Về thăm chùa cổ Bối Khê

Nguyễn Văn Công| 18/06/2020 14:28

(HNMCT) - Chùa Bối Khê (thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) được xây dựng năm 1338. Chùa tọa lạc trên một khoảng đất rộng. Ngay trước sân chùa là một bãi đất trống mà theo tư liệu, đây từng là nơi tuyển mộ quân lính triều Trần. Trên bãi đất là cây đa khoảng 600 tuổi cùng 5 mộ tháp.

Chùa Bối Khê hiện còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các kiến trúc cổ từ khi xây dựng gồm sân chùa, ngũ quan, hồ sen, chính điện, bia đá, hậu đường... Chùa có bố cục tiền Phật hậu Thánh. Đây là nơi thờ Đức thánh Bối Nguyễn Bình An. Chính điện chùa là tượng Bồ tát nghìn mắt nghìn tay được đỡ bằng bệ sen đá, bốn góc bệ là hình tượng chim thần Garuda - loài chim mà thần Vishnu trong Hindu giáo thường cưỡi. Hiện nay, hình tượng này còn rất ít ở chùa Bắc Bộ.

Không chỉ là di tích lịch sử, chùa Bối Khê còn là một di tích cách mạng kháng chiến của huyện Thanh Oai. Phía sau khuôn viên chùa còn lưu giữ hầm kiểu mẫu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hầm được đồng chí Vũ Song, Bí thư Thành ủy Hà Đông (cũ) chỉ đạo đào tháng 1-1948, có ba ngách chính, thông tới điện Phật chùa Bối Khê. Hệ thống hầm là địa đạo quy mô, có tác dụng chuyển quân dưới lòng đất, là nơi phòng thủ vững chắc. Hiện nay, các hầm trong xã và các xã lân cận đều đã bị bịt chặt, duy chỉ có hầm trong chùa Bối Khê vẫn giữ được một cửa và địa đạo dài khoảng 7m.

Tại căn hầm lịch sử này, dân làng Bối Khê đã ba lần đập tan cuộc tấn công của thực dân Pháp, tiêu diệt tổng cộng 372 tên giặc. Căn hầm còn gắn liền với chiến tích của nữ du kích Phạm Thị Đe, người đã chiến đấu trong lòng địch 7 ngày liền.

Hiện nay, hầm Bối Khê đã được chỉnh trang lại, tuy chỉ còn khoảng 7m địa đạo nhưng đây vẫn là nơi để người dân ôn lại lịch sử hào hùng cũng như giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Chùa Bối Khê đã được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1979.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về thăm chùa cổ Bối Khê