Ngưỡng vọng những lộng lẫy vàng son

Ngọa Vân| 09/02/2021 06:32

(HNMCT) - Choáng ngợp là cảm giác chung của bất cứ ai khi bước vào không gian thực tế ảo do nhóm Sen Heritage thực hiện để khám phá chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Nhưng những ai từng biết đến dấu tích tòa nhà 9 gian khổng lồ hay đường nước lớn rộng 2m, có lịch sử nghìn năm được đào ở Hoàng thành Thăng Long, sẽ coi đó là điều tất yếu. Lý triều đã kiến tạo những công trình hùng tráng lộng lẫy vàng son, để nghìn năm sau chúng ta vẫn ngưỡng vọng về tài năng, sự sáng tạo của người xưa.

Liên Hoa đài.

Vẻ đẹp hùng tráng và tinh mỹ

Không ít người đặt câu hỏi, liệu công trình chùa Diên Hựu do nhóm Sen Heritage phỏng dựng có sát với thực tế kiến trúc thời Lý không?

Các thành viên của Sen Heritage đều thừa nhận còn nhiều chi tiết phải chỉnh sửa để công trình phỏng dựng sát với nguyên gốc. Nhưng về quy mô chùa Diên Hựu, nếu so với kiến trúc thời Lý, đó lại là điều hợp lý. Khi công trường khảo cổ ở 18 Hoàng Diệu phát lộ, những phế tích kiến trúc đã làm các nhà nghiên cứu choáng váng. Thí dụ, có phế tích của một tòa nhà 9 gian, mỗi bước gian rộng từ 5,8m đến 6m. Nghĩa là, bề mặt của tòa nhà ấy rộng hơn 50m, rộng lớn vượt xa bất cứ công trình gỗ nào từ xa xưa còn lại. Kiến trúc sư Trần Thanh Tùng, thành viên của Sen Heritage nhấn mạnh: Cần nhớ rằng Diên Hựu tự là chùa Hoàng gia của triều Lý, do đích thân vua Lý Thái Tông cho xây dựng, các vua đời sau cho trùng tu lớn.

Hiếm ngôi chùa nào mà hậu thế còn được biết một cách cụ thể về quy mô, cấu trúc như Diên Hựu tự. Bia Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi, Hà Nam) chính là nguồn sử liệu quan trọng hàng đầu. Tiến sĩ Trần Trọng Dương, thành viên Sen Heritage, người có nhiều năm nghiên cứu về chùa Diên Hựu cho biết: “Chỉ cần vẽ phác thảo đoạn minh văn trong bia Sùng Thiện Diên Linh đã ghi: “Đào ao thơm mang tên Linh Chiêu; giữa ao kia cột đá vọt đứng. Đỉnh cột nở ngàn cánh hoa sen; hoa đặt vững một tòa điện thắm. Trong điện đặt Thích Ca Kim Tướng; bên ngoài ao là hành lang vẽ bọc quanh. Ngoài hành lang có Bích Trì khơi vòng; đều bắc cầu vồng đi thông vào...” sẽ hiện ngay ra cấu trúc đồ hình Mạn-đà-la - đồ hình phản ánh vũ trụ quan Phật giáo. Điều ấy có nghĩa, toàn bộ ngôi chùa chính là một Mạn-đà-la, trong đó, kiến trúc Liên Hoa đài (tháp Hoa Sen, ngày nay thường gọi là Một Cột) nằm ở trung tâm. Chúng tôi chưa từng thấy kiến trúc nào như Liên Hoa đài nằm trên một cột đá trong một hồ nước, hồ nước ấy lại được bao ngoài bởi một hồ nước nữa”.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương khẳng định, đồ hình Mạn-đà-la chùa Diên Hựu không giống với đồ hình Mạn-đà-la của một số tông phái Phật giáo. Phải chăng, đó là một “Mạn-đà-la Việt” do người Việt sáng tạo ra. Và việc có một công trình kiến trúc được dựng trên một cột đá khiến Liên Hoa đài gần như là “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Hùng tráng và tinh mỹ là những từ dành cho nhiều công trình kiến trúc thời Lý, trong đó có chùa Diên Hựu.

Không gian chùa Diên Hựu thực chất là một đồ hình Mạn-đà-la với Liên Hoa đài ở trung tâm.

Hướng đi mới trong truyền bá di sản

Chính vì kiến trúc một cột hầu như không gặp trên thế giới nên các nhà nghiên cứu đã tốn rất nhiều công sức mày mò tạo dựng một kết cấu hợp lý có khả năng chịu lực để đỡ một kiến trúc lớn bên trên. Càng nhiều lần “phá đi xây lại”, nhóm tác giả càng thêm thán phục về tài kiến trúc của người xưa. Ngoài những ghi chép còn lại thì cột đá chùa Dạm (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) là cứ liệu quan trọng để nhóm nghiên cứu phỏng dựng Liên Hoa đài. Sở dĩ cột đá chùa Dạm được lấy làm cơ sở phục dựng Liên Hoa đài chùa Diên Hựu vì quanh cột đá chùa Dạm có sáu lỗ ngàm. Đây chính là chỗ để lắp các cấu kiện chịu lực cho các cấu kiện bên trên. 

Nếu trước kia, hiểu biết về kiến trúc, trang trí kiến trúc thời Lý còn hạn chế thì khoảng 20 năm trở lại đây, theo Tiến sĩ Trần Trọng Dương, những phát hiện khảo cổ, nhất là tại Hoàng thành Thăng Long đã cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích về quy mô, hình thái, trang trí kiến trúc. Đây là những cơ sở quan trọng để phỏng dựng hoặc phục dựng các kiến trúc lâu đời.

Khi trưng bày Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) dịp cuối năm 2020, nhiều bạn trẻ đã xếp hàng chờ tham quan. Khi trả kính thực tế ảo rồi mà họ vẫn tiếc nuối. Điều đó cho thấy, giới trẻ không quay lưng lại với di sản như chúng ta vẫn nghĩ. Giới trẻ ngày nay đam mê công nghệ. Sự kết hợp giữa di sản và công nghệ giúp khách tham quan được “bước đi” trong chùa, được “chạm” vào quá khứ.

Thành công của nhóm Sen Heritage không chỉ là gợi ý trong phục dựng, phỏng dựng những kiến trúc cổ xưa, mà còn là bài học đắt giá trong ứng dụng công nghệ để giáo dục di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngưỡng vọng những lộng lẫy vàng son