Lũy La Thành triều Mạc

Nguyễn Ngọc Tiến| 26/09/2020 06:06

(HNMCT) - Không phải ai cũng biết rằng, đường Lạc Long Quân, Giảng Võ, La Thành, Trần Khát Chân xưa từng là lũy (đê) bao quanh thành Thăng Long. Và cũng không mấy người biết lũy đó được đắp dưới triều nhà Mạc và thời Lê Trung hưng.

Đường Giảng Võ ngày nay từng là một phần lũy bao quanh để bảo vệ thành Thăng Long. Ảnh: Linh Tâm

Thế kỷ XVI, triều Lê sa sút, mục ruỗng. Vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực bị coi là “vua quỷ”, “vua lợn”. Triều chính rối loạn, bè phái, dân chúng nhiều nơi bị đám quan lại bóc lột, đè nén. Một số nơi đã nổ ra các cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại triều đình. Nhân cơ hội đó, Mạc Đăng Dung đã đứng lên tiếm quyền nhà Lê. Có lẽ vì thế nên các nhà sử học xưa đều coi nhà Mạc là “ngụy triều”. Tuy không công nhận nhưng cũng không thể phủ nhận sự thịnh trị về nền nếp của triều Mạc (1527 - 1592) với một xã hội ổn định, bình yên.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chỉ sau 5 năm cầm quyền, năm 1532, nhà Mạc đã xây dựng một xã hội thịnh trị. Nhà Mạc ban lệnh, người các xứ trong và ngoài Thăng Long không được cầm giáo mác, dao nhọn cùng binh khí khác hoành hành trên đường đi. Sách chép: “Ai vi phạm sẽ bị pháp ty bắt giữ. Từ đấy, người buôn và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò chăn thả không phải dắt về chuồng. Trong khoảng vài năm, người đi đường thấy của rơi không ai nhặt, ngày cũng như đêm cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, cõi trong tạm yên”.

Tại Thăng Long, nhà Mạc cho lập các xưởng chuyên sản xuất các vật dụng sinh hoạt hằng ngày dành cho nhà vua và hoàng tộc. Thợ thủ công cũng được phong tước như những quan chức khác. Họ được coi trọng, không bị o bế, coi rẻ như thời Lê sơ. Một sản phẩm thủ công đặc sắc thời Mạc là đồ gốm. Cho đến nay, các sản phẩm gốm thời Mạc được các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá cao về men và tạo hình. Có hai vùng làm gốm nổi tiếng là Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương) và Bát Tràng (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đồ gốm của hai nơi này không chỉ được bán tại Thăng Long mà còn xuất sang một số nước Đông Nam Á.

Dưới triều Mạc, sản suất hàng thủ công ở Thăng Long phát triển, buôn bán cũng được mở rộng. Ngoài những chợ chính có từ trước, nhà Mạc cho phép mở thêm chợ mới ở vùng phụ cận kinh đô, ví dụ như chợ Phù Ninh (nay thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) chuyên buôn bán vải vóc và thuốc bắc.

Về văn hóa, giáo dục, triều Mạc cho mở các khoa thi Hội, vẫn theo lệ ban hành dưới triều vua Lê Thánh Tông; cho lập bia đá tôn vinh những người đỗ tiến sĩ để “khích lệ nhân tâm, huân đào sĩ khí, bồi đắp giáo hóa cho được lâu dài”. Vì nhiều nguyên nhân, trong 82 bia tiến sĩ ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ còn lại một tấm bia chép về khoa thi năm 1529. Dù trị nước bằng Nho giáo nhưng nhà Mạc vẫn coi trọng Phật giáo, cho sửa sang, tôn tạo một số chùa ở kinh thành.

Năm 1588, để đề phòng những cuộc tiến công của quân Nam triều (quân Lê - Trịnh đóng đô ở Thanh Hóa), nhà Mạc cho đắp lũy phòng thủ quanh thành Thăng Long. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhà Mạc huy động dân 4 trấn vùng đồng bằng đắp thêm 3 lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long”. Lũy ấy bắt đầu từ ngã ba Nhật Tân - Âu Cơ ngày nay men theo phía tây hồ Tây qua vùng Bưởi ra Cầu Giấy, theo đường La Thành - Giảng Võ đến Ô Chợ Dừa, qua Kim Liên ra Ô Cầu Dền, qua Trần Khát Chân ra đến Ô Đống Mác giáp với sông Hồng.

Năm 1592, nhà Mạc bị quân Lê - Trịnh đánh bại, buộc phải rút chạy khỏi Thăng Long. Vua Mạc Mậu Hợp cùng quân tướng chạy sang bên kia sông Hồng chiếm giữ một dải đất dài. Trịnh Tùng định dẫn quân sang sông đánh tiếp nhưng trúng kế hoãn binh của tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện. Nguyễn Quyện “hiến kế” cho Trịnh Tùng là không cần đuổi theo mà nên phá lũy để nếu quân Mạc có quay lại đánh chiếm Thăng Long thì không có chỗ ẩn nấp. Trịnh Tùng nghe theo và đó là cơ hội tốt để vua Mạc Mậu Hợp rút chạy.

Về việc phá lũy, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lệnh cho các quân san phẳng lũy đất Đại La đến mấy nghìn trượng, lệnh cho phát hết gai góc bụi rậm, phá hết thành bằng đất, không mấy ngày là xong”. Tuy nhiên, thực tế là họ cũng không san phẳng hết lũy Đại La.

Thời Lê Trung hưng, vì sợ nghĩa quân các địa phương kéo về đánh Thăng Long, để bảo vệ kinh đô, năm 1749, chúa Trịnh Doanh cho đắp tường lũy dài 16km dựa theo lũy đắp từ thời Mạc. Vì nhiều đoạn lũy đắp từ thời Mạc vẫn còn nên chỉ đắp thêm những phần đã bị phá từ thời chúa Trịnh Tùng.

Năm 2015, sau nhiều tranh cãi, việc nhà Mạc có công hay tội trong việc giữ gìn toàn vẹn bờ cõi Đại Việt đã được làm sáng tỏ, thành  phố Hà Nội quyết định đặt tên cho hai tuyến phố là Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lũy La Thành triều Mạc