Quản lý vỉa hè xưa ở Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến| 27/11/2020 15:02

(HNMCT) - Khi người Pháp xâm chiếm Hà Nội, một trong những sự thay đổi đầu tiên mà họ làm chính là thay đổi mô hình kết cấu phố phường, từ đô thị theo kiểu truyền thống phương Đông chuyển sang mô hình đô thị hiện đại kiểu phương Tây. Tức là từ mặt nhà ra đến đường giao thông công cộng có một khoảng đệm gọi là vỉa hè. Vỉa hè này chạy theo các tuyến phố, làm duyên cho đô thị nhưng cũng còn có chức năng giao thông, dành riêng cho người đi bộ.

Phố Tràng Tiền thập niên 1930 - 1940.

Nét duyên đô thị

Vỉa hè đầu tiên ở Hà Nội hoàn thành cuối năm 1885 cùng với những con đường được mở rộng, bắt đầu từ khu nhượng địa Đồn Thủy (tương ứng với khu vực Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện nay) qua phố Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền, Hàng Khay và Tràng Thi) ra Cửa Nam vào thành Hà Nội. Mặt đường rải đá dăm, hai bên có vỉa hè rộng lát gạch. Từ khi vỉa hè phố Hàng Khảm (cuối năm 1886 đổi thành phố Paul Bert) hình thành, lại thêm hàng phượng hai bên phố bắt đầu lên xanh, nơi đây dần trở thành trung tâm thương mại mới của Hà Nội.

Tiếp theo đó là con đường vòng quanh hồ Hoàn Kiếm khánh thành vào đầu năm 1893 cũng có vỉa hè lát gạch. Năm 1894, khi phá tường thành Hà Nội, cô Tư Hồng (người trúng thầu) đã cho mang chiếc ghế đá lấy trong thành ra kê ở vỉa hè trước Thư viện Thành phố (nay là số 16 phố Lê Thái Tổ) cho mọi người ngồi nghỉ và đây chính là ghế đá đầu tiên ở vỉa hè Hà Nội.

Trong công báo ngày 21-4-1890, chính quyền thành phố đã cho đăng quy định về chiều dài, chiều ngang và chiều rộng vỉa hè của các phố đã có và cả các phố trong quy hoạch ở phía đông nam Hồ Gươm. Theo quy định này thì vỉa hè rộng nhất ở khu phố mới là 7,5m; hẹp nhất là ở khu phố cổ, chỉ có 3m. Phần lớn vỉa hè rộng 3m tập trung ở khu vực “36 phố phường”. Khi thực hiện cải tạo khu phố cổ và xây phố mới, các nhà dân, công sở cứ theo quy định mà thực hiện. 

Theo thời gian, vỉa hè lát gạch ngày càng dài hơn. Từ năm 1897 đến năm 1901, người ta tiếp tục lát thêm khoảng 5km vỉa hè tại các phố đang xây dựng (tương ứng với các phố Trần Hưng Ðạo, Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Bà Triệu... ngày nay). Để tạo ra sự thống nhất, biến Hà Nội thành một thành phố thuộc địa duyên dáng, lãng mạn, chính quyền đã quy định cụ thể chiều cao từng khu vực, thống nhất mẫu gạch lát vỉa hè là đá hình vuông khổ 30cm x 30cm, dày 3cm, trên mặt khía chéo để tránh trơn trượt. Mép hè là đá xanh chôn sâu xuống mặt đường, vừa làm thành rãnh thoát nước đồng thời cũng làm vật chắn phòng xe ngựa lao lên hè gây thương tích cho người đi bộ.

Để tránh cái nắng gay gắt vào mùa hè ở miền Bắc, chính quyền thành phố đã cho trồng cây theo tiêu chuẩn khắt khe về bộ rễ, tán lá, hoa, nhựa cây tiết ra không gây độc hại... trên các tuyến phố có vỉa hè rộng từ 3m trở lên. Và lần đầu tiên quan niệm về kiến trúc phong cảnh xuất hiện tại Hà Nội.

Nếp sống văn minh

Tuy khu vực phố cổ đã có vỉa hè nhưng nhiều người vẫn đi bộ, gánh gồng dưới đường cản trở xe tay, xe ngựa nên cảnh sát được lệnh phạt nặng những ai không chấp hành. Tại các phố vắng chưa có bóng đèn đường hay diễn ra tình trạng đi vệ sinh bừa bãi trên vỉa hè, dân ở đây đã phải góp tiền thuê người “bắt đái” song cũng không xuể.

Trước thực trạng đó, chính quyền thành phố đã cho xây một số nhà vệ sinh công cộng. Để vận hành đô thị và tạo lối sống văn minh, chính quyền đưa ra hàng loạt quy định: “Tất cả chủ nhà mặt phố, người thuê phải có trách nhiệm dọn vệ sinh hè phố trước cửa nhà, khơi thông rãnh thoát nước, nếu không thực hiện sẽ bị phạt”. Vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ mà còn là nơi để xe đạp, một phương tiện giao thông cá nhân mới xuất hiện ở thành phố này. Tại bách hóa lớn nhất xứ Đông Dương là Godard (nay là Tràng Tiền Plaza), trước lối vào có dòng chữ Pháp “Khu vực cấm để xe đạp” bằng đá trắng gắn chìm vào vỉa hè. Nhờ những quy định đó, cách ứng xử tại khu vực vỉa hè dần đi vào nếp, hình thành lối sống văn minh.

Theo thời gian, theo biến động của xã hội, sinh hoạt trên vỉa hè cũng có thay đổi. Ví dụ, có thời kỳ chính quyền ban hành nghị định cho thuê vỉa hè để bán cà phê ở những nơi có vỉa hè rộng, số tiền thu được dành cho việc bảo trì hè phố. Lại có giai đoạn chính quyền cấm bán hàng rong song lại cho phép các hàng quà ngồi nép vào tường nhà mặt phố. Hàng quà vỉa hè bao giờ cũng là lựa chọn của dân phố, không phải vì rẻ mà vì nó ngon và tinh tế. Ở phố Hàng Khay những năm 1947 - 1954, chính quyền còn cho phép bán hoa vào buổi sáng. Thời kỳ Mỹ ném bom Hà Nội, trên các vỉa hè có hầm cá nhân tránh mảnh bom và suốt thời bao cấp, vỉa hè còn là nơi họp chợ.

Cũng chính vì sự linh động trong việc quản lý vỉa hè mà trong ký ức những người đi xa nhớ về Hà Nội, vỉa hè không chỉ hiện lên với sự ngăn nắp, văn minh mà còn có cảm xúc dạt dào về những quán quen, về thú vui ẩm thực... Nếu mất đi sự sống động ấy, có lẽ Hà Nội mất đi một nét riêng của đô thị hơn nghìn năm tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý vỉa hè xưa ở Hà Nội