Ký ức hào hùng của thanh niên Binh đoàn 40

Dương Linh| 05/12/2020 06:30

(HNM) - Ngày 10-12-1970, tại huyện Thạch Thất, hơn 4.000 cán bộ, đoàn viên thanh niên của “Binh đoàn 40 - Thanh niên Hà Tây làm theo lời Bác” đã tham dự khởi công công trình thủy lợi Đồng Mô - Ngải Sơn (thị xã Sơn Tây). Nửa thế kỷ đã trôi qua, đến nay, tất cả các cán bộ Đoàn ngày đó đều đã trên dưới 80 tuổi, nhưng kỷ niệm về những năm tháng gian lao mà khí thế sôi nổi, hào hùng vẫn in đậm trong ký ức, trái tim họ…

Những thành viên của “Binh đoàn 40 - Thanh niên Hà Tây làm theo lời Bác” năm xưa thăm lại công trình thủy lợi Đồng Mô - Ngải Sơn (thị xã Sơn Tây).

Đâu cần thanh niên có

Một ngày đầu đông năm 2020, tôi tham gia chuyến đi cùng các cựu cán bộ Đoàn thăm lại công trình thủy lợi Đồng Mô - Ngải Sơn. Ông Lê Thanh Doãn, Trưởng ban liên lạc “Binh đoàn 40 - Thanh niên Hà Tây làm theo lời Bác”, nguyên Trưởng ban Chỉ huy công trình thủy lợi Đồng Mô - Ngải Sơn, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tây lúc bấy giờ cho biết: “Đã lâu rồi chúng tôi mới có dịp thăm lại công trình mà 50 năm trước tham gia xây dựng. Để đạt mục tiêu năng suất lúa 5 tấn/ha trong thập niên 7 của thế kỷ XX, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và phục vụ sự nghiệp thống nhất đất nước, được sự đồng ý của Chính phủ, Tỉnh ủy Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) chủ trương xây dựng công trình thủy lợi Đồng Mô - Ngải Sơn. Công trình có hai phần chính: Hồ nước rộng 1.140ha có sức chứa 61 triệu mét khối nước và tuyến kênh dài 26km, dẫn nước tưới cho 12.000ha của 3 huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ. Hồ Đồng Mô - Ngải Sơn do Bộ Thủy lợi đảm nhiệm, còn phần kênh thì Tỉnh ủy Hà Tây giao cho Đoàn Thanh niên tỉnh thực hiện”.

Nhận nhiệm vụ, tháng 10-1970, Tỉnh đoàn Hà Tây huy động cán bộ, đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh ra quân, thực hiện lời Bác dặn: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, lấy tên gọi “Binh đoàn 40 - Thanh niên Hà Tây làm theo lời Bác”, với ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/1971). Chỉ sau gần một tháng phát động, hơn 1 vạn đoàn viên toàn tỉnh đã ghi tên tình nguyện lên đường xây dựng công trình.

Câu chuyện về những tháng ngày gian khổ nhưng đầy sôi nổi được lần giở lại. Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, nguyên Bí thư Đoàn xã Văn Khê (nay là phường La Khê, quận Hà Đông) chia sẻ: “Chúng tôi đến công trường bằng đủ loại phương tiện, trong đó xe đạp là chính. Khi đó, cuộc sống rất vất vả, trong tay chỉ có dụng cụ thô sơ, chúng tôi vẫn ngày đêm đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, vượt qua đồi cao, đồng ruộng lầy lội. Đã vậy, thời tiết lại khắc nghiệt. Nhưng bằng sức trẻ và quyết tâm mạnh mẽ, luôn nghĩ đến miền Nam ruột thịt, làm sao để có lương thực chi viện cho đồng bào, chúng tôi không ai nản chí”. 

Bồi hồi nhớ về một thời nhiệt huyết, bà Nguyễn Thị Tước, nguyên cán bộ Đoàn huyện Thanh Oai kể: “Ngày đó, chúng tôi háo hức khi được tham gia công trình thanh niên tình nguyện và sau giờ lao động có tổ chức thêm nhiều hoạt động vui lắm nên chẳng ai muốn về. Không hiểu sao lúc đó khó khăn gian khổ như vậy nhưng tinh thần lạc quan luôn phơi phới. Có lúc thiếu người, chúng tôi phải đạp xe về trong đêm để lấy thêm đoàn viên lên chi viện cho công trường. Là cán bộ Đoàn nên chúng tôi phải lo chỗ ăn, ở hằng ngày cho đoàn viên, động viên để mọi người hoàn thành và vượt năng suất lao động, cũng như trực tiếp giám sát lao động của đơn vị mình trên công trường…”.

