Văn học Thăng Long - Hà Nội: Ngàn năm hội tụ, lan tỏa tinh hoa

Nguyễn Thanh Tâm| 10/02/2021 08:49

(HNMCT) - Theo các nhà nghiên cứu, văn học Thăng Long - Hà Nội không chỉ là một định danh dựa trên những khu biệt về mặt địa dư. Bởi, với vị thế kinh đô/thủ đô, Thăng Long - Hà Nội luôn là trung tâm chính trị, trung tâm lớn về kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Ở đó luôn diễn ra hai quá trình: Tự phát sáng, lan tỏa và thu hút ánh sáng từ muôn phương tụ về. Từ hai quá trình gắn bó mật thiết đó, văn học Thăng Long - Hà Nội mang một sắc thái, địa vị khác hẳn so với mọi vùng văn chương trong nước.

1. Những cơ sở mà vua Lý Thái Tổ nêu khi dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long) đến nay vẫn đúng. Vùng đất được chọn mang thế “rồng cuộn hổ ngồi”, “tiện nghi núi sau sông trước”, “đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (Chiếu dời đô). Không chỉ “địa lợi”, điều kiện “thiên thời” (thời điểm kinh đô cần được mở rộng để phát triển mạnh mẽ hơn, thay vì thế phòng thủ ở Hoa Lư) cũng cho thấy tính hợp lý trong quyết định dời đô. Dẫu vậy, phải có thêm yếu tố con người (“nhân hòa”) hợp sức mới làm nên vị thế trung tâm ngàn đời của Thăng Long - Hà Nội. Chính yếu tố con người, trong các điều kiện tự nhiên, lịch sử đã phát huy hết mọi thế mạnh, tiềm lực, tinh hoa, làm nên truyền thống văn hiến, văn học Thăng Long - Hà Nội, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến diện mạo văn học Việt Nam hàng ngàn năm qua.

Chiếu dời đô mở ra kỷ nguyên thịnh trị cho nhà nước phong kiến Đại Việt, có giá trị nhiều mặt, thể hiện tầm nhìn vượt thời gian của vị vua khai mở triều Lý. Nói đến triều đại này không thể không nhắc đến Lý Thường Kiệt với những chiến công hiển hách và ý chí độc lập, tự cường trong áng thơ huyền thoại Nam quốc sơn hà. Cùng với đó là Mãn Giác Thiền Sư với tuyệt bút Cáo tật thị chúng.

Văn học Lý - Trần nảy nở trên nền thịnh trị của đất nước, mà Thăng Long là nơi quần anh tụ hội với những tên tuổi đi vào lịch sử dân tộc thế kỷ X - XIV. Những cái tên lừng lẫy như Trần Thái Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông... vừa làm rạng danh Đại Việt trên bình diện chính trị, quân sự, vừa xiển dương các giá trị văn hóa, tôn giáo trong các tác phẩm của mình. Đó là hào khí Đông A trong Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải, những bài thơ hòa quyện đạo và đời của Trần Nhân Tông (Cư trần lạc đạo, Thiên Trường vãn vọng, Xuân hiểu)...

2. Lịch sử dân tộc chứng kiến nhiều thăng trầm dâu bể, kinh đô có lúc dời về Thanh Hóa (thành Tây Giai) dưới thời nhà Hồ. Kháng chiến 10 năm chống quân Minh thắng lợi, Thăng Long trở lại vị thế đế kinh. Mạch nguồn văn chương từ Lý - Trần được tiếp thêm tinh lực, đơm hoa kết trái. Ở khía cạnh văn học - văn hiến, triều đại Lê sơ có một Nguyễn Trãi với những áng thơ Nôm bình dị bên cạnh những áng văn nghị luận giàu trí tuệ, đậm tính nhân văn, và lịch sử còn mãi nhắc Bình Ngô đại cáo với tư tưởng nhân nghĩa sâu sắc. Thời đại ấy thơ Nôm, chữ Nôm được khuếch trương, thể loại thơ 6 chữ xen 7 chữ được trưng dụng với dáng vẻ thân thuộc, gần gũi. Đặc biệt, sự xuất hiện nhóm văn chương hàn lâm “Tao đàn nhị thập bát tú” mà chủ súy là vua Lê Thánh Tông đã đem lại sắc thái an bình, thịnh trị cho đất Việt trời Nam.

Thế kỷ XVI - XIX, đất nước trải qua nhiều biến cố liên quan đến vai trò của các vương triều... Mấy thế kỷ kéo dài nỗi niềm thương hải tang điền cũng ánh hiện vào văn chương Thăng Long - Hà Nội. Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn gửi gắm ý tình của kẻ sĩ trước thời thế thông qua tâm sự của người cung nữ, chinh phụ. Hình ảnh Thăng Long cũng hiện lên trong Thượng kinh ký sự (Lê Hữu Trác), Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ), Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án), Phú tụng Tây Hồ (Nguyễn Huy Lượng), Sơ kính tân trang (Phạm Thái)...

