Hồn cốt kinh kỳ bên sông Nhuệ

Hoàng Đức Nhã| 18/07/2020 06:27

(HNM) - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nhỏ bé, hiền hòa nằm bên dòng sông Nhuệ vẫn lưu giữ những nếp nhà xưa cùng lối sống mang đậm hồn cốt kinh kỳ. Những ý tưởng bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của làng Cựu được kỳ vọng, trong tương lai không xa sẽ giúp ngôi làng cổ này trở thành một trung tâm văn hóa sáng tạo mới ở phía Nam Thủ đô, một điểm đến hấp dẫn du khách.

“Chất Tràng An“ nơi ngoại thành

Sau hành trình 40km trong nắng nóng từ trung tâm thành phố, lúc đi qua cổng làng Cựu tôi ngỡ như lạc vào một không gian khác. Không khí mát mẻ, thanh bình với những cây xanh tỏa bóng, hoa sen đang nở rộ. Những bức tường rêu phong, những nếp nhà cổ nằm dọc con đường nhỏ, sạch sẽ, hằn in nét thời gian…

Làng Cựu khiến tôi ngạc nhiên ngay từ cái nhìn đầu tiên. Có cảm giác như ngôi làng ngoại thành này nhang nhác bóng dáng những phố cổ ở trung tâm Thủ đô. Chất “Tràng An” còn hiển hiện nơi những người dân làng chuyện trò rôm rả ở quán nước dưới gốc bàng già với những cử chỉ, ánh mắt, nụ cười thân thiện. Chiếc quạt duy nhất được người phụ nữ luống tuổi quay về hướng vị khách mới đến đang nhễ nhại mồ hôi sau quãng đường dài, làm dịu hẳn cái oi ả buổi trưa hè.

Làng Cựu, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) vẫn giữ những nếp nhà xưa.

Những giọng kể nhẹ nhàng đưa tôi về quá khứ. Khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều nông dân làng Cựu lên phố làm ăn, học được nghề may Âu phục. Bàn tay tài hoa, đức tính cần cù, chịu khó đã giúp họ gây dựng cơ nghiệp, trở thành chủ những hiệu may tên tuổi ở các phố Hàng Trống, Hàng Gai, Hàng Ngang… giữa đất Hà thành. Sau khi đã khá giả, họ về quê xây dựng nhà cửa. Có người xây nhà phong cách truyền thống Việt. Có người lại chọn lối kiến trúc châu Âu. Không ít ngôi nhà kết hợp hài hòa kiến trúc Á - Âu. Những nếp nhà khang trang, tráng lệ hình thành “dãy phố biệt thự”. Con đường đất vào làng dần được thay thế bằng những khối đá xanh sạch sẽ. Nghề may Âu phục cũng được đưa về làng Cựu, giúp cuộc sống người dân nơi đây ngày một khấm khá hơn.

Trải qua hơn trăm năm với bao thăng trầm thời cuộc, nghề may dần mai một, lớp nghệ nhân xưa đã không còn nhưng làng Cựu vẫn giữ được những nếp nhà cổ - thứ tài sản vô giá, đáng tự hào của người dân nơi đây.

Bà Bùi Thị Ngà năm nay đã ngoài 80 tuổi, sinh ra và lớn lên ở làng Cựu. Bà bảo, những người làng Cựu làm ăn, sinh sống nhiều năm ở chốn kinh kỳ đã đưa về làng “lời ăn tiếng nói”, lối sinh hoạt, lễ giáo… của đất nghìn năm văn hiến. “Nhiều người rời làng đi tìm sinh kế mới. Nhưng nét văn hóa Tràng An vẫn không thay đổi nhiều. Dân làng Cựu sống chân tình, cởi mở mà rất khuôn phép, khéo léo. Dù cuộc sống khó khăn nhưng họ luôn ứng xử thanh lịch”, bà Ngà chia sẻ.

Tôi tìm gặp Trưởng thôn Cựu Nguyễn Quang Huy. Công việc của một người thợ cơ khí vốn bận rộn nhưng anh vẫn nhiệt tình đón tiếp. Anh Huy cho biết, làng Cựu bây giờ còn gần 50 ngôi nhà tuổi đời hơn 100 năm nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc. Hiện, nhiều ngôi nhà thường xuyên “cửa đóng then cài” vì chủ nhà sinh sống ở nội thành, thi thoảng mới về làng. Ngày thường, khá nhiều du khách, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh về thăm làng để chụp ảnh, tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống ở ngôi làng cổ đậm nét kinh kỳ này. 

