Lịch sử hồ Tây

Nguyễn Ngọc Tiến| 14/11/2020 13:29

(HNMCT) - Hồ Tây là hồ đặc biệt nhất trong các hồ ở đất Thăng Long - Hà Nội. Hồ rộng nhất, sâu nhất, nhiều truyền thuyết nhất.

Một góc hồ Tây. Ảnh: Lê Việt Khánh

Về địa lý, hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo. Hồ tạo thành chủ yếu do tác dụng xâm thực của sông Hồng. Tuy nhiên, sự hình thành của hồ là câu hỏi không dễ trả lời. 

Liệu hồ có phải là một khúc sông Hồng, sau khi đê bị vỡ, người ta đã đắp đê mới phía ngoài hồ? Vì lịch sử đê Việt Nam chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ thứ VI, và thực chất đê chỉ là những bờ bao thấp nên cách lý giải đê vỡ tạo thành hồ xem ra không thuyết phục. Hồ Tây xưa là khúc uốn của sông Hồng khi con sông này đổi dòng chảy lấn về bờ bên kia đã để lại một hồ nước, giống như sông Hồng đổi dòng đã tạo ra hồ Lục Thủy (Hồ Gươm). Thực tế, sông Hồng đã nhiều lần đổi dòng khiến cửa sông Cà Lồ (ở xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) bị cát bồi lấp dẫn tới Cà Lồ trở thành con sông chết. Nếu chấp nhận giả thuyết đó thì hồ Tây có từ bao giờ vẫn là câu hỏi không dễ trả lời.

Theo cuốn Hà Nội nghìn xưa của Vũ Tuân Sán và Trần Quốc Vượng, xưa khu vực hồ Tây có một bến ở cạnh sông Hồng, thuộc động Lâm Ấp, nên gọi là bến Lâm Ấp của thôn Long Đỗ (Hà Nội ngày nay). Xung quanh bến Lâm Ấp là rừng lim rậm rạp có nhiều hang động. Đầu công nguyên, khi Hai Bà Trưng chống quân xâm lược nhà Đông Hán, xung quanh khu vực này là bãi lầy có cửa thông với sông Hồng. Đến thế kỷ thứ VI, khi Lý Nam Đế chống quân xâm lược nhà Lương thì hồ Tây đã có rồi. Tuy nhiên, hồ Tây hình thành vào năm nào là câu hỏi rất khó xác định.

Hồ Tây là nơi sinh ra nhiều truyền thuyết. Sông Kim Ngưu và hồ Kim Ngưu xuất phát từ truyền thuyết trâu vàng đi tìm trâu mẹ (bằng đồng đen), mất phương hướng đã lồng lên giẫm nát cả một khu rừng, còn đất thì lún xuống thành hồ nên có tên là Kim Ngưu. Những nơi trâu đi thành sông mà ngày nay còn lại di tích, đó là sông Kim Ngưu. Một truyền thuyết khác được ghi trong Lĩnh Nam chính quái là Lạc Long Quân đã giết chết con cáo chín đuôi ở hồ này, giải thoát cho những người bị bắt giam trong hang sâu. Làng Cáo Đỉnh (nay thuộc phường Xuân Đỉnh) được cho là dấu tích của truyền thuyết.

Hồ Tây có rất nhiều tên. Cái tên đầm Xác Cáo được cho là tên cổ nhất. Về tên Lãng Bạc, theo Tây Hồ chí, tướng nhà Hán là Mã Viện đã gọi hồ Tây là Lãng Bạc với ý nghĩa hồ đầy sóng vỗ. Còn trong sách Hồn sử Việt, vua Lý Công Uẩn thấy hồ Kim Ngưu đẹp nên thường xuyên đi thuyền rồng du ngoạn. Và không ít lần, sương mù đã bao phủ thuyền tạo ra cảnh tượng vô cùng huyền ảo, vì vậy, hồ được đổi tên là Dâm Đàm (nghĩa là hồ mù sương). Về cái tên Tây Hồ, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm 1573, vua Lê Thế Tông lên ngôi, tên húy là Duy Đàm, kiêng húy cấm không được gọi hồ Dâm Đàm, mà đổi gọi là Tây Hồ”. Đến đời chúa Trịnh Tạc, năm 1657, vì kiêng chữ Tây nên Tây Hồ bị đổi thành Đoài Hồ (đoài nghĩa là phía tây).

Từ đầu thế kỷ XVIII trở về trước, nguồn nước cấp cho hồ Tây là sông Hồng. Nước sông Hồng chảy vào sông Thiên Phù qua cửa Nhật Tân rồi đổ vào hồ Tây. Cửa Nhật Tân bị phù sa bồi lấp nên Thiên Phù thành con sông chết, hồ Tây lại lấy nước sông Hồng từ sông Tô Lịch qua cửa Giang Khẩu (tương ứng đầu phố Hàng Buồm ngày nay). Cuối thế kỷ XIX, sông Tô Lịch bị lấp, nguồn nước cấp cho hồ Tây chỉ có 2 nguồn là nước mưa và nước thải.

Thời vua Tự Đức (1847-1883), chu vi hồ là 21 dặm. Sở dĩ chu vi hồ nhỏ hơn so với ngày nay vì đất các làng quanh hồ ăn ra sát mặt nước. Theo cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, hồ Tây rộng 538ha. Tác giả Nguyễn Văn Uẩn hoàn thành bộ sách này năm 1983-1984 nên diện tích hồ Tây trong sách là số liệu trước khi bộ sách hoàn thành. Còn theo bản đồ do Liên Xô chụp tháng 12-1981 qua vệ tinh, hồ Tây rộng 526,16ha, song số liệu của Công ty Đầu tư và khai thác thủy sản Hồ Tây cho biết, năm 1987, hồ rộng 516ha.

Có nhiều câu hỏi đặt ra, khi đo đạc, người ta dựa theo mặt nước hồ lúc cao nhất, thấp nhất hay tính từ chỗ không có dân sinh sống? Tuy nhiên, có một lý do rất đáng chú ý là các gia đình sống gần mép hồ đã chống lở bằng cách làm các ống cống bằng gạch thả cách bờ rất xa, sau đó đổ đất vào các ống cống này để định vị. Từ đó, họ thuê đổ rác thải xây dựng vào phần trống đó. Trong quá trình chống lở, họ cạp rộng hơn phần đất đã mất. Sau khi việc kè hồ hoàn thành năm 2010, diện tích hồ hiện nay chỉ còn 460ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lịch sử hồ Tây