Với khí thế hừng hực của thanh niên, sau 2 năm, công trình thủy lợi hồ Đồng Mô - Ngải Sơn đã hoàn thành. “Chỉ với sức người và phương tiện thô sơ là cuốc, xẻng, búa chim, quang gánh, xe cải tiến…, chúng tôi hoàn thành 26km kênh dẫn nước cùng các hạng mục khác. Trong suốt thời gian xây dựng công trình, để bảo đảm sức khỏe cho thanh niên, công trường đã có nhiều lần đổi quân, tổng cộng đã có khoảng 10 vạn lượt thanh niên tham gia xây dựng công trình”, ông Lê Thanh Doãn nhớ lại.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tây Vương Văn Biện đánh giá: “Đến nay, công trình thủy lợi Đồng Mô - Ngải Sơn vẫn phát huy hiệu quả, bảo đảm đủ nước tưới cho hơn chục nghìn héc ta lúa và hồ Đồng Mô còn trở thành khu du lịch nổi tiếng, trong đó có công sức to lớn của Đoàn Thanh niên tỉnh Hà Tây”.

Mãi ghi nhớ và làm theo lời Bác

Vinh dự được đại diện cho thế hệ đoàn viên, thanh niên gặp Bác Hồ năm 1966, khi Người về thăm tỉnh Hà Tây, ông Nguyễn Văn Nhâm, nguyên Phó Bí thư Huyện đoàn Tùng Thiện (nay là huyện Ba Vì) chia sẻ: “Tôi không bao giờ quên kỷ niệm đó. Tôi học Bác ở sự gần gũi và giản dị. Bác Hồ đã quên mình vì dân vì nước, do vậy sau khi tham gia xây dựng công trình thủy lợi Đồng Mô - Ngải Sơn, tôi tiếp tục đi thanh niên xung phong, sẵn sàng lên đường làm bất cứ việc gì theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ”.

Cũng như ông Nhâm, từ những tháng năm tham gia xây dựng công trình cho đến khi về công tác tại Nhà máy Ươm tơ Mỹ Đức, bà Nguyễn Thị Hà, nguyên Bí thư Đoàn xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người. Giờ đây, tuy tuổi đã cao nhưng bà Hà vẫn giữ vai trò Chi hội trưởng phụ nữ, Chi hội trưởng người cao tuổi tổ 7, phường Quang Trung (quận Hà Đông), nhiệt huyết hết mình và có nhiều đóng góp trong phong trào ở địa phương. “Ngọn lửa thanh niên làm theo lời Bác luôn có trong tôi. Còn sức khỏe tôi còn cống hiến cho cộng đồng…”, bà Hà chia sẻ.

50 năm đã qua, khoảng 10 vạn đoàn viên, thanh niên Hà Tây ngày nào giờ người còn, người mất, nhưng những người tham gia xây dựng tuyến kênh của công trình thủy lợi Đồng Mô - Ngải Sơn vẫn tiếp tục phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, nêu cao tinh thần học Bác tham gia công tác xã hội, làm những việc có ích, cống hiến cho Thủ đô, đất nước. Với ông Lê Thanh Doãn, đây là những ngày tháng tuy vất vả nhưng vô cùng ý nghĩa và là quãng thời gian vui vẻ, nhiều kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời. Vừa vinh dự nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, ông Doãn chia sẻ: “Ghi nhớ lời Bác dạy nên làm việc gì tôi cũng cố gắng hết mình. Hiện nay, tôi đang kết nối thêm nhiều cán bộ đoàn viên, thanh niên xây dựng công trình năm xưa để hằng năm cùng gặp mặt, động viên nhau”.

Là đơn vị quản lý trực tiếp công trình thủy lợi Đồng Mô - Ngải Sơn hiện nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Đặng Tuấn Hùng nhận định: “Toàn bộ tuyến kênh do Binh đoàn 40 thực hiện nay vẫn bảo đảm phục vụ tốt cho 12.000ha sản xuất nông nghiệp. Trước đây, khu vực xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) chưa có hồ Đồng Mô chủ yếu trồng sắn và hoa màu. Sau khi công trình hoàn thành, ngoài việc phục vụ cho các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ còn phục vụ 700ha ở thị xã Sơn Tây với năng suất cây trồng cao...”.

Giờ đây, mỗi khi nhắc đến công trình thủy lợi Đồng Mô - Ngải Sơn, người dân mãi ghi nhận công sức và niềm tự hào về những cán bộ Đoàn, lớp thanh niên tình nguyện tỉnh Hà Tây 50 năm về trước. “Tôi mong thế hệ trẻ bây giờ luôn phấn đấu rèn luyện tư cách đạo đức thật tốt, làm việc hết mình và cống hiến sức trẻ cho xã hội, phát huy tinh thần xung kích của thế hệ thanh niên đi trước”, ông Nguyễn Văn Nhâm bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức hào hùng của thanh niên Binh đoàn 40