Một làng Cựu cũ mà mới

Trong những ngôi nhà mà anh Huy dẫn tôi đi xem, có lẽ ấn tượng nhất là nhà ông Nguyễn Thiện Tứ. Thiết kế theo phong cách thuần Việt, tuổi đời hơn 120 năm nhưng đến giờ ngôi nhà vẫn vẹn nguyên hình hài, từ hệ thống cột, kèo, mái ngói, tường gạch xây bằng vôi, cát trộn mật mía đến những phiến đá xanh kê cột. Tất nhiên, đồ thờ cúng cũng được gia chủ gìn giữ. Ông Tứ cho biết, ngày xưa gia đình thuộc dạng “có của ăn của để” nên khi xây nhà các cụ đặt mua những bè gỗ lim từ Thanh Hóa vận chuyển bằng đường thủy về làng. Đá xanh chuyển từ Hà Nam, Ninh Bình lên. Các cụ còn thuê thợ giỏi các nơi về chạm trổ hình thú, hoa lá... Vậy nhưng, ông Tứ vẫn trăn trở: "Trải qua bao thời gian, mưa nắng, nhà đã xuống cấp, gia đình tôi nhiều lần định sửa chữa nhưng chưa đủ kinh phí, phần vì băn khoăn cải tạo thế nào mà vẫn giữ được kiến trúc nguyên bản của ngôi nhà?".

Câu hỏi của ông Tứ cũng là sự trăn trở của nhiều người dân làng Cựu. Anh Huy cho hay, không ít ngôi nhà hiện đã xuống cấp trầm trọng. Có những ngôi nhà khi sửa chữa đã mất hẳn “chất cổ”. Thậm chí, nhiều nhà bị phá dỡ, thay thế bằng một cơ ngơi mới, tiện nghi nhưng “lạc lõng” với cảnh quan xung quanh khiến bao người ngậm ngùi, tiếc nuối. “Chúng tôi rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành để có thể bảo tồn những ngôi nhà cổ là những di sản văn hóa được trao truyền qua nhiều thế hệ. Nếu bảo tồn được, làng Cựu chắc chắn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương”, Trưởng thôn Nguyễn Quang Huy bộc bạch.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Vân Từ Nguyễn Ngọc Dương thông tin, chính quyền địa phương đã phối hợp với nhóm nghiên cứu Khoa Kiến trúc - Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) lập Dự án bảo tồn và phát triển làng Cựu. Dự án sẽ là cơ sở để kêu gọi đầu tư kinh phí nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các công trình kiến trúc cổ, xây dựng hạ tầng giao thông thuận tiện cho việc đi lại của du khách… Đáng chú ý, đầu năm nay, nhóm nghiên cứu Khoa Kiến trúc - Quy hoạch đã phối hợp với Công ty Desk Italia tổ chức buổi giới thiệu Đề án khôi phục làng Cựu với sự tham gia của đại diện các hiệp hội, viện nghiên cứu du lịch, làng nghề cùng các nghệ sĩ, họa sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cộng đồng…

Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi, giảng viên Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, người đặt nền móng cho Dự án bảo tồn và phát triển làng Cựu, chia sẻ: “Làng Cựu hiện tại giống một chiếc điện thoại đẹp nhưng không có ứng dụng để vận hành. Chúng tôi sẽ cùng nhau tạo ra những ứng dụng đó. Phương châm vẫn là bảo tồn phải đi kèm phát triển kinh tế để tạo sự bền vững. Hiện tại, chúng tôi đang đề xuất mô hình biến làng Cựu trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo mới của tiểu vùng văn hóa phía Nam Hà Nội, quy tụ các nghệ nhân giỏi ở “đất trăm nghề” Phú Xuyên. Việc khôi phục, phát triển nghề may vốn đã mai một tại đây cũng rất quan trọng. Mục tiêu là tạo ra thương hiệu làng Cựu, sản phẩm từ làng Cựu, do người làng Cựu làm ra. Chúng tôi sẽ làm hết sức có thể để dự án sớm được triển khai, mang đến một làng Cựu cũ mà mới. Cũ với những đường nét kiến trúc được bảo tồn, gìn giữ, mới với những chương trình du lịch hấp dẫn”.

Tôi chia tay làng Cựu khi hoàng hôn đã nhuộm vàng những bức tường rêu phong, mái ngói in hằn màu thời gian. Trong ánh sáng cuối ngày, làng Cựu - “phố cổ thu nhỏ” càng thêm trầm mặc, cổ kính. Hy vọng một ngày “gần thôi” - như lời Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi, những ngôi nhà cổ sẽ được cải tạo nhưng vẫn giữ được kiến trúc nguyên bản nói riêng và làng Cựu nói chung trở thành một điểm đến thu hút du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồn cốt kinh kỳ bên sông Nhuệ