Hai công trình tiêu biểu thời Lý

Nguyễn Ngọc Tiến| 25/07/2020 10:37

(HNMCT) - Lý Công Uẩn lập ra vương triều Lý năm 1009, được sự ủng hộ rất lớn của giới Phật giáo, vì thế ông ủng hộ việc xây chùa. Thời đó, chùa chiền mọc lên khắp nơi, trong đó có hai công trình Phật giáo tiêu biểu đều được xây dựng ở kinh đô Thăng Long trong thế kỷ XI là chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) và chùa Báo Thiên.

Chùa Một Cột.

Về thời điểm xây chùa và cái tên Diên Hựu, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ 6 (1049). Mùa đông tháng 10, dựng chùa Diên Hựu (mãi mãi tốt lành). Trước đây, vua (Lý Thái Tông) nằm mơ thấy Phật Quan âm ngồi trên đài sen dẫn vua lên đài. Đến khi tỉnh dậy nói lại với quần thần, có kẻ cho là điềm bất thường. Có thiền sư là bậc mẫn tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá giữa mặt đất, làm đài sen và tượng Quan âm ở đỉnh cột như đã thấy trong mộng, cho các sư đi vòng quanh tụng kinh cầu cho vua được trường thọ. Cho nên đặt tên như vậy”.

Về vị trí, sách Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ viết: “Chùa Diên Hựu ở thời Lý tục gọi là chùa Một Cột, nằm ở bên ngoài cửa Bạch Hổ của hoàng thành, về phía Đông Nam trường Thái Hòa”.

Cho đến nay, tài liệu được cho là cổ nhất về chùa Diên Hựu là văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi đời vua Lý Nhân Tông. Văn bia này mô tả rất kỹ kiến trúc chùa trong lần trùng tu lớn trước đó 16 năm như sau: “Mở rộng chùa Diên Hựu ở viên lâm phía tây cấm thành, noi theo quy chế cũ trước đây nhưng thực hiện những mưu tính mới theo ý vua, đó là đào ao sen Linh Chiểu, giữa ao vọt lên một cột đá. Trên đỉnh cột đặt hoa sen ngàn cánh, trên hoa đặt vững một tòa điện tía. Trong điện đặt tượng Quan âm dát vàng. Bên ngoài ao có hành lang vẽ vây quanh, bên ngoài vòng hành lang là ngòi nước biếc, mỗi mặt đều bắc cầu vồng đi thông vào. Nơi cây cầu ở sân phía trước, hai bên đầu cầu có hai ngọn bảo tháp lợp ngói lưu ly”.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và sau này là Lịch sử Thủ đô Hà Nội (Viện Sử học xuất bản năm 1960) thì chùa Diên Hựu được trùng tu nhiều lần do xuống cấp. Ngày 11-9-1954, chùa bị lính Pháp đặt mìn phá hủy, chỉ còn cây cột với mấy cái xà gỗ. Sau năm 1954, Nhà nước cho phục dựng chùa như hiện nay.

Ngôi chùa thứ hai là Sùng Khánh Báo Thiên tự (còn gọi là Báo Thiên tự). Chùa được xây dựng vào năm 1056, dưới triều vua Lý Thánh Tông. Trong chùa có một quả đại hồng chung nặng 7.260kg cùng rất nhiều đồ thờ bằng đồng như tượng Phật, thiền trượng, giới đao hộ pháp nhà Phật... Giữa sân chùa có một ngôi bảo tháp cao 12 tầng (tương đương 80m) tên là Đại Thắng Tư Thiên. Tháp có chóp làm bằng đồng, được xây dựng một năm sau khi chùa khánh thành. Bên trong tháp có nhiều tượng bằng đá với hoa văn tinh xảo. Tháp được xếp vào một trong “tứ đại khí” của An Nam gồm tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, chuông Quy Điền và tháp Báo Thiên.

Nhà thơ Phạm Sư Mạnh đời Trần từng ca ngợi tháp Báo Thiên: “Trấn áp đông tây cũng đế kỳ/ Khung nhiên nhất tháp độc nguy nguy/ Sơn hà bất động kinh thiên bút/ Kim cổ nam ma lập địa chùy/ Phong bãi chung linh thời ứng đáp/ Tinh di đăng chúc dạ quang huy/ Ngã lai dục tủy đề thi bút/ Quản lãnh xuân giang tác nghiễn trì” (Trấn áp đông tây, giữ đế kỳ/ Một mình cao ngất tháp uy nghi/ Chống trời cột trụ non sông vững/ Sừng sững ngàn năm một đỉnh chùy/ Chuông khánh gió đưa vang đối đáp/ Đèn sao đêm đến rực quang huy/ Đến đây những muốn lưu danh tính/ Mài mực sông xuân viết ngẫu thi - bản dịch của Viện Hán Nôm).

Kéo dài gần 400 năm từ triều Lý đến triều Trần, chùa Báo Thiên là ngôi chùa nổi tiếng của kinh đô Thăng Long. Về nguyên nhân tháp bị mất, theo cuốn Hà Nội nghìn xưa (Trần Quốc Vượng, Vũ Tuân Sán) và bộ sách 3 tập Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của Nguyễn Văn Uẩn thì: “Thời Minh thuộc, tướng giặc Vương Thông bị nghĩa quân Lam Sơn vây khốn trong thành Đông Quan, chúng đã phá các chùa chiền, vơ vét chuông khánh đồng để đúc binh khí chống lại quân ta. Tháp và chùa Báo Thiên bị phá hủy nặng nề và chuông Báo Thiên bị mất”. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết khác là tháp bị sét đánh đổ. Như vậy, có thể khẳng định, tháp Báo Thiên chỉ tồn tại đến trước khi Lê Thái Tổ lên ngôi (1428). Vị trí của chùa Báo Thiên xưa nay là khu vực quanh Nhà thờ Lớn. 

Trong hai công trình Phật giáo tiêu biểu thời Lý nói trên nay chỉ còn chùa Diên Hựu. Chùa được phục dựng theo nguyên mẫu Diên Hựu thời Nguyễn, là công trình có kiến trúc vô cùng độc đáo trong khu vực Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai công trình tiêu biểu thời Lý