Dù là người Tràng An hay bốn phương tụ về, Thăng Long - Hà Nội vẫn chiếu rọi, thẩm thấu vào cảm xúc, suy tư của các tác giả để nói lên nỗi niềm của kẻ sĩ trước thời cuộc. Vẫn có thể nhận ra những kết tụ văn chương đặc sắc trong tao loạn. Ngoài dòng họ Ngô Thì thi thư với Ngô Gia văn phái làm rạng rỡ đất Thăng Long - tiêu biểu là Hoàng Lê nhất thống chí đỉnh cao của tiểu thuyết chương hồi Việt Nam thời trung đại, còn rất nhiều ngôi sao trên bầu trời văn chương Thăng Long như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu...

Dưới triều Nguyễn, dù không là kinh đô nhưng Thăng Long - Hà Nội vẫn chứng tỏ khả năng lôi cuốn nhân tài, kích hoạt tiềm năng tinh hoa trong văn nhân. Truyện Kiều là một thiên tuyệt bút mà nếu không có nét tài hoa, lịch duyệt được nhuận sắc bởi đất kinh kỳ, e là Nguyễn Du khó lòng đạt đến. Cá tính của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương nếu chẳng nhờ môi trường tụ hội quần anh cũng khó phát huy đến độ. Ở vẻ khác, nét thâm nghiêm, đài các của đất đế kinh hiện lên một cách u hoài trong thơ Bà huyện Thanh Quan. Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu tạo thành cặp “Thần Siêu, Thánh Quát” cũng bởi nguyên khí Thăng Long - Hà Nội hun đúc.

3. Nửa đầu thế kỷ XX, cấu trúc xã hội Việt Nam thay đổi theo làn sóng Âu hóa, văn chương cũng chuyển mình theo hướng hiện đại với nhiều thành tựu xứng đáng là đỉnh cao. Văn sĩ, trí thức hội tụ về Hà Nội với nhiều tên tuổi lừng danh. Hoạt động văn chương, tiểu thuyết lãng mạn của Tự Lực văn đoàn; những sáng tác đậm màu sắc hiện thực của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp; truyện và tùy bút của Nguyễn Tuân, Thạch Lam và nhất là phong trào Thơ mới làm nên một thời đại thi ca với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Đoàn Phú Tứ... Dù không phải là tất cả, nhưng nền văn chương - báo chí cũng như hoạt động tri thức, canh tân xã hội ở Hà Nội đã hiện lên một cách mạnh mẽ nhất, minh chứng cho vị thế tụ hội tinh hoa.

Giai đoạn 1945 - 1975, văn học Hà Nội tiếp tục phát triển trong tinh thần sử thi, đấu tranh chống ngoại xâm. Trong khói lửa chiến tranh, nét hào hoa của người Hà Nội vẫn in đậm trong thơ Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao... Những tác phẩm của Tế Hanh, Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Tuân... mang nhiều cảm hứng về một Hà Nội yêu thương, gắn bó, tự hào...

4. Văn học Hà Nội đương đại có lẽ là một mảnh ghép lớn chưa thể mô tả một cách hoàn kết. Dẫu sao, khi nói về truyền thống văn chương Thăng Long - Hà Nội, từ điểm nhìn đương đại, quy chiếu vào hiện tại, Hà Nội vẫn là một trung tâm lớn nhất cả nước trong các hoạt động văn chương, nghệ thuật. Chỉ riêng lĩnh vực văn học, có thể điểm ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người cầm bút đang sống và viết ở Thủ đô. Có lẽ không cần (và cũng rất khó) điểm danh, nhưng nhìn vào các diễn đàn văn nghệ đang bung nở ở Thủ đô, các “hạt nhân” như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, các tờ báo, tạp chí của Trung ương và Hà Nội, các nhà xuất bản, các trung tâm nghiên cứu văn học đã quy tụ rất nhiều tên tuổi làm sôi động đời sống văn nghệ thành phố. Chưa kể những cây bút “tay ngang” đang miệt mài thể hiện tình yêu với văn chương, với Hà Nội. Bầu không khí văn nghệ đó, phải nói rằng, trên khắp cả nước không đâu có được.

Hình dung về truyền thống văn học Thăng Long - Hà Nội từ ngàn xưa đến nay vốn là điều khó, biểu đạt lịch sử thăng trầm dài rộng, bộn bề ấy trong một bài viết cũng nan giải không kém. Dẫu vậy, cũng có thể ít nhiều cảm nhận được về không gian văn học Thăng Long - Hà Nội với tính chất là một trung tâm cả về số lượng, chất lượng và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến lịch sử văn chương Việt Nam. Nền văn học đó được đánh giá là vừa nặng tính chất chính thống quan phương lại vừa chứa đựng tiềm năng dân chủ hóa, vừa giàu chất trí tuệ lại vừa đậm sắc thái trữ tình.

Đặc tính đó làm cho văn học Thủ đô khác mọi vùng không gian văn học trong nước, đồng thời, đó cũng là nguồn sinh lực duy trì “vận mệnh hết sức lâu dài” của văn học Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn học Thăng Long - Hà Nội: Ngàn năm hội tụ, lan tỏa tinh hoa