Đổi mới trên quê hương An toàn khu Xứ ủy Bắc kỳ

Bài và ảnh: Minh Bắc| 19/08/2020 13:39

(HNMO) - Không còn cảnh “sống ngâm da - chết ngâm xương”, thay vào đó là những cánh đồng lúa xanh tươi; những đầm nước mênh mông điểm xuyết máy quạt guồng tạo oxy nuôi cá, tôm, trồng sen; những đàn vịt tung tăng bơi lội…, xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) - miền quê cách mạng - An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ đang “thay da, đổi thịt” từng ngày, xứng danh quê hương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

 Ông Trần Quyết Tiến (cựu chiến binh, thứ hai từ trái sang, người thôn Trầm Lộng, xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa) kể chuyện tại Di tích lịch sử kháng chiến An toàn khu Xứ ủy Bắc kỳ (chùa Chòng, xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa).

Theo lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Trầm Lộng, trước Cách mạng Tháng Tám, Trầm Lộng là vùng đồng nước lụt, đi lại chủ yếu bằng thuyền thúng; mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa. Tận dụng "lợi thế" này cùng sự đồng lòng hướng về cách mạng của người dân nơi đây, thời kỳ tiền khởi nghĩa, Trầm Lộng được chọn là An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Trầm Lộng là căn cứ kháng chiến trong Khu Cháy kiên cường thuộc tỉnh Hà Đông (khi đó); đồng thời, còn là nơi trú quân để củng cố lực lượng…

Những năm 1936-1939, Trầm Lộng có nhiều phong trào nổi bật. Giữa năm 1941, Trầm Lộng đã thành lập Mặt trận Việt Minh xã và các tổ chức quần chúng yêu nước, như: Hội Nông dân, Phụ nữ, Phụ lão, Thiếu nhi Cứu quốc. Những tổ chức này tập hợp các tầng lớp nhân dân củng cố khối đoàn kết, tăng cường sức mạnh, chuẩn bị cho phong trào đấu tranh cách mạng ở Trầm Lộng.

Trong suốt thời gian gần 4 năm (1942-1945), nhân dân xã Trầm Lộng đã nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Trung ương, Xứ ủy và Tỉnh ủy Hà Đông về dự họp như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười... 

Đặc biệt, tại chùa Chòng, thôn Trầm Lộng, sáng 17-8-1945 đồng chí Đỗ Mười đã đọc Quân lệnh khởi nghĩa, huy động lực lượng quần chúng từ khắp nơi kéo về đánh chiếm phủ đường, làm chủ phủ lỵ Ứng Hòa. Ngày 18-8-1945, nhân dân xã Trầm Lộng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng tại chùa Chòng.

Cách mạng thành công, người dân Trầm Lộng ra sức thi đua lao động, sản xuất. Trước kia chỉ cấy 1 vụ bấp bênh và không trồng được màu; sau này, nhờ làm tốt công tác thủy lợi, người dân cấy 2 vụ ăn chắc và còn trồng được rau, màu; đời sống nhân dân dần được nâng cao; trạm xá, trường học, đường sá được xây mới khang trang…

Trò chuyện với bà Lê Thị Loan ở xã Trầm Lộng, bà cho biết, nhờ kết hợp trồng lúa, nuôi cá, nuôi vịt, trồng sen, cây ăn quả…, gia đình bà và người dân trong xã có thêm nhiều nguồn thu nhập, nhà nào cũng xây được nhà cao tầng; con em được học hành đầy đủ, thành đạt. Thành ngữ “sống ngâm da - chết ngâm xương” mờ dần trong tâm trí người dân Trầm Lộng.

Trưởng thôn Trầm Lộng Bùi Chí Thanh chia sẻ: Phát huy truyền thống cách mạng, trong thời kỳ đổi mới, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân Trầm Lộng đã sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản hoàn thiện, phục vụ đời sống nhân dân và hỗ trợ sản xuất đạt hiệu quả cao. Người dân Trầm Lộng đã biến vùng trũng, đầm lầy thành “vựa lúa”, “vựa cá”...

Theo Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng Đinh Quang Lĩnh, là vùng quê chiêm trũng, Trầm Lộng xác định nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo. Xã tập trung hỗ trợ người dân cấy lúa chất lượng cao; tận dụng hệ thống ao, hồ, đầm để nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng sen, cây ăn quả trên bờ, nuôi vịt… So với độc canh cây lúa, các mô hình kết hợp cho thu nhập gấp 2 lần trở lên. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 57,9 tỷ đồng; giá trị chăn nuôi ước đạt 76,2 tỷ đồng; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 79,7 tỷ đồng, đạt 64,1% kế hoạch năm…

 Mô hình thả cá, trồng sen, trồng rau và cây ăn quả... ở xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) giúp nông dân tăng thu nhập gấp 2 lần so với độc canh cây lúa.

Trầm Lộng đang phấn đấu có 9/10 thôn được công nhận danh hiệu Làng văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92% trở lên; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt từ 92% trở lên… Năm 2019, xã Trầm Lộng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và hiện đang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tuy nhiên, với một vùng quê xa trung tâm Thủ đô, Trầm Lộng còn nhiều khó khăn: Giao thông của xã xuống cấp, nhỏ, hẹp, không thuận tiện cho giao thương; tình trạng ô nhiễm từ các sông (Nhuệ, Đáy) ảnh hưởng đến tưới tiêu… Mặt khác, là vùng thủy sản, dù khâu tiêu thụ khá thuận lợi, song về lâu dài, nông dân Trầm Lộng mong muốn có chuỗi sản xuất - tiêu thụ để yên tâm đầu tư cho các mô hình nông nghiệp.

“Từng gian khổ, anh dũng, kiên cường, sẵn sàng cống hiến cho cách mạng, chắc chắn Trầm Lộng tiếp tục đoàn kết để vượt khó. Song, nếu được sự quan tâm hơn từ các cấp, các ngành, Trầm Lộng sẽ sớm trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm của Thủ đô. Hơn nữa, với việc làm tốt công tác bảo tồn các địa chỉ “đỏ” tại Trầm Lộng, như: Chùa Chòng, Chùa Rồng, Đình An Thái…, quê hương An toàn khu Xứ ủy Bắc kỳ sẽ trở thành một trong những địa chỉ lưu giữ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, giúp họ có thêm hành trang vững bước trên chặng đường mới cùng Thủ đô và đất nước”, cựu chiến binh Trần Quyết Tiến, một người dân của xã khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới trên quê hương An toàn khu Xứ ủy Bắc kỳ