''Của hiếm'' xứ Đoài

Lam Điền - Ảnh: Nguyễn Thắm| 13/02/2021 06:50

(HNMCT) - Nghiên cứu về đình Tường Phiêu, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận xét: “Cổ nhất. Độc nhất. Một viên ngọc quý chứng tỏ sức sáng tạo tuyệt vời của người Việt, chứa đựng cả ba yếu tố chân - thiện - mỹ”. Di tích và lễ hội đình Tường Phiêu bao hàm các giá trị: Kết nối cộng đồng, cân bằng đời sống tâm linh, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Một mảng kiến trúc chi tiết trong đình Tường Phiêu.

Ngôi đình độc đáo

Đình làng Tường Phiêu (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) được khởi công xây dựng năm 1430, về sau trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo. Đình nhìn hướng Tây Nam, nơi có “núi Tổ” Ba Vì, hàm ý ngưỡng vọng thần núi Tản Viên Sơn Thánh đã xuống làng dạy dân trồng lúa, đánh cá.

Kiến trúc nghệ thuật của đình Tường Phiêu có nhiều nét khác biệt với những ngôi đình khác. Nằm ở ngã ba đường làng, xung quanh đình có tường bao thấp bằng đá ong, hai hạng mục chính là nghi môn và đại bái. Nghi môn gồm 2 trụ biểu xây bằng các khối đá ong xếp chồng lên nhau, tạo hình đế thắt cổ bồng, thân trụ soi gờ kẻ chỉ; đỉnh trụ đắp 4 hình phượng chầu; 4 góc là 4 đầu rồng, đuôi chụm vào nhau, hướng lên cao, rất thanh thoát. Đại bái hình chữ “Nhất” (một nét ngang) gồm 5 gian 2 dĩ dài 20m, rộng 10m. Hai gian bên làm kiểu nhà sàn, lát ván gỗ, có bậc gỗ đi lên, tạo ra kiểu “lòng giếng” ở gian giữa. Phía cuối gian giữa là ban thờ, có khám thờ Tản Viên Sơn Thánh chạm trổ công phu và hệ thống chấn song chạm rồng xoắn nổi, là những chi tiết không có ở đình khác. Bộ khung đình dựng hoàn toàn bằng gỗ lim. Các cột cái có chu vi rất lớn, từ 1,8m đến 1,9m.

Theo cụ Nguyễn Trí Dương, nguyên Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tích Giang, giá trị kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình tập trung ở tòa đại bái. Đó là những mảng điêu khắc đặc biệt, nét chạm trổ hình tượng rồng, long mã, chim phượng, tiên nữ cưỡi rồng, cảnh người dâng lễ lên đình... trên các đầu dư, bức cốn, xà nách. Các bức cốn ở gian giữa thể hiện đề tài rồng mẫu tử (rồng mẹ và rồng con), long mã, chim phượng... 

Chi tiết rất đặc biệt là rồng ấp (gần giống như hình rồng mẫu tử nhưng xếp chồng liền nhau) được nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền đánh giá là chi tiết tạo tác mang phong cách kiến trúc có niên đại cổ nhất so với các hình tượng rồng khác được chạm khắc phổ biến từ thế kỷ XVII về sau, góp phần khẳng định đình Tường Phiêu là công trình rất cổ. Trên các rường cụt chỉ có hình “độc long” (rồng lẻ) với miệng loe, mắt lồi, tai dơi, tóc râu hình đao mác, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII. Hệ thống mái cong và các đầu đao cong vút cũng là những chi tiết rất nổi bật. Trên bờ nóc có hình tượng "lưỡng long chầu trời" được đắp nổi rất sinh động. Ở đầu bờ nóc có đắp nổi hình 2 con kìm, còn trên bờ dải đắp nổi hình cặp sấu đối xứng.

Nghi môn đình Tường Phiêu.

Điều đáng chú ý là trong đình chỉ có một hoành phi đề 4 chữ Hán "Mỹ tục khả phong" và một đôi câu đối. Những di vật quý còn được lưu giữ gồm 3 bộ kiệu, 3 bộ long ngai niên đại thế kỷ XVIII, mâm ấu thế kỷ XIX, 6 đạo sắc phong, nhang án phong cách đầu thế kỷ XX...

Là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có giá trị cao về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, đình Tường Phiêu thực sự là “của hiếm xứ Đoài” và được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2018.

Nơi bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc

Không chỉ có giá trị văn hóa vật thể độc đáo, đình Tường Phiêu còn là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, thể hiện rõ nhất ở lễ hội làng với những vật dụng, nghi thức hiếm thấy ở những nơi khác.

Đình thờ Thành hoàng làng là Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) và Quán Sơn Thành hoàng (con rể vua Đinh Tiên Hoàng). Trong các lễ tiết trong năm thì lớn nhất là ngày lễ dịp rằm tháng Giêng, kéo dài từ ngày 14 đến 16 âm lịch, thu hút toàn thể dân làng và đông đảo du khách. Vật dụng nổi bật là 4 cây đuốc lớn tượng trưng cho 4 cổng làng cổ, cháy sáng suốt kỳ lễ hội. Tre làm đuốc được ngâm bùn kỹ, kết thành hình chiếc đó đánh cá dựng ngược, cao 9 - 13m; đường kính trên đỉnh 0,9m. Trong thân đuốc có nhiều cây tre bánh tẻ khô, khi cháy sẽ phát ra tiếng nổ và bung tàn cao rộng như pháo hoa. Từ 20h ngày 14, dân làng đốt đuốc, rước kiệu thánh từ đền Ngo về đình. Ánh sáng từ 4 cây đuốc khổng lồ và nhiều cây đuốc nhỏ (đuốc rồng) soi đường cho đoàn rước. Trong lễ tế thánh ở đình, đội tế có 3 chủ tế, 3 bồi tế (các nơi khác chỉ có 1 chủ tế, 2 bồi tế). Nhiều yếu tố truyền thống vẫn được lưu giữ như: Nghi thức và nghi lễ tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Tản Viên đánh giặc giữ nước, giúp dân xây dựng xóm làng; nghi lễ, nghi thức cầu mưa, cầu được mùa... Phần hội có hát chèo, thi nấu cơm, thi đấu thể thao.

Đại bái đình Tường Phiêu.

Các lễ tiết khác ở đình là ngày 14-5 âm lịch (lễ thánh tạ thế), ngày 15-8 âm lịch (lễ nhân ngày thánh được phong chức) và ngày 15 tháng Chạp (lễ tế tạ).

Đình Tường Phiêu là trung tâm sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư, là biểu tượng của làng, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân. Lễ hội đình Tường Phiêu đặc sắc ở chỗ bao gồm nhiều lớp văn hóa tích hợp, gồm lớp văn hóa thần thoại về tam vị Thánh Tản, lớp văn hóa tín ngưỡng thờ thần núi, lớp văn hóa nông nghiệp, lớp văn hóa thờ cúng tổ tiên... Di tích và lễ hội đình Tường Phiêu bao hàm giá trị kết nối cộng đồng; cân bằng đời sống tâm linh; sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tất cả hòa quyện thành tài nguyên nhân văn để góp phần phát triển du lịch ở một vùng đất nhiều tiềm năng nhưng mới chỉ bước đầu được khai thác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Của hiếm'' xứ Đoài