Đình Khê Hồi - nét thời gian nơi làng quê

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 23/09/2020 14:45

(NSHN) - Kiến trúc đình làng thường đơn giản hơn so với chùa, tuy vậy đình Khê Hồi (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại được xây dựng khá tỉ mỉ, công phu, đến nỗi khi nhìn vào cổng đình khó có thể nghĩ đó là đình làng.

Tam quan đình làng Khê Hồi.

Thơ mộng đình làng

Đình Khê Hồi được xây dựng vào thế kỷ XVIII, thờ Cao Sơn Đại vương. Theo thần tích lưu lại ở đền Phương Quế (xã Liên Phương, huyện Thường Tín), ngài tên là Cao Hiển, sống vào thời vua Trần Thuận Tông (1388-1398).

Trong đình hiện còn lưu giữ tấm bia đá khắc bằng chữ Hán, nói về việc hưng công xây dựng, mang niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786). Ngoài những đồ thờ như hoành phi, câu đối, đình Khê Hồi còn lưu giữ bản hương ước với nhiều điều lưu ý về việc tham gia lễ hội của các xã thuộc tổng Hà Hồi cũ.

Cổng đình Khê Hồi rất độc đáo và gây ấn tượng mạnh cho những người lần đầu tới đây. Đó là một cổng tam quan gồm hai tầng, được đắp nổi rất chi tiết. Các cánh cửa đều được làm bằng gỗ quý, điêu khắc tỉ mỉ, dễ làm người ta nhầm thành cổng chùa. Ấn tượng nhất có lẽ là cây cầu dài chừng 10m nối cổng đình với đường qua một hồ nước, tạo nên khung cảnh bình yên, nên thơ nơi làng quê. Cây cầu hình cầu vồng, hai bên trang trí nhiều họa tiết đã rêu phong theo thời gian.

Cổng đình hướng về phía tây, mỗi chiều đón ánh hoàng hôn xuyên qua hàng cây cổ thụ. Trước cổng đình là hồ nước hình lưỡi liềm bao quanh cụm di tích đình chùa Khê Hồi. Ven hồ và trong sân đình là các cây đại, nhãn, muỗm cổ thụ tạo thành một vành đai ngăn cách đình với bên ngoài. Trong khuôn viên đình có tả - hữu vu 7 gian, tiền đường rộng 5 gian, hai chái kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ. Đình Khê Hồi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2000.

Độc đáo hội làng

Nhà chính điện đình Khê Hồi.

Hội làng Khê Hồi kéo dài 3 ngày từ 14 đến 17 tháng Ba (âm lịch). Theo quy ước, dân làng Khê Hồi rước kiệu của làng mình đến sân đình làng Hà Hồi để tụ hội cùng kiệu các làng khác. Ngày 16 bắt đầu hội rước với nhiều nghi lễ rực rỡ. Sang ngày 17, sau màn phô diễn của đám rước, cờ kiệu, nghi trượng của mỗi làng được rước về đình làng để làm tế lễ riêng. Mỗi làng sẽ tổ chức một trò diễn riêng, trong đó Khê Hồi tổ chức trò diễn thủy chiến trên ao đình.

Nhiều ngày trước hội, dân làng đã chuẩn bị nhiều thân cây chuối để ghép thành thuyền chiến. Giữa mỗi bè có găm một hình nhân cầm cờ hiệu màu đỏ (quân đỏ), hoặc màu xanh (quân xanh). Các tráng binh mình trần, khăn quấn đầu rìu, quần lửng đỏ, trong đó chủ tướng mặc giáp trụ, đeo mặt nạ tay cầm trường kiếm hoặc xà mâu, đại đao… Binh khí được làm bằng gỗ và sơn son, tạo ra sự dũng mãnh, uy nghi của Thành hoàng làng. 

 Cây đại cổ thụ vắt trên tường đình độc đáo.

Trò thủy chiến của Hội làng Khê Hồi mô phỏng tích Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán. Cũng có ý kiến cho rằng, tích này mô phỏng hình ảnh Trần Hưng Đạo đánh đuổi quân Nguyên Mông. Khi trống hội tưng bừng, 6 thuyền chiến xanh, đỏ bắt đầu diễu binh trên ao chào khán giả, sau đó là đua bè. Tiếng chiêng trống, tiếng cổ vũ vang dậy khiến cho các chiến binh càng thêm nhuệ khí phô diễn sức mạnh. Phần thưởng cuộc đua chỉ là một lá cờ đuôi nheo nhỏ để bên thắng cắm trên “chiến thuyền”.

Lớp người cao tuổi ở Khê Hồi thường kể lại cho con cháu hội rước Thành hoàng làng của tổng Hà Hồi xưa cũng như trò diễn thủy chiến của riêng làng Khê Hồi, đặc biệt là trò diễn thủy chiến năm 1953 được dân làng tổ chức rất lớn. Sau đó, do tập trung sản xuất làm hậu phương kháng chiến cho miền Nam nên mấy chục năm làng không tổ chức hội. Phải đến năm 1994, các bậc cao niên mới đề xuất khôi phục lễ hội truyền thống và trò diễn thủy chiến, được nhân dân ủng hộ và duy trì đều đặn cho đến bây giờ. Điều đặc biệt, Khê Hồi vốn không phải làng sông nước nhưng lại có trò diễn thủy chiến, trong khi các làng quanh đó, kể cả những làng ven sông Hồng đều không có. Vì vậy, có thể nói, trò diễn thủy chiến ở Khê Hồi mang bản sắc riêng, có giá trị và cần được bảo tồn, gìn giữ cho đời sau.

Nét bình yên trước đình làng.

Anh Ngô Văn Quynh, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín cho biết, đình làng Khê Hồi là một ngôi đình có kiến trúc độc đáo với khung cảnh thơ mộng. Ngoài ra, trò diễn thủy chiến là nét văn hóa đặc trưng của làng Khê Hồi, thu hút đông đảo người dân quanh vùng mỗi dịp lễ hội. Đó chính là tiềm năng, là sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo sẽ được địa phương chú trọng phát triển trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Khê Hồi - nét thời gian nơi làng quê