Đình Hướng Dương

Kiều Mộc| 09/04/2021 13:47

(HNMCT) - Đình Hướng Dương (thôn Hướng Dương, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) tọa lạc trên thế đất đẹp, phong cảnh hữu tình, trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị.

Đình Hướng Dương nằm ngay cạnh cổng làng, quay về hướng đông bắc. Không gian của đình rất rộng, gồm hồ bán nguyệt nước trong xanh, có đảo nhân tạo ở giữa và cầu bắc ra đảo, được nhân dân xây dựng năm 2012. Bên phải đình là nhà bia; bên trái có một cây đa lớn, tán đều, rủ bóng xuống hồ nước, tạo nên khung cảnh dân dã của làng quê.

Đình Hướng Dương thờ phụng 2 vị Thành hoàng làng là Uy linh Tây vực phù vịnh quốc minh mẫu đại vương và Kiều cung Đế mẫu công chúa thủy tinh thần tiên quốc vương (tức Đại vương thánh Mẫu). Tương truyền, hai vị thánh từng âm phù giúp vua Lý Nhân Tông dẹp giặc ngoại xâm nơi biên cương vào thế kỷ XII.

Trong đình còn lưu giữ 29 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến sắc phong cho 2 vị Thành hoàng làng. Trong đó, đạo sắc phong niên đại sớm nhất vào năm 1639, thời vua Lê Thần Tông (1607 - 1662).

Ngoài ra, đình có tấm bia đá đề chữ “Đoàn giáp hậu vị bi ký” cao 1,2m; rộng 80cm. Bia được dựng năm 1925, thời vua Khải Định nhà Nguyễn, lòng bia khắc 25 dòng chữ Hán đến nay vẫn còn đọc rõ. Quả chuông đồng có đề chữ Hán: “Hướng Dương linh điện” được đúc vào năm 1892, thời vua Thành Thái (1889 - 1907), nặng 80kg. Bài minh trên chuông ghi lại tên của những người đóng góp của cải đúc chuông.

Ngôi đình được xây theo kiểu chữ Nhị, gồm đại bái, ống muống và hậu cung. Trước mặt đình là tấm bình phong với 4 hàng câu đối, hai bên có lối đi vào sân rộng rãi. Tòa đại bái có 5 gian 2 dĩ, 4 đầu đao vút cong, hai bên hồi đều có mái. Kiến trúc khung nhà gồm 4 hàng cột của 6 bộ vì theo kiểu thượng chồng rường, hạ cốn bảy, các bức cốn đều chạm tứ linh, tứ quý rất sinh động. Hậu cung nằm song song với đại bái được nối với nhau qua ống muống. Hậu cung có 3 hàng cột tròn, đầu rường có chạm hoa văn thực vật.

Năm 2018, đình được trùng tu, tôn tạo lớn và có diện mạo như ngày nay. Đình Hướng Dương được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995, cùng đợt với chùa làng Hướng Dương, đình làng Khoái Cầu và chùa làng Khoái Cầu đều ở xã Thắng Lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Hướng Dương