Di sản đê Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến| 16/07/2020 13:40

(HNNN) - Hà Nội là thành phố có nhiều sông chảy qua. Vì thế hệ thống đê ở Hà Nội có chiều dài lớn nhất trong các tỉnh có đê ở phía Bắc, với  20 tuyến chính với tổng chiều dài 469,913km.

Đê Hà Nội là nơi hội tụ trí tuệ, công sức của biết bao thế hệ người Việt trong hơn 1.000 năm lịch sử phát triển Thủ đô. Thậm chí đã có ý kiến cho rằng đê Hà Nội hoàn toàn đủ tiêu chí để Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xét tặng danh hiệu Di sản văn hóa vật thể đại diện của nhân loại.

Tuyến đê Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ.

Hàng chục thế kỷ đắp đê

Xa xưa, hệ thống sông ở miền Bắc chằng chịt kết nối với nhau, trong đó có nhiều con sông chảy qua Hà Nội. Hầu hết các sông không sâu và vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về dồn dập, lưu lượng dòng chảy rất lớn. Nếu không có đê thì nước sông sẽ tràn vào ruộng đồng, gây ngập úng cho hoa màu và nhà cửa.

Đê ở miền Bắc xuất hiện từ đầu thế kỷ VI, ban đầu chỉ là các bờ bao thấp chạy dọc theo hai bờ sông. Nhưng đê ở Hà Nội trở nên quan trọng kể từ khi chính quyền đô hộ nhà Đường rời phủ trị từ Long Biên về huyện Tống Bình gần sông Tô Lịch. Vì An Nam đô hộ phủ, cơ quan quyền lực của nhà Đường cai trị An Nam nằm trong thành Đại La nên họ đã cho đắp một hệ thống đê bao quanh. Đê cũng là lũy bảo vệ. Năm 886, nhà Đường cho sửa lại 4 mặt đê. Ít lâu sau, vào mùa mưa lũ, nước sông Tô Lịch và sông Hồng dâng cao tràn qua đê vào thành nên quan trị sở đã cho đắp đê cao hơn.

Khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, xây dựng kinh đô trên nền thành Đại La, việc bảo vệ kinh thành càng quan trọng vì Thăng Long là “đầu não” của triều Lý, nơi có vua, quan sống và làm việc. Ý thức rõ về “thủy, hỏa, đạo, tặc” nên vua Lý Thái Tổ cho đắp vòng thành bên ngoài bao bọc kinh đô, gọi là La thành. La thành vừa là thành lũy và cũng là đê ngăn nước lũ sông Tô Lịch và sông Hồng. Tuy nhiên, con người không thể lường hết sức mạnh của tự nhiên. Năm 1078, nước sông Tô Lịch dâng cao hơn mặt đê khiến nước tràn qua cửa Đại Hưng (tương ứng với khu vực Cửa Nam hiện nay) vào thành.

Song, mối đe dọa lớn nhất với Thăng Long vẫn là sông Hồng, con sông rộng lớn, hung dữ nằm ở phía Đông. Năm 1108, vua Lý Nhân Tông cho đắp con đê đầu tiên ngăn nước sông Hồng với thành Thăng Long tại phường Cơ Xá (khu vực Nghi Tàm ngày nay). Đê Cơ Xá không cao như bây giờ, vì thế những năm nước lên to, nhiều nơi trong kinh thành vẫn bị ngập. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1265 nước dâng ngập phường Cơ Xá; năm 1270 nước to đến mức phải dùng thuyền để di chuyển trong thành. Trước đó, do luôn bị nước lũ đe dọa nên năm 1248 vua Trần Thái Tông đã lập chức quan Hà đê, giao chánh sứ và phó sứ phụ trách tại các lộ, phủ. Vua cũng sai đắp đê từ đầu nguồn tới cuối nguồn, gọi là đê quai vạc - bước ngoặt trong lịch sử thủy lợi Việt Nam.

Đến thời Lê sơ (1428 - 1527), ngoài việc cho đắp những con đê mới lớn hơn, triều đình tôn tạo hệ thống đê cũ trên hai bờ sông Hồng bằng đất, đá để bảo vệ Thăng Long.

Năm 1644, người Hà Lan mở thương điếm nằm giữa sông Hồng và sông Tô Lịch nên vào mùa lũ thường bị lụt lội, vì thế họ đề nghị triều đình đắp thêm con đê mới theo mép sông Hồng (tương ứng với các phố Mã Mây, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền ngày nay). Khác với những con đê trước đó có hình tam giác cân, đê này hình thang, mặt đê trở thành đường đi.

