Nhà giáo, nhà yêu nước Lê Đình Diên

Nguyễn Ngọc Tiến| 16/11/2020 18:50

(HNNN) - Trong tập 1 tiểu thuyết dã sử Bóng nước Hồ Gươm của nhà văn Chu Thiên có nhân vật Trúc Hiên, người có tinh thần dân tộc, chống thực dân Pháp xâm lược. Trúc Hiên mà Chu Thiên đưa vào tác phẩm chính là nhà giáo nổi tiếng nửa cuối thế kỷ XIX Lê Đình Diên (1819-1878).

Chùa Lý Triều Quốc Sư (trước kia là đền Tiên Thị) còn văn bia lưu bút tích của nhà giáo yêu nước Lê Đình Diên.

Lê Đình Diên, hiệu Cúc Hiên, là người làng Hạ Đình, xã Nhân Mục Cựu (nay thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân). Ông đỗ cử nhân năm 1848, năm sau đỗ Nhị giáp tiến sĩ (tức Hoàng giáp). Ngay sau khi đỗ Hoàng giáp, ông được triều đình nhà Nguyễn bổ làm Tri phủ Long An. Không may, khi ông vào đến Long An nhậm chức thì đúng lúc đó ở tỉnh này đang có dịch đậu mùa. Lê Đình Diên bị nhiễm bệnh rất nặng. Sau khi điều trị, bệnh tình đỡ dần, ông xin về quê.

Năm 1860, triều Nguyễn lại bổ nhiệm ông làm Đốc học Nghệ An. Sau 5 năm ở xứ Nghệ, năm 1865, ông lại được triều Nguyễn bổ làm Đốc học Hà Nội. Thời kỳ này, người giữ các chức quan đều tìm cách để “kiếm chác” thì Đốc học Lê Đình Diên lại sống một cuộc đời rất thanh liêm. Năm 1870, ông có chỉ dụ vào Huế để nhậm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, ngán ngẩm cảnh làm quan khi thực dân Pháp hoành hành nên ông cáo bệnh xin nghỉ hưu và sau đó mở trường dạy học. Trường đại tập có tên là Cúc Hiên tại số nhà 39 phố Hàng Đậu. Trường chỉ dạy học sinh đi thi Hương (tức là học sinh đã lớn, có 9 - 10 năm đèn sách).

Ngay từ khi mới mở, trường Cúc Hiên đã thu hút rất đông học trò, không chỉ học sinh tỉnh Hà Nội mà học sinh ở các tỉnh khác, trong đó có cả học sinh xứ Thanh - Nghệ cũng ra xin học. Ông đã tập hợp các bài văn mà ông cho là hay để làm mẫu cho các lứa học sinh trong tập Cúc Hiên biểu tuyển (gồm 35 bài biểu của học sinh có lời bình của thầy), Cúc Hiên chiếu  tuyển (gồm những bài chiếu). Lê Đình Diên cũng biên soạn Cúc Hiên tứ lục, gồm 81 bài chiếu biểu, văn sách làm theo thể tứ lục (từng vế 4 chữ, 6 chữ đối nhau) cho học trò học.

Không chỉ dạy văn, ông còn dạy trò đạo làm người.  Ông thích nhất câu “Quân tử thành nhân chi mỹ” nhưng ông thu gọn câu này thành “quân tử thành mỹ” và cho khắc trước cổng trường Cúc Hiên. Vì thế, ông Vũ Như, học trò của Lê Đình Diên đỗ tiến sĩ và sau này làm Đốc học Hà Nội đã tặng thầy một câu đối có 4 chữ này.

Tư tưởng và việc làm của Lê Đình Diên luôn thống nhất. Trong Đại Nam thực lục một bộ sử của triều Nguyễn đã ghi lại những sự việc diễn ra trong năm 1873 có liên quan đến ông như sau: “Quan viện cơ mật tâu với vua (Tự Đức) là đoàn thuyền của Jean Dupuis từ mùa đông năm ngoái đã đột nhập tỉnh Hà Nội, mượn cớ vận tải súng đạn sang Vân Nam ngang ngược đánh Đốc học Lê Đình Diên bị thương...”. Chuyện là trên đường đi qua cổng Bắc thành Hà Nội, ông thấy hai lính Pháp và một người Việt đang đo đạc cổng Bắc của thành. Nghi ngờ việc làm mờ ám này, ông cho gia nhân dừng võng rồi vào nói với người Việt rằng không nên làm tay sai cho Pháp, rồi bất ngờ Lê Đình Diên bị ba người này xông vào đánh khiến ông bị thương. Đụng vào Lê Đình Diên là đụng vào sĩ phu Bắc Hà nên sau đó đã nổ ra cuộc đấu tranh của nhiều nhà Nho cùng học trò chống lại Jean Dupuis.

Trong nhiều năm làm Đốc học và dạy học, Lê Đình Diên có hơn 3.000 học trò, trong đó có rất nhiều trò thành đạt và được ghi trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam. Vì thế, khi Lê Đình Diên mất, đám tang của ông rất lớn, ngoài học trò còn có rất nhiều văn hữu, thi hữu, thân sĩ đến viếng, người đi đầu đám tang đến làng Hạ Đình thì người đi cuối vẫn còn ở thành Hà Nội. Chi phí tổ chức đám tang lớn đến nỗi tang gia phải bán nhà ở (bên cạnh trường học) để trang trải rồi dọn về ở trong trường học. Để tạ ơn thầy, các trò đã chung nhau tiền xây lại trường Cúc Hiên. Trường xây bằng gạch, lợp ngói thay vì nhà gỗ lợp lá như ban đầu.

Di sản Lê Đình Diên để lại không chỉ là các tập văn mẫu còn lưu trong Viện Hán Nôm mà còn có các tác phẩm như Cúc Hiên thi tập, Cúc Hiên văn tập... Bút tích của ông còn để lại trong văn bia do ông soạn ở đền Tiên Thị (đền Lý Quốc Sư, tức chùa Lý Triều Quốc Sư, phố Lý Quốc Sư ngày nay) vào năm 1855, nhân dịp đền được trùng tu. Trong các câu thơ, văn của mình, ông luôn thể hiện tấm lòng trọng lễ nghĩa và yêu mến đất nước, quê hương. Đặc biệt, trong suốt sự nghiệp “trồng người” của mình, ông luôn là tấm gương sáng về tài và đức để các thế hệ học trò noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà giáo, nhà yêu nước Lê Đình Diên