ về làng sinh sự điều tra đúng sự thực sẽ bị phạt 50 quan tiền, xóa khỏi hương tịch. Nếu người nào bắt được bọn trộm sẽ được thưởng tiền 10 quan. Bắt được bọn cướp thì được thưởng 20 quan” (điều 28).

Vì từng làng soạn thảo trên cơ sở những đặc điểm riêng của địa phương mình nên một số điều khoản trong các hương ước có sự khác biệt. Đáng chú ý, nhiều hương ước thể hiện những nội dung rất tiến bộ. Về sự vệ sinh, hương ước làng Ước Lễ, tổng Ước Lễ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) trong điều mục nêu rõ: “Muốn cho người làng mạnh khỏe cần phải theo phép vệ sinh, một là phòng bệnh, hai là chữa bệnh” (điều 52), “Cấm không ai được vứt vật uế ra ngoài đường và làm nhà xí bên đường. Ai phạm cầm thì Hội đồng phạt từ 1 hào đến 5 hào” (điều 54), “Các giếng nước uống phải tìm cách giữ gìn cho được trong sạch. Những phí tổn về sự sửa giếng dân trích tiền công để chi” (điều 55).

Về giáo dục, lệ làng Bát Tràng (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) điều 84, 85, 86 nêu: “Làm cha mẹ phải cho con theo sở đẳng học thực, vậy phải lập một học đường trong làng để trẻ con đến đây học”, “Tiền chi phí về học vụ với lại tiền lương giáo sự thời lấy tiền công dân mà chi những khoản ấy”, “Cứ theo nhẽ thời trẻ con 8 tuổi phải đến trường học”.

Điểm lại một số hương ước vùng ngoại thành Hà Nội xưa, không chỉ thấy được phần nào cuộc sống của ông cha ta mà còn hiểu thêm về phong tục, lề thói, giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống đã được tạo dựng qua nhiều thế hệ. Theo PGS.TS Đỗ Thị Hảo (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) nếu loại đi tất cả những hủ tục như khao vọng, chè chén, sự bất bình đẳng về ngôi thứ, sự khắc nghiệt đến tàn nhẫn đối với phụ nữ của ngày xưa, chắc rằng những điều mục trong hương ước đã góp phần không nhỏ tạo nên nét thanh lịch, những thuần phong mỹ tục của người Hà Nội. Trong bối cảnh hiện nay, khi chương trình xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch tiếp tục được chú trọng, việc kế thừa và tiếp nối truyền thống văn hóa tốt đẹp trong những hương ước xưa là điều rất cần lưu tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kế thừa, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của hương ước xưa