Nguyễn Ánh sau khi đánh bại quân Tây Sơn, lên ngôi và lập ra triều Nguyễn đã chuyển kinh đô vào Huế năm 1802. Dù vậy, Nguyễn Ánh vẫn rất quan tâm đến đê ở Thăng Long và Bắc Hà. Trong 30 năm đầu, triều Nguyễn đã đắp mới 580km đê. Những điếm canh dọc theo đê sông Hồng địa phận Hà Nội và các tỉnh được lập ra từ thời Nguyễn đến nay vẫn còn. Khi nước sông dâng cao, các làng phải cắt cử trai đinh trực ở điếm cả ngày lẫn đêm, lúc nguy cấp thì nổi trống liên hồi và dân trong vùng ai cũng phải đi hộ đê, người nào trốn tránh bị xử phạt rất nặng.

Năm 1902, chính quyền thực dân - phong kiến quyết định lập Hà Nội là Thủ đô của Liên bang Đông Dương. Người Pháp cho xây dựng nhiều cơ quan công quyền đồ sộ cùng các công trình văn hóa nên việc bảo vệ Hà Nội khỏi lũ lụt càng trở nên cấp thiết. Đê sông Hồng đoạn qua Hà Nội được nâng cao hơn, thế nhưng chuyện đắp đê ở Hà Nội thời Pháp thuộc giống như truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, đê cao bao nhiêu thì nước lại dâng cao bấy nhiêu. Và trong nửa đầu thế kỷ XX, nước lũ sông Hồng vẫn gây vỡ đê ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Sau năm 1954, việc đắp đê chống lũ ở miền Bắc càng được quan tâm, nhất là đê thuộc địa phận Hà Nội.

Kể từ thế kỷ IX, khi con đê bao quanh thành Đại La hình thành, đến nay đã là 12 thế kỷ, các con đê ở Hà Nội vẫn thường xuyên được tu bổ, có đoạn bỏ đê đất để thay bằng bê tông.

Cách ứng phó thiên tai không thể thay thế

Thời Nguyễn, việc đắp đê khiến ngân khố triều đình có lúc cạn kiệt nên trong triều vua Minh Mạng, các vị quan Đoàn Văn Trường, Đặng Văn Thiêm, Trịnh Quang Khanh đã dâng sớ xin khai sông thay vì đắp đê. Các quan cũng xin tạm bỏ đê ở Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương. Tuy nhiên, những đề xuất này không được chấp nhận vì triều đình phải chi một số tiền quá lớn. Năm 1837, Nguyễn Công Trứ đề xuất giải pháp phân lũ bằng cách khai đào đoạn khởi đầu sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) để chuyển nước từ sông Hồng vào, giải tỏa áp lực lũ cho vùng Hà Nội. Dù giải pháp vô cùng khoa học, bớt công sức đắp đê nhưng vì ngân khố có hạn nên vua Minh Mạng lắc đầu.

Năm 1846, đời vua Thiệu Trị, Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Giai thấy năm nào tỉnh Hà Nội cũng khốn khổ vì đê điều đã có bản tấu với 12 điểm bất lợi của đê dâng lên vua Thiệu Trị, trong đó có đoạn xin bỏ đê. Nguyễn Đăng Giai viết, đại ý việc đắp đê phòng lũ khiến nước không vào được ruộng nên ruộng ngày càng khô ráo, có cấy lúa cũng không lên được.

“Trong đồng mong nước như kẻ đang khát mà bên ngoài sông coi nước như thù. Muốn đào ra lấy nước thì sợ vỡ đê. Muốn hộ đê cho vững thì lúa bị hạn. Đường đê đã nhiều, hao phí tài lực càng lắm. Làm chỗ này, hỏng chỗ kia, kè bên đông thì bỏ bên tây. Đem cái công làm ruộng hữu hạn mà đắp cái đê bối vô hạn, tài lực của dân sao chịu nổi” - Nguyễn Đăng Giai viết như vậy và đề xuất đào một số con sông để phân lưu, giảm lượng nước cho sông Hồng. Tuy nhiên, vua Thiệu Trị sợ phá đê nước ngập ruộng đồng khiến dân Bắc Hà đói dễ dẫn đến bạo loạn nên không quyết. Đến đời vua Tự Đức, quan Nguyễn Đăng Khải cũng có bản tấu xin bỏ đê bên hữu ngạn sông Hồng để lấy nước vào đồng nhưng giữ đê bên tả để bảo vệ Hà Nội.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, các kỹ sư thủy lợi cũng tính toán việc bỏ đê nhưng họ cũng từ bỏ ý định này bởi không thể tính được sức tàn phá khi thiên nhiên nổi giận. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, đã có một cuộc hội thảo lớn về việc bỏ đê hay giữ đê với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, tuy nhiên, cuối cùng thì hội nghị thống nhất giữ nguyên hiện trạng đê.

Ngày nay, dù nhiều con sông nhỏ trên địa bàn Hà Nội không còn dòng chảy và nhiều năm qua sông Hồng gần như không xuất hiện lũ lớn song công việc tu bổ đê điều vẫn luôn là nhiệm vụ quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản đê Hà Nội